Công trình mở rộng quốc lộ 1: Vẫn còn nhiều trục trặc
Xuất hiện không ít trục trặc từ khâu thiết kế đến thi công nên công trình mở rộng quốc lộ (QL) 1 đoạn qua địa bàn Quảng Nam mặc dù đã khánh thành song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Lỗi từ thiết kế…
Khởi công xây dựng vào ngày 24.3.2013, nhưng mãi đến ngày 25.5, đơn vị tư vấn mới hoàn thành việc cắm mốc và bàn giao cho địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án thành phần 2 (km987 - km1027) đi qua Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành. Trong đó, đoạn qua Phú Ninh có mặt cắt rộng 25,5m; đoạn qua Núi Thành ngoài đô thị là 20,5m và trong đô thị rộng 25,5m. Ngày 30.10.2013, Bộ GTVT lại có Văn bản số 11642/BGTVT-ĐTCT điều chỉnh quy mô mặt cắt đoạn qua thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành “bóp” lại còn 20,7m. Ngày 25.12, đơn vị tư vấn mới cắm mốc GPMB điều chỉnh bàn giao hoàn thành. Đến lúc này, Núi Thành phải tạm dừng chờ điều chỉnh cọc mốc để làm lại mọi thứ từ đo đạc hồ sơ địa chính, kiểm đếm, lập thủ tục thu hồi đất… đối với 7,5km qua thị trấn Núi Thành. Riêng đoạn qua Tam Kỳ (dài 0,768km) có mặt cắt rộng 25,5m, UBND tỉnh đề nghị và được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép mở rộng 52m theo quy hoạch, kinh phí phát sinh do Quảng Nam bỏ ra.
Nhiều đoạn, dải phân cách chưa lắp đặt hệ thống phản quang, chắn sáng. |
Cá biệt ở dự án thành phần 1 (km947 - km987, khởi công ngày 13.1.2014) qua Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình và Phú Ninh, mặt cắt các đoạn qua đô thị bị thu hẹp xuống 20,5m và ngoài đô thị thậm chí chỉ còn 16,5m. Bộ GTVT lại tiếp tục quy định dải phân cách nằm giữa đoạn qua địa bàn tỉnh được thiết kế cứng (bằng bê tông xi măng) rộng 0,5m và dải an toàn mỗi bên rộng 0,5m. Sự điều chỉnh vừa nêu bị cán bộ và nhân dân các địa phương vùng dự án phản ứng quyết liệt, vì nó sẽ phá vỡ quy hoạch đô thị ở các thị trấn, thị tứ. Người dân mong muốn cấp trên làm dải phân cách có con lươn rộng để còn chỗ bố trí trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường, nhất là phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị. Lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT xem xét ở một số đoạn qua đô thị, thị trấn có thể bố trí xen kẽ, thay thế dải phân cách cứng bằng dải phân cách con lươn rộng 1,5m (không làm thay đổi quy mô mặt cắt đường) để địa phương bố trí trồng hoa, tạo cảnh quan đô thị nhưng bị bác bỏ.
Nhiều nhà chuyên môn nhận định, dự án ngay từ khâu thiết kế đã xuất hiện không ít trục trặc. Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Nguyễn Bá Nghĩa đơn cử, nhiều đoạn qua các khu dân cư dọc 2 bên tuyến không bố trí mương thoát nước dọc (chỉ hoàn trả đoạn đã có từ trước). Địa phương kiến nghị bổ sung nhằm tránh tình trạng nước mưa, nước sinh hoạt đổ ra ngoài gây ảnh hưởng an toàn giao thông (ATGT) và hư hỏng mặt đường, song không được giải quyết. Có chủ trương “xây dựng hoàn trả hệ thống điện chiếu sáng theo hiện trạng trên cơ sở tận dụng tối đa thông qua việc di dời hệ thống điện chiếu sáng hiện có”, song Bộ GTVT chẳng hề đá động sẽ di dời đến vị trí nào. Theo thiết kế, hệ thống điện chiếu sáng khi được hoàn trả chỉ nằm trên lề ở 1 bên đường. Vậy làm sao đủ sáng cho cả 2 bên? Buộc lòng, UBND tỉnh lại kiến nghị thống nhất điều chỉnh, bổ sung vào hồ sơ thiết kế phần hạng mục di dời và xây dựng mới hệ thống điện chiếu sáng vào vị trí giữa QL1 mở rộng để đảm bảo ATGT và mỹ quan đô thị.
