Lãng phí bến xe tiền tỷ
Nhiều bến xe đang hoạt động “cầm hơi” hoặc bỏ hoang mặc dù đã xã hội hóa, chuyển giao cho tư nhân khai thác. Kiểm soát hoạt động bến bãi, vận tải như thế nào cho hiệu quả là bài toán khó với các ngành liên quan.
Bến xe Bắc Quảng Nam và thị trấn Hà Lam ít có xe ra vào. Ảnh: NG. DƯƠNG |
Bến vắng xe…
Nằm ở cửa ngõ vào trung tâm thị xã Điện Bàn, bến xe khách Bắc Quảng Nam với diện tích hơn 7,58ha, được Sở GTVT đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng, đưa vào sử dụng vào năm 2009. Nhiều người ở phường Điện An (nơi bến xe tọa lạc) chia sẻ, lúc đầu người dân ở khu vực này hy vọng về một cuộc đổi đời khi bến xe được đầu tư hoành tráng, thế nhưng từ khi đưa vào hoạt động đến nay, bến xe này luôn ở trong tình trạng vắng vẻ. Đến năm 2012, sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, khách không vào bến, xe cũng không chịu vào, bến xe khách Bắc Quảng Nam được bàn giao cho Công ty TNHH Đầu tư bến xe Bắc Quảng Nam quản lý, sử dụng. Các hạng mục được đưa vào kế hoạch kinh doanh như kinh doanh bến xe, vận tải hành khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng, vận tải hàng hóa bằng đường bộ…, kèm theo đó còn có các dịch vụ như đại lý bán vé ô tô, máy bay, tàu hỏa; cơ sở bảo dưỡng ô tô, nhà hàng ăn uống… Thế nhưng, đến nay các hoạt động này vẫn chưa thể triển khai.
Ông Nguyễn Văn Ba - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư bến xe Bắc Quảng Nam cho biết, sở dĩ có tình trạng trên là bởi các xe khách không chịu vào bến mà chỉ dừng, đón khách dọc đường hoặc qua điện thoại rồi nhận khách. “Nếu bến xe mà không có người dân nào vào đứng chờ xe, mua vé tuyến thì coi như không hoạt động được. Giờ người dân chỉ ra những chỗ gần nhà mình, xe sẽ tự động tới đón nên việc ra bến xe để mua vé, chờ xe là điều khó xảy ra” - ông Ba nói. Chỉ tính riêng trong địa bàn phường Vĩnh Điện đã có hơn 12 điểm bán vé xe khách, người dân thường ra đây đón xe hoặc ra thẳng quốc lộ 1 để chờ xe chứ không vào bến bãi để đợi. Giải thích về điều này, ông Ba cho rằng đó là bởi quy hoạch bến xe Bắc Quảng Nam nằm xa khu trung tâm của Vĩnh Điện. “Người dân bao giờ cũng muốn ra gần nhà để tiện đón xe chứ nhất định không chịu ra bến để đợi xe. Dù chúng tôi đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng, Sở GTVT để cải thiện tình hình nhưng cũng không khả quan hơn. Chính vì bến xe không thể hoạt động nên những dịch vụ kinh doanh kèm theo của bến xe đều bỏ ngỏ, không dám đầu tư để phát triển. Bởi nếu mở ra mà không có khách thì doanh nghiệp lại thêm lần nữa đi vào ngõ cụt” - ông Ba nói thêm.
Theo Sở GTVT, toàn tỉnh có 19 bến xe đã được công bố. Hiện tại rất ít bến xe hoạt động hiệu quả, các bến xe lớn chỉ hoạt động cầm chừng, chưa khai thác hết diện tích và công suất thiết kế. Không chỉ bến xe liên tỉnh ế ẩm, các bến xe cấp huyện cũng lâm vào tình cảnh vắng vẻ. |
Một bến xe khác đang phải chịu cùng số phận như bến xe Bắc Quảng Nam là bến xe Thăng Bình. Từng là một điểm trung chuyển với số lượng người rất lớn của tỉnh nhưng đến nay bến xe này đã hoàn toàn bỏ hoang. Ông Lương Minh Nam - Chủ nhiệm HTX Vận tải và dịch vụ du lịch huyện Thăng Bình cho biết, từ năm 2005 bến xe Thăng Bình được giao cho HTX quản lý, sử dụng kinh doanh với diện tích đất khoảng 1.500m2. Tuy nhiên, khi HTX tiếp quản bến xe thì đã có một số hộ dân lấn chiếm để làm cơ sở buôn bán. Đến năm 2012, bến xe đã được công nhận là bến xe loại 6 và đưa vào hoạt động nhưng hiện tại, bến xe khách Thăng Bình hoàn toàn bị bỏ hoang, không có khách và xe ra vào bến, chỉ lác đác xe vận tải hàng của một doanh nghiệp nằm trong phần diện tích của bến xe. Cũng chính bởi bến xe không hoạt động được nên các nhà xe của huyện Thăng Bình phải ra đăng ký tại bến xe của HTX vận tải Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Ông Nam nói: “Bến thì có, nhưng các nhà xe phải ra đăng ký đỗ, đậu ở bến xe Duy Xuyên, đó là một nghịch lý nhưng không thể giải quyết được đến thời điểm này”.
