Chiến lược nâng cấp hạ tầng
Tuyến ĐH8 đang được ráo riết thi công hoàn thành để trở thành trục đường kết nối vùng đất bên kia sông Vĩnh Điện, nơi các khối phố 8A, 8B (Điện Nam Trung, Điện Bàn) lâu nay bị tách biệt với phần còn lại của phường.
Tuyến ĐH 8 với cây cầu bắc sang sông Vĩnh Điện hoàn thành sẽ trở thành trục đường kết nối đông - tây của phường Điện Nam Trung.Ảnh: V.LỘC |
Kết nối đông - tây
Khởi công năm 2013, tuyến ĐH8 có bề rộng 16m được thiết kế nền bê tông, trở thành trục cảnh quan giúp thu hẹp khoảng cách từ trung tâm phường đến quốc lộ 1 xuống chỉ còn 3km. Điểm nhấn của tuyến đường chính là cây cầu (dài 160m, rộng 12m) bắc qua sông Vĩnh Điện hứa hẹn mang đến sự thay đổi lớn, góp phần giải quyết vấn đề dân sinh và phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của phường. Dù đến cuối năm 2015 mới hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng có thể nhận thấy triển vọng con đường mang lại rất rõ nét nhằm kết nối các hoạt động thương mại - dịch vụ bên kia sông Vĩnh Điện như Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Bến xe Bắc Quảng Nam... trở nên gần hơn. Ông Đặng Ngọc - Chủ tịch UBND phường Điện Nam Trung nhìn nhận, ý nghĩa lớn nhất mà tuyến ĐH8 mang lại chính là giải quyết được “bài toán” giao thông giữa Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc với trung tâm thị xã Điện Bàn, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đông, trực tiếp là Điện Nam Trung. “Lâu nay, người dân các khối phố 8A, 8B rất khó khăn mỗi khi có việc phải qua trung tâm phường vì phải đi vòng. Chưa kể tuyến đường vòng quá hẹp không thể đáp ứng lưu lượng đi lại của hàng nghìn công nhân làm việc tại khu công nghiệp, nhất là vào giờ đi làm hoặc tan ca. Do vậy, việc mở rộng, nâng cấp tuyến đường không chỉ đóng vai trò tránh lũ mà còn có ý nghĩa là bước đột phá giúp giải quyết vấn đề dân sinh cũng như mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển thương mại, dịch vụ của địa phương” - ông Ngọc chia sẻ.
Tuyến đường ĐH8 được đầu tư mở rộng cũng chính là bước đi tiếp theo trong chiến lược nâng cấp hạ tầng đô thị khi Điện Nam Trung lên phường. Nhiệm kỳ qua, trên địa bàn đã có hàng chục công trình hạ tầng được xây dựng hoàn thiện với tổng nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng. Có thể kể đến dự án cải tạo, nâng cấp toàn bộ lưới điện trên địa bàn phường; nâng cấp sửa chữa sân và nhà văn hóa 6 khối phố; xây mới các công trình trường học, trạm y tế; mở rộng đường kênh đoạn nối từ Vĩnh Điện đến đường ĐH8; bê tông hóa các tuyến đường trong khu dân cư; xây mới chợ trung tâm; hình thành Phòng khám Đa khoa Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc phục vụ người dân 5 phường vùng đông; khởi công xây dựng nhà văn hóa công nhân; hoàn thiện Nhà đa năng khối phố 8A…
Nhân dân đồng thuận
Dù vẫn chưa đồng bộ, nhưng những công trình, hạ tầng mới được xây dựng đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị. Có được thành công này, bên cạnh sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, thì sự đồng thuận và ủng hộ của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Năm năm qua đã có hàng trăm hộ dân của phường tình nguyện hiến đất hoặc hợp tác trong công tác bồi thường bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành nhiều dự án. Chỉ tính riêng việc mở rộng tuyến đường kênh nối từ trạm bơm Tân Mỹ (Vĩnh Điện) xuống đường ĐH8 đã có hơn 80 hộ dân tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc để mở rộng nâng cấp hơn 1km đường rộng từ 2m lên 4m giúp người dân đi lại thuận lợi, nhất là công nhân làm việc tại khu công nghiệp. “Triển khai chủ trương, chi ủy, ban nhân dân, đoàn thể khối phố cùng vào cuộc vận động tuyên truyền nên người dân hiểu việc mở đường là cần thiết để phục vụ cái chung nên ai cũng nhiệt tình ủng hộ” - ông Lê Văn Bân, Bí thư Chi bộ khối phố 8A cho hay. Hay như công trình đường ĐH8 với hơn 100 hộ dân của 3 khối phố 8A, 8B, Quảng Lăng 1 bị ảnh hưởng, trong đó có 16 hộ phải giải tỏa trắng, nhưng đa số người dân đều vui vẻ đồng tình. Với sự hưởng ứng đó, công trình đường ĐH8 được đánh giá là có thời gian bàn giao mặt bằng nhanh nhất, khi vừa thông qua chủ trương vừa triển khai giải phóng mặt bằng chỉ trong vòng một tháng.
Theo ông Lê Văn Bân, có được sự hưởng ứng trên, ngoài những chủ trương, chính sách đúng đắn của chính quyền, đa số người dân hiểu rằng sự đồng thuận hôm nay không chỉ giúp diện mạo quê hương thêm khang trang tươi đẹp mà cũng là cách tri ân với những hy sinh mất mát của các thế hệ đi trước. Đây là một thực tế, nếu biết rằng vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng này đã có gần 800 liệt sĩ, 123 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (21 mẹ còn sống) cùng hàng nghìn thương binh và gia đình có công cách mạng. “Nhiều người dân chia sẻ với tôi rằng, cuộc đời họ, cha anh họ đã chiến đấu, hy sinh để quê hương được như hôm nay. Do đó, chẳng có lý do gì để họ không vui mừng ủng hộ khi có những dự án hạ tầng lớn đầu tư tại địa phương để giúp cuộc sống của họ cũng như con cháu sau này phát triển hơn” - ông Bân bảo. Chính những suy nghĩ trên đã tạo điều kiện và động lực cho Điện Nam Trung triển khai nhanh chóng các dự án hạ tầng cơ sở, đặc biệt trong việc huy động kêu gọi các nguồn lực đầu tư để xây dựng các công trình phục vụ đô thị, dân sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao cuộc sống người dân, ổn định môi trường xã hội.
KHÁNH LINH