Giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc qua Phú Ninh: Đối diện nhiều thử thách
Phú Ninh đang vấp phải nhiều khó khăn, thử thách để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bàn giao đúng thời hạn UBND tỉnh quy định.
Vướng nhiều mặt
Báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) huyện Phú Ninh đến ngày 4.8 cho thấy, địa phương giải phóng được 13/14,115km (đạt 92%) chiều dài mặt bằng thuộc phạm vi ảnh hưởng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, phần diện tích đã bàn giao cho chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) và nhà thầu có một số vị trí không liên tục vì vướng đất có nhà ở, gây khó khăn trong quá trình thi công. Theo ý kiến của nhà chuyên môn, tổng cộng hơn 1km chưa bàn giao còn lại nằm ở những đoạn “khúc xương” rất khó tháo gỡ nhanh. Chi tiết hơn, huyện còn 112 hộ chưa được giao đất tái định cư (TĐC), chưa tháo dỡ nhà và 9 hộ nhận suất đầu tư hạ tầng chưa chi trả. Địa phương vẫn còn đó 262 mộ, 12 vị trí giao chéo đường dây diện chưa di dời. Giữa mớ bòng bong, nhà thầu đảm nhận thi công 2 khu TĐC Xuân Trung và Trung Định (thuộc xã Tam Đàn) lại triển khai chậm nên chưa có đất giao cho hộ đã nhận tiền, dẫn đến GPMB giẫm chân tại chỗ. Theo thống kê, cả 5 xã của Phú Ninh có dự án đi qua đều chưa hoàn toàn đảm bảo mặt bằng sạch. Đang ở giai đoạn cao trào, đơn vị thực hiện nhiệm vụ bồi thường là TTPTQĐ huyện theo chỉ đạo phải “phân tán” rà soát lại tổ chức, tài chính, nhân lực và thanh quyết toán để bàn giao về Sở TN-MT quản lý.
Giải phóng mặt bằng ở Phú Ninh còn vướng nhiều mặt. Ảnh: C.TÚ |
Tìm hiểu thực tế tại khu TĐC Xuân Trung, chúng tôi được biết thôn có 14 hộ dân bị ảnh hưởng chưa nhận tiền. Giám đốc TTPTQĐ Phú Ninh - ông Phan Đình Thiện thừa nhận, sáng ngày 5.8 vừa qua, đơn vị tiếp tục mời các hộ này lên vận động nhận tiền song họ từ chối vì cho rằng giá đền bù thấp và chưa có đất TĐC. Trao đổi với PV Báo Quảng Nam, hộ ông Nguyễn Văn Đáng cho rằng, mức đền bù hiện bây giờ là áp khung của năm 2013. Giá mà lúc ấy có đất TĐC, hộ ông chẳng hề “cân đo đong đếm” làm gì. Để rồi 2015, số tiền đền bù áp cho nhà cửa không đủ xây dựng lại nhà mới do chi phí nguyên vật liệu leo thang. Vướng mặt bằng của hộ Nguyễn Văn Đáng và một số nhà khác, tiến độ thực hiện cầu OP17A tại km60+16 - km60+70 gặp trở ngại ở mố A1 và một phần mố A2. Quá sốt ruột vì thiết bị máy móc “đắp chiếu” cả năm trời, tháng 7.2015, nhà thầu là Công ty CP Xây dựng công trình 1 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP) thuê diện tích vườn nhà ông Đáng với số tiền 12 triệu đồng/tháng và một vài hộ khác để có mặt bằng thi công. Kinh qua thôn Khánh Thọ (xã Tam Thái), dự án phải tiến hành “nhảy cóc” cũng vì lý do nhà bị giải tỏa còn nằm “án ngữ”. Tại đây, hộ bà Nguyễn Thị Mỹ dù đã nhận tiền nhưng chờ có đất TĐC mới bàn giao mặt bằng.
Vượt bằng cách nào?
“Điểm nghẽn” khó tháo gỡ nhất trong GPMB dự án cao tốc qua địa bàn Phú Ninh là khâu bố trí đất TĐC cho người dân bị giải tỏa trắng. Nhiều hộ đã nhận tiền song lại chây ỳ bàn giao mặt bằng cũng một phần chờ nhận lô TĐC. Cá biệt có một số gia đình giống như bà Nguyễn Thị Mỹ ở xã Tam Thái đòi hỏi phải được bố trí vào khu TĐC Chợ Lò. Nhưng thật nan giải, khu TĐC vừa nêu diện tích hiện không còn đủ để bố trí. Trong khi đó, công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu mới đây đã nêu rõ, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo TTPTQĐ khẩn trương tổ chức phân lô, bốc thăm, giao đất TĐC cho các hộ thuộc diện TĐC còn lại chưa bố trí, hoàn thành trước ngày 15.8; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc VEC) và nhà thầu tuyên truyền vận động, động viên các hộ sớm xây dựng lại nhà ở, tháo dỡ nơi ở cũ và kịp bàn giao mặt bằng trước ngày 30.9 năm nay.
“Chạy” theo tiến độ, TTPTQĐ Phú Ninh đã vạch kế hoạch vượt “chướng ngại vật” báo cáo lãnh đạo UBND huyện. Theo đó, đơn vị sẽ phối hợp với UBND 2 xã Tam Thành và Tam Đàn mời một số hộ bị ảnh hưởng làm việc để vận động, giải thích nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Cũng tại xã Tam Đàn, TTPTQĐ kiến nghị UBND huyện đối thoại với 14 hộ bị giải tỏa trắng ở thôn Khánh Thọ liên quan đến chuyện giá đền bù thấp nhằm sớm tìm tiếng nói chung. Ở Tam Đại, đơn vị đã phối hợp cùng Phòng Kinh tế và hạ tầng, UBND xã khảo sát chọn vị trí mới để bố trí TĐC cho 5 hộ dân của địa phương và 2 hộ khác thuộc xã Tam Thái. Sau khi thống nhất địa điểm, trung tâm kiến nghị UBND huyện cho phép được thỏa thuận với người dân nhằm bồi thường, san nền trước rồi giao đất, còn thủ tục hồ sơ hoàn chỉnh sau. Nặng nhất là địa bàn Tam Thái, Phú Ninh còn thiếu 9 lô TĐC hộ bị giải tỏa trắng thuộc thôn Trường Mỹ, 19 lô đất ở thôn Khánh Thọ. Từ thực tế trên, TTPTQĐ Phú Ninh đang tham mưu UBND huyện cho phép điều chỉnh kích thước lô đất khu D, hiện trạng đất ở phân lô theo quy hoạch của thôn Trường Mỹ để đủ bố trí số lô còn thiếu. Đơn vị cũng kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, cho phép phân lô khu đất hạ tầng chợ thuộc khu TĐC Chợ Lò nhằm bố trí số lô còn “nợ”.
Bằng việc đưa ra nhiều giải pháp, Phú Ninh đang nỗ lực tháo gỡ từng “nút thắt” GPMB của dự án. Nhưng để vượt thử thách về đích thành công, huyện cũng còn không ít khâu cần chỉn chu hơn nữa, nhất là công tác phối hợp giữa các bên liên quan trong xử lý những vướng mắc phát sinh. Ngược lại, chủ đầu tư và nhà thầu cũng cần sát sao vào cuộc, tích cực hỗ trợ trên tinh thần xây dựng để cùng địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
CÔNG TÚ