Giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua huyện Thăng Bình: Kéo cưa chậm chạp!
Trên địa bàn huyện Thăng Bình, việc thi công dự án mở rộng quốc lộ 1 chỉ còn ách tắc ở đoạn qua địa bàn xã Bình Nguyên và vài hộ ở thị trấn Hà Lam. Hàng chục hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng, cố tình cản trở thi công, trong khi các ngành chức năng của địa phương vẫn giải quyết vụ việc chậm chạp, thiếu cương quyết…
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của UBND về đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công mở rộng quốc lộ 1, chính quyền huyện Thăng Bình đã phải huy động lực lượng bảo vệ hiện trường thi công ở những vị trí, khu vực người dân đã bàn giao mặt bằng mà vẫn tiếp tục cản trở. Như vào sáng 6.5, địa phương huy động lực lượng công an, cán bộ các phòng ban liên quan bảo vệ thi công quốc lộ 1, đoạn qua nhà ông Trương Quang Minh (thị trấn Hà Lam). Theo hồ sơ cho thấy, vào ngày 20.3.2015, gia đình ông Minh đồng ý bàn giao mặt bằng cho đơn vị chủ đầu tư sau khi thống nhất các phương án đã phê duyệt. Ông đồng ý nhận hơn 260 triệu đồng bồi thường 126m2 đất ở thuộc thửa đất số 628, tờ bản đồ số 5. Tuy nhiên, khi nhà thầu thi công, bất ngờ gia đình ông Minh ra cản trở, buộc các ngành chức năng của huyện phải bảo vệ hiện trường, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ.
Dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua xã Bình Nguyên, Thăng Bình phải dừng thi công vì người dân cản trở (Ảnh chụp ngày 12.5). Ảnh: HỮU PHÚC |
Trước đó, vào ngày 5.5, lực lượng chức năng huyện Thăng Bình tổ chức bảo vệ thi công dự án mở rộng quốc lộ 1 qua đất hộ ông Võ Thân Ái và Nguyễn Văn Cả (thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên), song chỉ mới hoàn thành giải phóng mặt bằng phần đất hộ ông Võ Thân Ái. Ông Nguyễn Mai - Bí thư Đảng ủy xã Bình Nguyên cho rằng, người dân tiếp tục cản trở, dù có cử lực lượng bảo vệ thì khâu thi công cũng không dễ dàng.
Ngừng thi công
Ghi nhận của chúng tôi vào ngày 12.5, quốc lộ 1 đoạn qua xã Bình Nguyên đều không triển khai thi công và bảo vệ hiện trường để thi công. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động, giải thích từng trường hợp với người dân; còn ngành chức năng thì tập trung góp ý, ban hành quyết định cưỡng chế.
Ngày 8.5, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Quảng Nam và một số tỉnh, thành phố gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1 phải khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát từng vị trí tồn tại về mặt bằng, xử lý dứt điểm và bàn giao cho chủ đầu tư dự án trước ngày 30.5.2015. Đồng thời tổ chức lực lượng bảo vệ thi công những đoạn người dân cản trở. Tuy nhiên, việc tổ chức lực lượng bảo vệ thi công tại Thăng Bình đã bộc lộ hạn chế, không hiệu quả nên đã phải tạm dừng lại. |
Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thăng Bình, tính đến chiều 12.5, trên địa bàn có 51 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, có 5 hộ đã nhận tiền bồi thường (BT) nhưng không bàn giao mặt bằng; 25 hộ có quyết định phê duyệt phương án BT (xã Bình Nguyên 17 hộ, thị trấn Hà Lam 8 hộ) nhưng không nhận tiền; 19 hộ không đủ điều kiện BT; 1 trường hợp không đảm bảo BT và 1 trường hợp khác. Theo UBND xã Bình Nguyên, mặc dù chính quyền nhiều lần đối thoại giải quyết nhưng các hộ (17 hộ - PV) đã có quyết định phê duyệt phương án BT kiên quyết không nhận tiền BT. Hầu hết yêu cầu BT theo diện đất ở nông thôn chứ không phải đất trồng cây lâu năm… Ông Võ Anh Trung - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình thừa nhận, hiện trạng quản lý sử dụng đất và kê khai phần diện tích tiếp giáp với quốc lộ phức tạp, biến động lớn. Địa bàn lại liên tục tách thửa nên mới có chuyện mua cùng thửa đất nhưng có người được BT, có người không. Với tinh thần giải quyết thỏa đáng, không để người dân bị thiệt thòi quyền lợi, UBND tỉnh đã đồng ý cho huyện Thăng Bình thực hiện việc bồi thường với các trường hợp được cấp giấy chứng nhận có phần diện tích đất trong phạm vi cách lề đường 2m. Đối với đất ao cá sẽ được hỗ trợ thêm phần đất san lấp cho các hộ. Với trường hợp người dân hoàn toàn không đủ cơ sở pháp lý để tính toán bồi thường, cũng đã có cơ chế hỗ trợ nhưng họ vẫn cố tình không chịu bàn giao mặt bằng.
