Gian nan chặng về đích - Bài 1: Dân sinh chưa ổn định
(QNO) - Quảng Nam đã cam kết với Trung ương đến ngày 30.6 năm nay sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhưng hiện vẫn còn nhiều “nút thắt”.
Nhiều gói thầu thi công "nhảy cóc" do vướng mặt bằng. Ảnh: Công Tú |
BÀI 1: DÂN SINH CHƯA ỔN ĐỊNH
(QNO) - Để giải phóng mặt bằng (GPMB) suôn sẻ cần sớm bố trí nơi tái định cư (TĐC) cho người dân; khâu xác định nguồn gốc đất và áp giá phải thỏa đáng, đúng quy định… Nhưng thực tế ở không ít địa phương còn chưa làm tốt công tác này.
Chưa đồng thuận
Tại một số điểm vướng mặt bằng qua thị xã Điện Bàn (các gói thầu: 2, 3A, 3B), nhiều hộ chưa nhận tiền vì thấy chưa thