Ứng phó với mưa bão - Bài 4: Lo "lá chắn nước"

CÔNG TÚ 02/10/2015 08:23

Trước những biến động thất thường của thiên nhiên, nỗi lo “lá chắn nước” ảnh hưởng đến quá trình thoát lũ lại hiển hiện, nhất là nơi các tuyến tránh quốc lộ 1 và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

  • Ứng phó với mưa bão - Bài 3: Đảm bảo an toàn cầu Giao Thủy
  • Ứng phó với mưa bão - Bài 2: Ngăn ngừa hư hại di sản
  • Ứng phó với mưa bão - Bài 1: Vùng cao đề phòng sạt lở đất

Phập phồng

Người dân sinh sống phía tây tuyến tránh Vĩnh Điện (tránh quốc lộ 1 cũ) của thị xã Điện Bàn lại nơm nớp lo sợ nhà cửa bị ngập sâu khi mùa mưa bão về. Tuyến giao thông này dài gần 5km với nền đắp cao. Thế nhưng, hệ thống cống thoát và cống chui bố trí có khẩu độ quá hẹp nên lũ lụt từ thượng nguồn đổ về không chảy thoát kịp làm mực nước ở phía tây đường chênh nhau với bờ phía đông tới hơn 1m. Mỗi lần như vậy, đường tránh trở thành “lá chắn nước” gây ngập cục bộ ở Vĩnh Điện, Điện Minh và Điện Phương. Còn nhớ sau trận lũ lớn vào cuối năm 2009, nước ứ gần suốt cả tuần lễ vẫn chưa rút hết khiến mọi hoạt động gần như bế tắc. Nước lớn quá nhanh và ngập sâu nên tài sản, của cải nhiều gia đình bị hư hại nặng. Ông Phạm Nên - Bí thư Chi bộ khối phố 5, phường Vĩnh Điện chia sẻ, cứ đến mùa mưa bão là người dân sinh sống không yên, nhất là bà con tiểu thương. Mọi người lo nước lớn quá nhanh vào ban đêm, việc dọn dẹp trở tay không kịp. Tuyến ĐH9 thênh thang nối trung tâm thị xã với vùng đông khang trang là vậy, nhưng tại điểm giao nhau với đường tránh phải “chui” qua cống bề rộng chỉ 3m, tạo thành “nút thắt cổ chai” gây mất mỹ quan và an toàn, lãng phí kinh phí đầu tư.

Mở rộng cống chui tuyến tránh Vĩnh Điện không thể kết thúc trước mùa mưa.
Mở rộng cống chui tuyến tránh Vĩnh Điện không thể kết thúc trước mùa mưa.

Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được xây dựng cũng khiến nhiều người dân lo lắng vì nguy cơ gây ngập cục bộ. Mới qua những trận mưa do ảnh hưởng cơn bão số 3, người dân Thăng Bình, Điện Bàn bắt đầu cảm nhận được nỗi bất an của mình là có cơ sở. Tại Thăng Bình, một vài điểm thi công gây ứ đọng nước ảnh hưởng quanh khu vực. Còn ở Điện Bàn, ông Trần Công Luyến - Chủ tịch UBND xã Điện Thọ cho hay, nước mưa cuốn trôi đất đắp đường cao tốc chưa làm xong mái taluy tràn vào một số cống chui khiến việc đi lại của bà con trên đường ngang dân sinh thuộc thôn Bì Nhai bị ách tắc. Cống chui qua các thôn Kỳ Long, Đức Ký Nam, Phong Thử 3 cũng lâm vào cảnh tương tự. Người dân thấp thỏm trước khả năng đất sản xuất bị bồi lấp do vật liệu thi công trôi theo mưa lũ. “Lúc chưa có dự án cao tốc, vấn đề sơ tán ở địa phương mang tính chất liên vùng. Bây giờ, con đường chia cắt nhỏ các khu dân cư nên việc biệt lập của một vùng là không thể tránh khỏi, điều đó thật sự gây khó khăn cho công tác ứng phó thiên tai” - ông Luyến chia sẻ. Đối với Điện Quang, người dân đã thấu hiểu “lá chắn nước” là như thế nào, đơn cử là tuyến đường sắt Bắc - Nam. Bây giờ chồng lên đường cao tốc, chính quyền và người dân nơm nớp sợ phía thượng lưu bị ngập sâu, còn hạ lưu bị xói lở vì nước chảy qua cống thoát lũ luôn mạnh và xiết.

