"Làm mới" giao thông nông thôn
Đề án Phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2010 - 2015 thực hiện đã “làm mới” cách thức, đưa công tác phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh ổn định.
Làm mới
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năm 2009, Quảng Nam tái khởi động chương trình phát triển GTNT theo cách làm mới. Sau khi trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 143/2009/NQ-HĐND; UBND tỉnh phê duyệt đề án “Phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015”; ban hành quy chế tài chính và quản lý xây dựng; phê duyệt đơn giá xây dựng mặt đường và chỉ đạo triển khai thực hiện trên cơ sở kế thừa ưu điểm, khắc phục các mặt hạn chế của giai đoạn trước. Ngoài tiết kiệm chi phí, việc ban hành áp dụng thiết kế mẫu và các biểu mẫu trong quá trình lập trình tự, thủ tục đã rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư. “Nằm ở giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, nguồn thu ngân sách không ổn định, vốn đầu tư công cắt giảm nhưng UBND tỉnh vẫn tập trung nguồn lực cho đề án, vốn đầu tư không bị cắt giảm mà duy trì ổn định 60 - 90 tỷ đồng/năm. Giữa bối cảnh cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chiến lược phát triển GTNT đến năm 2020 nên đề án ra đời gặp nhiều thuận lợi” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết.
Phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh đang đi vào chiều sâu. Ảnh: CÔNG TÚ |
Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, các sở, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời những khó khăn phát sinh; chỉ đạo cắm mốc, quản lý hành lang theo quy hoạch; bổ sung kinh phí hỗ trợ trượt giá tại thời điểm có biến động lớn; điều chỉnh một số danh mục mà địa phương kiến nghị; lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới... Về phía các địa phương cũng tích cực, chủ động và sáng tạo; liên kết học hỏi và hỗ trợ phát huy các thế mạnh, giảm chi phí đầu tư, nhất là sử dụng vật liệu tại chỗ. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, xã hội từ cơ sở đến cấp tỉnh, các cơ quan báo chí vào cuộc mạnh mẽ tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, cây cối, vật kiến trúc, góp công và kinh phí. Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Tiên Phước Dương Văn Thủ cho hay, huyện còn phát huy xã hội hóa nhằm huy động cá nhân, các tổ chức, người con xa quê cùng chung tay làm đường bê tông. Ở Điện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn hay Đại Lộc…, bà con đồng hương cũng hướng về quê nhà bằng cả tinh thần và vật chất đã tạo nên phong trào “Toàn dân tham gia phát triển GTNT”.
Thành quả
Đề án “Phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015” về đích thành công. Các mục tiêu, chỉ tiêu do HĐND tỉnh đặt ra tại Nghị quyết số 143/2009/NQ-HĐND đã đạt được. Với những kết quả tích cực, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 159/2015/NQ-HĐND về phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020, triển khai đồng thời với đề án “Kiên cố hóa mặt đường ĐH giai đoạn 2015 - 2020” theo Nghị quyết số 134/2014/NQ-HĐND. Đây là 2 đề án chiến lược làm nòng cốt cho mục tiêu phát triển GTNT - miền núi thời gian đến; góp phần quan trọng đưa Quảng Nam cơ bản thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. |
Sau 6 năm triển khai, Quảng Nam đã bê tông hóa 1.552km đường GTNT đạt 105% kế hoạch (1.477km), xây dựng 2.386 cống các loại; đạt bình quân 258,7km/năm. Tổng chiều dài đường GTNT trên địa bàn tỉnh đã kiên cố hóa nâng từ 2.766km lên 4.318km trong tổng số 6.411km. Tổng kinh phí đầu tư là 970,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 444 tỷ đồng, ngân sách huyện 191 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 335,7 tỷ đồng. So với kế hoạch của đề án là 750,8 tỷ đồng), nguồn lực triển khai vượt 219,8 tỷ đồng (nhân dân đóng góp vượt 90,1 tỷ đồng). Đề án đã khơi được “điểm nghẽn” về phát triển GTNT ở giai đoạn trước năm 2010. Vì lẽ đó, các xã đăng ký kế hoạch hàng năm luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch do tỉnh phân bổ 2 - 3 lần. Bên cạnh trực tiếp phục vụ đạt tiêu chí số 2 về giao thông, GTNT còn giúp cho quá trình vận chuyển nông sản được thuận lợi đã giảm được chi phí, nâng cao giá trị đóng góp vào tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân. Đường sá sạch, đẹp cũng “chung tay” vào thực hiện tiêu chí môi trường; việc quản lý hành lang giao thông hiệu quả sẽ góp phần thực hiện tiêu chí quy hoạch…
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Văn Nhân cho rằng, đề án “Phát triển GTNT 2010 - 2015” tiếp tục phát huy dân chủ ở cơ sở, góp phần tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ và liên hoàn từ nhà đến thôn, từ thôn đến xã và từ xã đến huyện. GTNT phát triển gần như đã xóa bỏ khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, áp lực đô thị hóa giảm rõ rệt. Cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tiếp tục phát huy hiệu quả đầu tư, tiết kiệm 30% - 50% kinh phí so với quy trình quản lý công trình xây dựng. Cơ chế điều hành kế hoạch chủ động, linh hoạt, có mục tiêu. Tỉnh quản lý tốt hơn nhịp độ phát triển GTNT hàng năm, không phát sinh nợ đọng, không chạy theo thành tích. Cạnh đó, nhận thức của người dân về chất lượng công trình được nâng lên. Bà con chủ động thời gian thích hợp, sử dụng máy móc và công cụ hỗ trợ để thi công. Thế nên, các tuyến đường được xây dựng trong giai đoạn vừa qua đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý.
CÔNG TÚ