Hiệu quả kiểm soát liên ngành

KHẢI KHIÊM 15/09/2015 09:08

Hoạt động của các tổ liên ngành trong tuần tra, kiểm soát đường thủy nội địa và tải trọng phương tiện trên đường bộ đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Từ sông nước...

Nhận diện nguy cơ tai nạn luôn rình rập, nhiều năm nay, Ban ATGT tỉnh duy trì hoạt động Tổ kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa (thanh tra, công an, đăng kiểm, quản lý đường sông) thực thi nhiệm vụ tại các bến đò, đường sông. Với việc triển khai nhiều biện pháp từ căng thẳng cho đến mềm dẻo, thành viên của Tổ kiểm tra linh hoạt trong cách tuyên truyền, vận động và cả yêu cầu các chủ bến đò, bến khách ngang sông và các phương tiện lưu thông ký cam kết không vi phạm. Từ điểm tựa pháp lý ấy, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm nếu họ làm trái “hợp đồng” và có nhiều nơi đã bị “tuýt còi”. Chủ bến đò Ông Đốc (Điện Bàn) - bà Lê Thị Thương cho hay, mọi thắc mắc về thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện, học và thi lấy bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người cầm lái đều được đoàn giải đáp kịp thời.

Tổ liên ngành đường thủy nội địa tuần tra trên sông Vĩnh Điện. Ảnh: K.K
Tổ liên ngành đường thủy nội địa tuần tra trên sông Vĩnh Điện. Ảnh: K.K

Vận chuyển hành khách trên sông nước bước đầu đi vào khuôn khổ, đường thủy nội địa lại “dậy sóng” trước nạn “sa tặc” hoành hành. Trước tình hình đó, Ban ATGT tỉnh kiện toàn Tổ kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa để tuần tra và truy quét đối tượng khai thác cát, sạn trái phép trên các tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang. Ngoài việc xử lý, tổ cũng hướng dẫn về thủ tục đăng ký, đăng kiểm cho các chủ phương tiện; hướng dẫn học và thi lấy bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Để làm thủ tục đăng ký cho ghe thuyền có công suất lớn, Trung tâm Đăng kiểm Thủy bộ Quảng Nam đã mời Chi cục Đăng kiểm số 4 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) về tận điểm tập kết bên bờ sông tiến hành nghiệp vụ. “Hiệu ứng cho thấy, nhiều tổ chức, các nhân đã tự giác khắc phục thiếu sót, sai phạm mà lực lượng liên ngành đã nhắc nhở. Các đơn vị, địa phương, các chủ bến “biết” sốt sắng tiến hành làm hồ sơ thủ tục để được cấp phép mở bến” - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, ông Trương Khuê nhận xét.

…đến đường bộ

Mặt đường nhiều đoạn trên tuyến ĐT609 và ĐT609B hiện nay bị sụt lún nghiêm trọng. Đặc biệt, tại km3+702 (cầu Chánh Cửu) đến khoảng km4, thuộc ĐT609B bị hư hỏng rất nặng, nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng đã xảy ra. Được biết, đoạn tuyến trên được nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mượn làm đường công vụ, cam kết sửa chữa đảm bảo giao thông trong quá trình khai thác (và phải chở đúng tải trọng quy định), hoàn trả sau khi hoàn thành dự án. Nhưng theo phản ánh của người dân, vài tháng trở lại đây chưa thấy họ thực hiện sửa chữa đảm bảo giao thông.

Tình trạng xe quá tải trọng khiến tuyến đường trọng yếu trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị sụt lún. Bề mặt lồi lõm xấu đến mức phải đặt tên ghép cùng con vật như “ổ gà”, “ổ voi”, “sống trâu” ấy luôn “đồng hành” với tình trạng mất ATGT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề lưu thông hàng hóa, ổn định dân sinh và phát triển kinh tế ở các địa phương. Cách đây vài năm, nhiều tuyến tỉnh lộ (ĐT) như ĐT616 hay quốc lộ (QL) gồm QL14D, QL14E hư hỏng nặng bởi xe tải siêu trường, siêu trọng chở trang thiết bị, máy móc thi công các công trình thủy điện. Việc duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo ATGT và hoàn trả sau khi hoàn thành dự án như cam kết thường không được chủ đầu tư hay nhà thầu tự giác thực hiện. Rút ra bài học từ thực tiễn và thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Quảng Nam đã thành lập lực lượng liên ngành tham gia triển khai nhiệm vụ tại Trạm cân tải trọng xe lưu động. Trạm được vận hành bởi sự phối hợp giữa Thanh tra Sở GTVT và Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tại nhiều điểm trên QL1 (3 vị trí), đường Hồ Chí Minh (km13720). Cạnh đó, Thanh tra Sở GTVT còn sử dụng cân xách tay kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến ĐT, QL do trung ương ủy thác quản lý.

Từ ngày trạm cân đi vào hoạt động, số xe chở quá tải trọng cho phép giảm rõ rệt. Điều đó đã tạo hiệu ứng tích cực, được dư luận xã hội ủng hộ. “Biện pháp trên vừa có tác dụng răn đe giáo dục, thuyết phục tài xế và chủ phương tiện ý thức hơn trong chấp hành pháp luật về tải trọng hàng hóa, góp phần giảm thiểu tai nạn và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông” - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, ông Nguyễn Văn Nhân đánh giá. Nhưng ngược lại, các tuyến ĐT bị xâm hại nghiêm trọng hơn khi tài xế đi vào để né trạm cân. Thời gian trở lại đây, nhiều tuyến ĐT xuống cấp nhanh chóng do phải liên tục “tiếp nhận” xe tải chuyên chở xi măng, cát sạn cùng với đó là hàng trăm phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Để lập lại trật tự, nhiều thời điểm tỉnh đành điều động trạm cân lưu động “cắm chốt” trên ĐT609. Lúc lực lượng chức năng rút đi triển khai trên QL1 và đường Hồ Chí Minh, hàng đoàn xe tải lại nối đuôi nhau chạy trên ĐT609B, ĐT609 với mật độ dày đặc gây mất ATGT, vật liệu do chất quá kích thước thùng và che đậy hời hợt nên rơi vãi làm ô nhiễm môi trường sống. Thanh tra Sở GTVT phải sử dụng cân xách tay “hạ nhiệt” tình hình. Tuy nhiên, lực lượng này không thể kiểm soát 24/24 giờ vì con người ít (phân tán tại trạm cân lưu động và các tổ liên ngành khác). Mới đây, trạm cân lưu động được điều trở lại trên tuyến ĐT609 và vấn đề lưu thông diễn ra trật tự hơn.

KHẢI KHIÊM

KHẢI KHIÊM