Kết nối hạ tầng giao thông

CÔNG TÚ 12/10/2015 09:21

Thời gian qua, nhiều trục đường bộ chiến lược trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư mới hoặc nâng cấp, mở rộng kết nối liên hoàn hạ tầng giao thông (HTGT).

Khơi thông trục dọc

Được khởi công vào ngày 24.3.2013, dự án mở rộng quốc lộ (QL) 1 đoạn qua Quảng Nam có tổng chiều dài xây dựng thực tế 57km, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 6 năm nay. Bề mặt tuyến trục dọc huyết mạch quốc gia gồ ghề ngày nào nay thay bằng lớp bê tông nhựa phẳng lỳ. Lòng đường chật hẹp cũng được nới rộng, nơi tối thiểu đạt 16,5m và ở giữa có dải phân cách với 2 làn xe mỗi bên. Nhiều ngôi chợ cũ sập sệ, nhếch nhác, chiếm dụng không gian dành cho người tham gia giao thông dần được khắc phục. “Mạch máu” QL1 khơi thông thành đường một chiều, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở các địa phương. Công trình về đích sớm một phần nhờ vào sự đồng thuận của người dân cùng nỗ lực của cả hệ thống chính trị khi triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, mở rộng QL1 là dự án phức tạp nhất về GPMB đã thực hiện từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Không những vậy, công tác này phải hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn theo yêu cầu về tiến độ của Chính phủ với hơn 169,2ha đất phải thu hồi; 6.548 hộ dân và 6 tổ chức bị ảnh hưởng (tái định cư cho 126 hộ dân). Cạnh đó, các đơn vị cần di dời 34,64km điện trung thế và hạ thế; 20,9km điện chiếu sáng; 10,2km hạ tầng kỹ thuật khác.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Hiện thực hóa chiến lược đột phá đầu tư cho HTGT, Quảng Nam cũng đang nỗ lực GPMB để triển khai xây dựng dự án trọng điểm đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Công tác GPMB dự án này không kém phần cam go, phức tạp với khối lượng lớn, ảnh hưởng đến 8.236 hộ dân (tái định cư 836 hộ), 10.930 ngôi mộ... Dù phải thực hiện một khối lượng công việc khá lớn cho cả hai dự án trong điểm (QL1 và đường cao tốc) nhưng với quyết tâm cao, các địa phương đã tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn để GPMB kịp tiến độ. Hiện dự án đường cao tốc đã giải phóng được khoảng hơn 86/91,25km cần bàn giao. Quảng Nam phấn đấu khơi thông mặt bằng toàn tuyến qua tỉnh cho dự án theo tiến độ trung ương yêu cầu.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi; liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh -  quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân cả nước nói chung; góp phần kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác Lào - Campuchia - Việt Nam qua hành lang kinh tế Đông Tây đến các cảng biển miền Trung nước ta; đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp nhân dân vào mùa mưa lũ.

Quốc lộ 1 qua cửa ngõ phía bắc Tam Kỳ được mở rộng khang trang. Ảnh: C.TÚ
Quốc lộ 1 qua cửa ngõ phía bắc Tam Kỳ được mở rộng khang trang. Ảnh: C.TÚ

Kết nối đông - tây

Kể từ ngày mặt đường tỉnh lộ (ĐT) 616 được nâng cấp và “bắc nhịp” QL40B, cô giáo Lê Thị Vinh (huyện Bắc Trà My) thường xuyên trở về nhà sum họp gia đình sau mỗi lần “cõng” con chữ lên dạy cho học trò vùng tây. Chuyện đi lại của những người công tác ngành sư phạm ở miền núi không còn cách trở như xưa. Qua huyện Nam Trà My, ven QL40B đoạn kéo dài từ thị trấn Tắc Pỏ lên giáp huyện Tu Ma Rông (Kon Tum) nhiều ngôi nhà của đồng bào dựng lên, đời sống dân cư vùng cao có nhiều tín hiệu khởi sắc. Giám đốc Sở Giao thông vận tải - ông Nguyễn Văn Nhân cho hay, QL40 giai đoạn 1 đưa vào sử dụng đã rút ngắn khoảng cách từ các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My với trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ, là một nhân tố quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vai trò kết nối đông - tây. Bắt đầu từ biển Tam Thanh, QL40B băng giáp các tuyến nội thị của TP.Tam Kỳ, QL1, đường Hồ Chí Minh rồi thông đoạn đi cửa khẩu Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi, Kon Tum (giáp nước bạn Lào) tổng cộng chưa đầy 250km. Cung đường là “đòn bẩy” hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực phía bắc Tây Nguyên và ven biển miền Trung.

Ngoài QL40B, 5 năm qua, trục ngang có thêm tuyến mới 14G (nguyên ĐT604). Cung đường nằm trong hệ thống đường bộ liên hoàn gồm cảng Tiên Sa, QL14B, QL1, đường Hồ Chí Minh, đường hầm Hải Vân đi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và theo đường Hồ Chí Minh đến Lào, Campuchia, vùng đông bắc Thái Lan. Gần đây và thời gian tới, Quảng Nam tập trung phối hợp cùng trung ương đẩy nhanh triển khai trục dọc đường Đông Trường Sơn; xúc tiến mở rộng 14B, 14D, 14E, 14G, giai đoạn II của QL40B, nối dài QL14E đến đường ven biển. Cạnh đó, Quảng Nam sẽ thúc đẩy nhà thầu xây dựng hoàn thành cầu Giao Thủy; phát huy hiệu quả cầu Cửa Đại khi khánh thành, sẽ tiếp tục hoàn thiện tuyến giao thông ven biển từ Cẩm An (Hội An) đến Tam Tiến (Núi Thành)…

Hơn 5 năm trở về trước, địa bàn tỉnh đã có sự hiện diện của 3 tuyến QL trục ngang từ đông sang tây, bao gồm 14B, 14D, 14E và địa phương đã tận dụng hiệu quả để tăng trưởng kinh tế - xã hội. QL14B là ví dụ điển hình. Cung đường kết nối cảng Tiên Sa (TP.Đà Nẵng) với đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Nam Giang) được nâng cấp với tiêu chuẩn cấp III này băng qua địa hình cao ráo nên thuận lợi cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Cạnh đó, đoạn qua Đại Lộc đã đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp địa phương. Ông Đoàn Ngọc Quang, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Đại Lộc cho hay, công tác phát triển kinh tế - xã hội của huyện đạt được kết quả như hôm nay có sự đóng góp quan trọng từ giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đặc biệt là các nhà máy ven QL14B. Đến thời điểm này, dọc tuyến có 11 cụm công nghiệp hình thành, thu hút 36 dự án vào đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. QL14B cũng sẽ là hạ tầng giao thông huyết mạch vận chuyển hàng hóa sản xuất tại các điểm, khu công nghiệp ở các xã vùng B của huyện Đại Lộc. Về lâu dài, cung đường còn làm cầu nối ĐT611, ĐT610, cầu Giao Thủy, ĐT609B, ĐT609 từ các huyện Quế Sơn, Nông Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc ra TP.Đà Nẵng.

Năm năm qua, cán bộ và nhân dân Quảng Nam ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trong bối cảnh ảnh hưởng suy giảm kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ đã đề ra Nghị quyết số 11/NQ-CP, yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước. Bởi vậy, nhiều dự án đầu tư HTGT ở Quảng Nam bị ngừng, đình hoãn hoặc giãn tiến độ triển khai. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm tích cực của trung ương, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, các chương trình, đề án đầu tư bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể; tập trung nhiều nguồn lực phát triển mạnh HTGT, trong đó chú trọng kết nối liên hoàn bằng các trục dọc - ngang đồng bộ. Mạng lưới giao thông bây giờ thông suốt từ QL đến ĐT; từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện, thành phố và trung tâm các xã, thôn, bản; đi các tỉnh Kon Tum, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, TP.Đà Nẵng và đặc biệt là nước bạn Lào. Người dân đi lại thuận lợi, an toàn; hàng hóa tiêu thụ được dễ dàng, thúc đẩy phát triển sản xuất; chi phí vận chuyển giảm đáng kể; khâu thu hút đầu tư đạt cả số lượng và chất lượng.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