Áp dụng biện pháp cưỡng chế
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Bình Nguyên còn có hơn 20 hộ dân đã nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng nhưng vẫn cản trở, do quá trình thi công phát sinh hiện tượng nứt nhà ở. Việc thẩm định mức độ ảnh hưởng nhà cửa của chủ đầu tư, nhà thầu còn chậm, người dân chưa đồng ý mức chi trả bảo hiểm vì cho rằng giá thấp. |
Với tình hình trên, huyện Thăng Bình đã phân loại 5 nhóm trường hợp để có từng giải pháp tháo gỡ hợp lý cho 51 hộ. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - Nguyễn Văn Ngữ nêu rõ, các hộ trên đã được địa phương áp nhiều phương án BT, hỗ trợ khác nhau, sau đó ưu tiên chọn phương án đảm bảo quyền lợi nhất cho bà con. Địa phương cũng đã tổ chức đối thoại nhiều lần, kể cả mời các cơ quan liên quan của tỉnh về tiếp xúc, giải thích cho nhân dân rõ chủ trương, chính sách. Đến thời điểm này, huyện đã giải quyết “hết tình hết lý” nhưng những hộ dân trên vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng. Ông Ngữ cho biết, trong số 51 trường hợp còn tồn tại, ngoài 19 trường hợp không đủ điều kiện BT buộc phải bảo vệ thi công, 5 hộ đã nhận tiền BT nhưng không bàn giao mặt bằng và 25 hộ có quyết định phê duyệt phương án BT nhưng không nhận tiền đều thuộc diện cưỡng chế.
Phương án “bảo vệ thi công” chưa hiệu quả Đối với trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương địa phương cử lực lượng bảo vệ thi công, nhưng thực tế thời gian qua phương án này chưa đem lại kết quả, nên tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn với tiến độ “rùa bò”. Theo câu chuyện chúng tôi ghi lại được, khi địa phương tổ chức bảo vệ thi công, các hộ huy động những thành viên trong gia đình nhảy vào trong khu vực thi công lôi kéo, nằm vật ra đất để gây cản trở. Trong khi đó, ở vòng ngoài có một số thành phần lạ đứng la hét, nói xấu chính quyền và quay phim, chụp ảnh. Lực lượng của các hội, đoàn thể, công an xã, công an viên, dân quân tự vệ có trách nhiệm đưa họ ra ngoài cũng khó “mạnh tay” khi hộ liên quan là họ hàng, chòm xóm của mình. Lực lượng Công an huyện không thể can thiệp vì người dân không có hành động manh động gây nguy hiểm… |
Trước áp lực thời gian, những ngày qua Thăng Bình chủ trương tiếp tục vận động, tuyên truyền và tổ chức đối thoại với từng hộ dân; đồng thời sẵn sàng hướng dẫn thủ tục cho họ gửi đơn đề nghị Tòa án phân xử. Ai yêu cầu ra sao, khiếu nại chuyện gì thì người có trách nhiệm sẽ ghi vào biên bản cam kết. Trong đó, hộ liên quan cũng phải cam kết bàn giao mặt bằng cho nhà thầu; nếu tiền chưa nhận thì cơ quan thực hiện bồi thường gửi tiền vào ngân hàng cho họ. Còn mọi chuyện sau này, UBND huyện, UBND nhân dân các xã, thị trấn sẽ căn cứ vào kết quả giải quyết đơn của các cấp có thẩm quyền mà hộ khiếu kiện hoặc kết quả bản án của Tòa án để giải quyết. Trường hợp bất khả kháng sẽ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Và đến ngày 12.5, cơ quan chuyên môn địa phương đã củng cố tất cả mọi thủ tục, giấy tờ và đang tham mưu cho UBND huyện ra quyết định cưỡng chế đối với 4 hộ gồm: Nguyễn Văn Diện, Nguyễn Em (tổ 12, thị trấn Hà Lam), Nguyễn Ngọc Cương, Nguyễn Đình Tuấn (thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên). Trao đổi với chúng tôi vào đầu giờ chiều ngày 12.5, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - Nguyễn Văn Hương cho biết, ngay trong ngày 12.5 lãnh đạo huyện sẽ ký quyết định cưỡng chế. Sở dĩ địa phương chậm ra quyết định cưỡng chế do các ngành tham mưu sợ sai về các trình tự thủ tục pháp luật liên quan nên cẩn thận rà soát các văn bản pháp luật hiện hành. Đến 18 giờ 20 phút cùng ngày, khi chúng tôi liên lạc qua điện thoại, ông Hương cho biết, huyện vẫn còn đang họp xem xét các trường hợp đã hoàn tất hồ sơ cưỡng chế và mới chỉ ký quyết định cưỡng chế đối với trường hợp hộ ông Nguyễn Em ở tổ 12, thị trấn Hà Lam. (Báo Quảng Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin giải quyết sự việc này).
HỮU PHÚC - CÔNG TÚ