QL1 mở rộng mới chú trọng phần “thô” chứ chưa quan tâm đến tạo mỹ quan. Ảnh: C.T |
… đến thi công
Mặc dù đã khánh thành, nhưng đến thời điểm này, chủ đầu tư và nhà thầu còn “nợ” một số hạng mục cần hoàn thiện đã gây mất ATGT. Điển hình là dải phân cách từ Duy Xuyên đến Núi Thành, nhiều đoạn chưa được lắp đặt tấm chắn sáng lên trên để chống chói đèn pha xe chạy ngược chiều nhau. Một số đoạn dải phân cách bằng bê tông xi măng chưa lắp đặt phần phản quang, có bố trí thì quá thưa thớt khiến người điều khiển phương tiện khó xác định được hướng đi an toàn, nhất là qua khu vực chưa có điện đường. Một người dân sinh sống tại xã Bình Phục (Thăng Bình) bày tỏ, “tưởng đâu đường mở rộng… sẽ rộng, ai ngờ làm xong rồi thì người đi xe máy thấy còn chật chội hơn”. Bởi, mặt cắt ngang cho một bên đường chỉ đủ bố trí 2 làn xe chạy (đoạn mặt cắt rộng 16,5m). Còn lại phía bên ngoài bị tường hộ lan chắn mất, người đi xe máy biết tránh vào đâu khi mà có 2 ô tô chạy song song ở cả 2 làn đường?
Địa phương khó can thiệp Liên quan đến những điểm giao cắt trên QL1, Sở GTVT cho hay, thiết kế do Bộ GTVT duyệt. Tỉnh thấy chỗ nào chưa hợp lý thì kiến nghị chứ không có quyền đóng hay cắt bỏ đoạn dải phân cách để lưu thông qua lại 2 bên đường. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu mới đây cũng khẳng định, chủ đầu tư và nhà thầu làm sai thiết kế mà Bộ GTVT đã duyệt thì chính họ phải chịu trách nhiệm trước Trung ương, chứ địa phương không có quyền can thiệp. Trước thực tế người dân ở một số địa phương kiến nghị cần thay đổi điểm giao cắt (điển hình như khu vực chợ Quán Gò, xã Bình Trung, Thăng Bình) nhằm tạo thuận lợi hơn khi lưu thông, các bên có liên quan cần sớm vào cuộc đánh giá thấu đáo và tháo gỡ kịp thời. Làm được như thế sẽ hạn chế tình trạng bà con phải leo dải phân cách để qua đường vì đi vòng quá xa, ATGT mới đảm bảo. |
Đi qua địa phận Quảng Nam, cánh tài xế ta thán cho rằng một bên có 2 làn đường giống như “cái bẫy” cho người dân vi phạm vượt sai quy định. Thực tế là, ô tô muốn vượt bên trái, nhưng lại gặp ô tô khác đang đi chầm chậm ở làn đường sát dải phân cách nên không thể tiến tới. Để thoát đi, tài xế chỉ còn cách qua làn phải (sát lề đường) vượt lên là vi phạm luật do vượt bên phải. Nhìn nhận chuẩn xác hơn, ông Nguyễn Bá Nghĩa cho rằng, công tác phân làn, tổ chức giao thông trên QL1 mở rộng không rõ ràng. Lẽ ra, Bộ GTVT phải dựng bảng hướng dẫn xe nào được đi vào làn đường nào (giống như Đà Nẵng), rồi quy định xe đi vào làn đường bên trong phải chạy với tốc độ cao hơn so với phương tiện lưu thông tại làn đường bên ngoài. Như thế, mới tránh được chuyện tài xế muốn vượt đúng quy tắc sẽ không gặp vật cản là xe ở làn đường bên trong di chuyển quá chậm.
Lưu thông trên QL1 đoạn đã mở rộng, nhiều người nhận xét là không thật sự suôn sẻ vì còn có chỗ bị xóc do bề mặt đường nhiều chỗ bị “lượn sóng”. Thực trạng trên xảy ra vì quá trình thi công… chắp vá. Có nghĩa là, nhà thầu được giao mặt bằng chỗ nào là triển khai làm ngay chỗ đó, kể cả ban đêm. Nhiều đoạn GPMB theo kiểu “da beo” thì bề mặt càng khó vuốt nối êm thuận. Chưa kể, một số nơi người dân đem nước ra tưới đoạn nhà thầu chuẩn bị thảm bê tông nhựa nhằm gây khó dễ, cản trở thi công cũng làm cho chất lượng mặt đường kém hẳn. Trước tiến độ Bộ GTVT thúc đẩy, chủ đầu tư và nhà thầu chấp nhận sau này sẽ sửa, miễn làm sao đó khớp nối toàn bộ dự án đúng thời hạn cho phép. Song song với nâng cấp mở rộng, chủ đầu tư dự án mở rộng còn có trách nhiệm thảm tăng cường mặt đường các tuyến tránh Vĩnh Điện (Điện Bàn - Duy Xuyên); Bà Rén, Hương An (Quế Sơn), Nguyễn Hoàng (Tam Kỳ), nhưng đến nay chúng tôi cũng chưa thấy họ có động thái trên thực địa.
CÔNG TÚ