Tăng cường kiểm soát tải trọng xe

26/01/2016 10:10

Kiểm soát tải trọng phương tiện ô tô tải dù đã có sự chuyển biến rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Do vậy, ngành chức năng đã chủ động đề xuất một số “kế sách” để tăng hiệu quả thực thi công vụ.Cần hoàn thiệnCùng với cả nước, hoạt động của lực lượng liên ngành gồm Thanh tra Sở GTVT và Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh được dư luận xã hội ủng hộ, số xe chở quá tải giảm rõ rệt. Kiểm soát tải trọng vừa có tác dụng răn đe, giáo dục thuyết phục lái xe và chủ xe ý thức hơn chuyện tuân thủ pháp luật khi chuyên chở trên đường bộ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng. Đã nhiều lần, Giám đốc Sở GTVT - ông Nguyễn Văn Nhân trải lòng, tuyên chiến với vấn nạn vi phạm chở hàng hóa quá khổ, quá tải “phá hoại tài sản quốc gia” là cả quá trình đấu tranh, xử lý lâu dài, phức tạp vì thực trạng doanh nghiệp, chủ phương tiện và lái xe muốn “ăn xổi” mà coi nhẹ luật pháp tiếp tục diễn biến khó lường.Kiểm tra đột xuất tải trọng phương tiện trên một tuyến ĐT. Ảnh: C.TTrước nhiều tồn tại, mới đây, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh cho phép khảo sát chọn địa điểm trên QL1, đoạn qua địa bàn tỉnh (hướng Bắc - Nam) để xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường dẫn vào vị trí cân, nơi đặt trạm cân, mái che, đường điện, khu vực hạ tải… Nguyên nhân là bởi vị trí đặt trạm cân tại km972+900 (trước Trạm CSGT Thăng Bình) đã được Bộ Công an vào khảo sát chọn địa điểm xây dựng trạm cân cố định. Muốn “bắt thóp” tài xế lái xe né trạm, ngành chức năng kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam bố trí các trạm liên tỉnh liền kề trên QL1 hoạt động xen kẽ. Có như vậy, tổ liên ngành mới khắc phục phần nào câu chuyện thiếu nhân lực để “khéo co thì ấm” kiểm soát đều đặn hơn trên các tuyến tỉnh lộ (ĐT), QL do trung ương ủy thác quản lý. UBND tỉnh đã phê duyệt nguồn liên quan đến kinh phí hoạt động của trạm năm 2015. Thế mà, tiền bồi dưỡng làm đêm, ăn giữa ca cho người “bám trụ” trên đường lại không được phép chi trả. Chánh Thanh tra Sở GTVT Võ Quang Lâm lý giải, khoản này “trống” chế độ quy định. Do vậy, ngành chức năng đã kiến nghị Bộ GTVT làm việc với Bộ Tài chính quy định chế độ, phụ cấp vừa đảm bảo quyền lợi tối thiểu vừa động viên các lực lượng túc trực làm việc. “Chúng tôi mong mỏi bộ ngành trung ương bổ sung thêm biên chế theo Đề án 321 đã được Chính phủ phê duyệt. Vì thực tế, Thanh tra Sở GTVT hiện chỉ có 20 người. Ngoài thực hiện tuần tra, kiểm soát, chúng tôi còn phải tiến hành 10 cuộc thanh tra theo đoàn hàng năm và nhiều nhiệm vụ khác do ngành phân công thì con người “quá tải” là tất yếu. Đặc biệt, để trạm cân đảm bảo hoạt động suốt 24/24 giờ, đơn vị phải “biên chế” 6 người/ngày đêm” - ông Lâm bày tỏ.Kiểm soát “đầu ra”Bên cạnh vận hành Trạm cân tải trọng xe lưu động số 23, năm qua, Thanh tra Sở GTVT và CSGT Công an tỉnh còn phối hợp với Công an huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn thực hiện kiểm tra, kiểm soát xử lý các trường hợp chở quá tải, cơi nới kích thước thùng xe trên các tuyến ĐT609, ĐT605, ĐT609B. Tính chung các kết quả xử phạt liên quan, lực lượng chức năng lập biên bản và ra quyết định xử phạt gần 1,8 tỷ đồng, tước có thời hạn 103 giấy phép lái xe.Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 46 đơn vị đầu mối nguồn hàng đã ký cam kết không xếp hàng, chở hàng vượt quá trọng tải cho phép của phương tiện. Chờ khoảng thời gian nhất định đủ để họ “thấm và làm theo cam kết”, Thanh tra Sở GTVT xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra bằng nhiều hình thức. Cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát tại đầu mối, Thanh tra Sở GTVT phối hợp cùng Cảnh vụ Hàng hải Quảng Nam xây dựng, ban hành quy chế liên ngành về kiểm tra, xử lý hành vi liên quan ở trong và ngoài khu vực cảng biển trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản nhiều trường hợp cố ý “vượt rào” cam kết. Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số II, Thanh tra Sở GTVT - ông Trương Văn Sơn cho biết thêm, trong quá trình thực thi công vụ cũng  gặp khó khăn khi người đứng đầu ở một số đơn vị đầu mối nguồn hàng thường né tránh, viện cớ đi công tác nhằm “câu giờ”. Có đầu mối biểu hiện dấu hiệu vi phạm về xếp hàng, tổ kiểm tra đến xác minh thì họ không hợp tác, viện dẫn nhiều lý do “thường ngày ở huyện”. Cho rằng muốn tiết kiệm chi phí, nhiều chủ xe, tài xế sau khi xếp hàng lập tức đưa phương tiện ra ngoài khu vực đầu mối thực hiện sang tải, dồn tải bất chấp hậu quả xảy ra. Ngoài ra, vật liệu có khối lượng riêng phụ thuộc nhiều vào độ ẩm, thành phần cấu tạo (cát khô, cát ướt, đất…) rất khó xác định thể tích hàng xếp trên xe và tùy thuộc vào kỹ năng, cảm tính của người vận hành…Xuất hiện nhiều lực cản từ thực tế, muốn tăng hiệu quả kiểm soát tải trọng phương tiện ngay từ đầu mối hàng hóa, ông Trương Văn Sơn cho rằng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, định kỳ gửi văn bản nhắc nhở các chủ đơn vị quan tâm và tuân thủ. Tiếp tục rà soát, phân loại đơn vị đầu mối nguồn hàng, qua đó phối hợp với các cơ quan quản lý có liên quan xây dựng quy chế kiểm soát tải trọng xe. Đơn cử, đơn vị đầu mối hàng hóa cảng biển thì phối hợp cùng cảng vụ hàng hải, các ga hàng hóa thì phối hợp với nhà ga… Chủ động phối hợp, đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành 5425 của tỉnh hỗ trợ, cử lực lượng tham gia. Bám sát, nắm chắc đầy đủ thông tin tình hình xếp hàng hóa; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải đa dạng, phù hợp từng nhóm đối tượng. Ông Sơn nhấn mạnh: “Quyết liệt, kiên trì và linh hoạt cần phải được duy trì trong suốt quá trình thực thi công vụ. Chỉ cần lơ là, thiếu kiểm soát thì tình trạng xe chở hàng quá trọng tải cho phép ngay lập tức tái diễn. Đặc biệt, cán bộ bố trí tham gia công tác kiểm soát đầu mối hàng hóa tiên quyết cần đảm bảo năng lực chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ. Có như thế, họ mới khỏi lúng túng, tránh bị “qua mặt” mỗi khi kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ về lưu trữ thông tin xếp hàng trên máy tính, hồ sơ sổ sách kho hàng, chứng từ hàng xuất - nhập…”.CÔNG TÚ