Còn tại bến xe Tam Kỳ, trên khu đất rộng khoảng 2,6ha, chúng tôi chỉ thấy hàng xe container hay vài chiếc xe khách đậu rải rác để sửa chữa. Bến xe này có khá hơn những bến xe khác khi vẫn có lác đác vài xe đăng ký lưu thông. Nằm ngay cửa ngõ tỉnh lỵ về phía bắc, cũng là bến xe khách liên tỉnh và được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn loại 2, tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng, nhưng từ 2006 đến nay bến xe Tam Kỳ vẫn hoạt động cầm chừng, èo uột.
Cần sự phối hợp
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Phòng Vận tải (Sở GTVT) cho biết, hiện nay hành khách có quá nhiều lựa chọn, hầu hết đều chọn cho mình phương án thuận tiện nhất nên việc họ không ra bến xe để đợi, thay vào đó là đến các điểm gần nhất là điều dễ hiểu. Về quy hoạch thì các thành phố lớn đều bố trí bến xe ở ngoài trung tâm để hạn chế tình trạng mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông, nên dù biết bến xe sẽ gặp khó khi bố trí ở ngoài cũng đành chịu. Đây là tình trạng chung trên cả nước chứ không riêng gì Quảng Nam. Nhiều nơi còn phải đầu tư ngân sách của địa phương để giải quyết phần nào khó khăn cho bến xe bởi theo quy định, đã có tuyến là phải có bến xe. Cho dù khách không đến đây đợi, nhà xe không đậu đỗ thì cũng phải duy trì, bởi nếu không có bến xe thì không thể có tuyến.
Nhiều chủ xe vẫn đón khách dọc đường mà không vào các bến xe. |
Ngay ở thị xã Điện Bàn, mặc dù đã tăng cường huy động lực lượng cảnh sát giao thông với các chốt chặn kiểm tra, vẫn không thể ngăn được tình trạng xe dù bến cóc, xe khách “lơ” bến. Trung tá Phạm Văn Trung - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Công an thị xã Điện Bàn cho biết, đơn vị đã cố gắng hạn chế xe dù bến cóc, hỗ trợ cho bến xe Bắc Quảng Nam hoạt động nhưng do lực lượng mỏng, mỗi ngày tổ chức tuần tra 2 ca nên cũng khó kiểm soát. “Hơn nữa, lực lượng công an huyện không có chức năng đóng chốt hay kiểm tra trên quốc lộ 1 nên cũng khó xử lý những bến đậu đỗ ở quốc lộ. Chúng tôi đã cố gắng để làm đúng với chức năng của mình. Thị xã Điện Bàn cũng đã có những quy định cấm các xe khách đậu đỗ, đón khách ở trung tâm thị xã vào những giờ cao điểm như 6 - 8 giờ sáng và 16 - 20 giờ hàng ngày. Đây cũng là cách để hạn chế việc các xe khách vào trung tâm thị xã đón khách…” - ông Trung cho biết.
Việc quy hoạch, bố trí bến xe bất cập đã gây nên tình trạng lãng phí. Theo quy định, bến xe phải bố trí ngoài trung tâm của đô thị để tránh tình trạng ách tắc giao thông, tai nạn. Tuy nhiên, làm thế nào để bến xe có khách và các nhà xe chỉ được đón khách ở bến xe mới là vấn đề cần tính toán. Trong khi đó lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông không thể túc trực 24/24 giờ để kiểm soát tình hình. Nhiều ý kiến cho rằng có thể vực dậy các bến xe hiện nay trên địa bàn tỉnh là cần phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và nhà xe, từ đó nâng dần ý thức chấp hành trật tự giao thông của người dân. Có như vậy mới hy vọng giải quyết được vấn đề này.
NGUYỄN DƯƠNG