Tạm lùi thời hạn tăng phí trên quốc lộ 1: Người dân tiếp nhận thông tin chưa đầy đủ

CÔNG TÚ 02/01/2016 18:20

(QNO) - Việc tiếp nhận thông tin không đầy đủ về lộ trình lùi thời gian tăng phí qua các trạm BOT khiến các chủ xe ô tô lưu thông trên quốc lộ (QL) 1, thuộc địa bàn Quảng Nam tỏ ra bức xúc.

Người dân bức xúc

Ngày 25.12.2015, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký văn bản số 17178/BGTVT-TC gửi Bộ Tài chính, các nhà đầu tư dự án giao thông về việc tạm thời lùi thời hạn tăng phí qua các trạm BOT.

Trạm thu phí đặt tại xã Điện Thắng Bắc.
Trạm thu phí đặt tại xã Điện Thắng Bắc.

Theo đó, để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các nhà đầu tư đã phối hợp với Bộ GTVT thực hiện nhiều dự án hạ tầng đường bộ theo hình thức BOT. Quá trình thương thảo hợp đồng dự án, Bộ GTVT và các nhà đầu tư đã căn cứ vào dự kiến mức tăng trưởng chỉ số trượt giá (CPI) và mức phí trần quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC để đưa ra lộ trình tăng mức phí cho từng giai đoạn (trong đó có lộ trình tăng phí từ ngày 1.1.2016). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, do sự điều hành chặt chẽ, sát sao, hiệu quả của Chính phủ nên chỉ số trượt giá (CPI) thấp hơn nhiều so với mức dự kiến. Nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nhất là phù hợp với mức giảm chỉ số trượt giá CPI thực tế so với dự kiến trong các hợp đồng BOT đã ký, Bộ GTVT đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT (có danh sách kèm theo) tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến ngày 1.6.2016; đồng thời căn cứ tình hình thực tế, chỉ số trượt giá để tính toán điều chỉnh mức phí cho phù hợp.

Nhà đầu tư tiến hành thu phí theo lộ trình.
Nhà đầu tư tiến hành thu phí theo lộ trình.

Cũng trong ngày 1.1.2016, nhà đầu tư BOT dự án mở rộng QL1 qua địa bàn tỉnh bắt đầu tiến hành thu phí sau khi công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trạm thu phí Tam Kỳ do Cienco5 BOT thực hiện (nhà đầu tư dự án thành phần 2), còn trạm thu phí đoạn km943+957 thuộc sự quản lý của Công ty TNHH một thành viên BOT 545, thành viên của Công ty CP Xây dựng công trình 545 (nhà đầu tư dự án thành phần 1). Ngày đầu tiên trạm thu phí đưa vào hoạt động, PV Báo Quảng Nam liên tục nhận được nhiều sự phản ánh từ phía chủ xe. Nhiều tài xế cho biết, nhân viên trạm tiến hành thu phí tới 35 ngàn đồng/vé/lượt đối với xe ô tô 4 chỗ ngồi. Điều này khiến họ rất bất ngờ và bức xúc, bởi trước đó, báo chí thông tin Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị tạm lùi thời hạn tăng phí đến thời hạn vừa nêu. Trong khi, trạm thu phí Hòa Phước khi chưa dừng hoạt động chỉ thu 15 ngàn đồng/vé/lượt. Gần trưa nay (ngày 2.1), chúng tôi làm việc với Công ty TNHH một thành viên BOT 545 tại trạm thu phí tại km943+957 (địa bàn xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn) để tìm hiểu sự việc thì có một người dân sử dụng ô tô đi vào muốn gặp trực tiếp lãnh đạo trạm hỏi cho rõ ràng. Ông này bày tỏ: “Nhân viên của tôi hằng ngày lái xe từ Vĩnh Điện ra đến Điện Thắng Bắc phải mất phí hết 70 nghìn đồng cho hai lượt đi - về, như vậy thì thiệt thòi quá. Mà nghe nói, Bộ trưởng Thăng đã đề nghị tạm lùi tăng phí rồi nhưng sao các anh lại thu nhiều vậy?”.    

Nắm bắt chưa đầy đủ

Ông Nguyễn Văn Có - Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 545 Nguyễn Văn Có, Trạm trưởng trạm thu phí tại km943+957 cung cấp nhiều văn bản liên quan đến chủ trương thu phí của Bộ GTVT. Trong văn bản số 17178/BGTVT-TC, Bộ GTVT gửi Bộ Tài chính và các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT có ghi dòng chữ “(Theo danh sách kèm theo)”.

Văn bản có để dòng chữ
Văn bản có để dòng chữ "Theo danh sách kèm theo".

Danh sách kèm theo này tuyệt nhiên không có tên nhà đầu tư BOT nào thuộc dự án mở rộng QL1 qua địa bàn Quảng Nam. Điều đó chứng tỏ, trạm thu phí của công ty không thuộc diện “quy hoạch” tạm lùi thời hạn tăng phí. Chưa kể, Bộ GTVT mới đề xuất, chứ còn điều chỉnh hay không là do Bộ Tài chính quyết định. “Nhiều người cho rằng, chúng tôi thu phí cao quá là chưa chính xác. Đơn cử, thu phí xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit là 200 ngàn đồng/vé/lượt là hợp lý. Trước đây, xe tải loại này đi từ Điện Bàn ra Thừa Thiên Huế phải mất đến 240 ngàn đồng/vé/lượt, vì qua trạm Hòa Phước thu phí 120 ngàn đồng/vé/lượt và trạm nam đèo Hải Vân cũng thế” - ông Có giãi bày.  

Trước đây, Công ty TNHH một thành viên BOT 545 có đầu tư nâng cấp, mở rộng QL1 từ cầu vượt Hòa Cầm đến Hòa Phước (khoảng 14km, từ km933+947) với tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng và được cơ quan chức năng cho đặt trạm thu phí ở xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) và phía nam hầm Hải Vân (quận Liên Chiểu) thuộc TP.Đà Nẵng, bắt đầu thu phí từ năm 2010, trong thời gian khoảng 23 năm. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 nâng cấp, mở rộng QL1 từ km955+987, địa phận thị xã Điện Bàn đến km987, địa phận huyện Phú Ninh với tổng vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng (80% vốn vay ngân hàng) và được ngành chức năng cho phép dời trạm thu phí Hòa Phước về đặt tại km943+957. Từ 0 giờ ngày 1.1,  trạm thu phí ở nam hầm Hải Vân được bàn giao lại cho Nhà nước. Theo ông Hồ Anh Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 545, kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BOT 545, trạm thu phí tại xã Điện Thắng Bắc sẽ thu giá vé tăng đúng quy định của Bộ Tài chính. Theo tính toán, một trạm thu phí BOT một năm thu được khoảng hơn 100 tỷ đồng. Số tiền thu được trong vòng 5 năm mới đủ trả ngân hàng và các chi phí khác, chưa thể hoàn vốn. Mốc dự tính khoảng 23 năm 3 tháng thu phí mà công ty được phê duyệt chỉ mang tính tương đối. Trong quá trình thu phí, doanh nghiệp “về đích” sớm hơn thì sẽ bàn giao ngay cho Nhà nước. “Việc thu phí này phía công ty chỉ “lời” định mức”” - ông Sơn nhấn mạnh.  

Được biết, bên cạnh phục vụ thu phí, Công ty TNHH một thành viên BOT 545 còn đầu tư lắp đặt cân đo tải trọng đặt dưới nền đường ngay tại trạm. Thiết bị hiện đại này cân được các xe tải trọng chạy với tốc độ 180km/h. Cơ quan chức năng có thể kết nối để nắm bắt các xe chở quá tải trọng đi qua trạm mà có biện pháp xử lý. 

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