Chưa hết lo

Quá trình thi công và đưa vào sử dụng tuyến tránh Vĩnh Điện bộc lộ nhiều bất cập. Trước thực trạng đó, địa phương đã nhiều lần kiến nghị với các ngành liên quan. Ngày 2.2 vừa qua, Bộ GTVT có văn bản gửi UBND tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận xây dựng bổ sung cống thoát nước ngang tại km948+435, km951+040, km951+530; còn cầu dầm bản tại km948+865 sẽ bổ sung sau do thiếu vốn. Tuy nhiên, công tác đầu tư bổ sung 3 cống thoát nước ngang triển khai quá chậm. Mùa mưa bão đã bắt đầu, song khâu thi công chưa hoàn thành.

UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản gửi Bộ GTVT xem xét giải quyết điều chỉnh, bổ sung một số vị trí đường gom, cống chui dân sinh và cống thoát nước thuộc dự án cao tốc để phục vụ nhu cầu đi lại, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Ngày 9.6.2015, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận các nội dung điều chỉnh, bổ sung theo kiến nghị của chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Nhưng cũng còn một số vấn đề chưa được giải quyết với nội dung biên bản mà đại diện của VEC (Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) đã phối hợp kiểm tra và thống nhất với tỉnh trước đây. Mặt khác, đoạn tuyến mới thi công tại xã Bình Quý, huyện Thăng Bình có phát sinh một số vị trí đường gom, cống thoát nước cần điều chỉnh, bổ sung so với hồ sơ thiết kế đã phê duyệt. Ngày 1.9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu tiếp tục ký Công văn số 3915/UBND-KTN gửi Bộ GTVT và VEC đề nghị VEC làm việc cụ thể với các huyện, thị xã liên quan và Sở GTVT để tìm “tiếng nói chung” xử lý nội dung đề nghị trước đây của UBND tỉnh mà đại diện VEC đã đồng tình, song chưa được giải quyết hoặc giải quyết không theo đúng đề nghị của địa phương. Đồng thời chủ đầu tư đồng thuận chủ trương giải quyết các phát sinh mới tại khu vực xã Bình Quý.

Làm việc với thị xã Điện Bàn, xã Điện Thọ mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh bày tỏ lo lắng chung quanh phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc các địa phương có dự án cao tốc đi qua. Nhằm chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là dòng chảy của lũ lụt bị “điều chỉnh” bởi con đường, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Điện Bàn giao cho Thanh tra thị xã khẩn trương kiểm tra sâu từng chi tiết, kỹ ở từng vị trí trong ứng phó mưa bão ở các địa phương. Từ đó, chính quyền thị xã chủ động chỉ đạo cụ thể, nhất là khu vực thượng và hạ lưu đường cao tốc. Nơi ấy, chú ý sơ tán dân vùng thượng lưu bị ngập sâu và vùng hạ lưu, điển hình là tại vị trí đường gom, cống thoát nước có nguy cơ bị cuốn trôi. Về lâu dài, Điện Bàn xác định nếu di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm thì cũng cần sớm tính đến địa điểm bố trí xen ghép hoặc tái định cư tập trung phù hợp quy hoạch nông thôn mới. “Chủ động phòng là chính, đặc biệt chú ý thời tiết cực đoan. Những việc Điện Bàn làm được ngay thì tiến hành thực hiện. Chúng ta không nên để khi hậu quả xảy ra rồi mới tổ chức rút kinh nghiệm thì sự việc đã muộn màng” - Phó Chủ tịch Lê Trí Thanh cảnh báo.

CÔNG TÚ

Bài 5: Mở đường tránh lũ
Nhiều địa phương đang gấp rút hoàn thiện các tuyến đường dân sinh nối các khu dân cư, hạn chế tình trạng cô lập do mưa lũ.

CÔNG TÚ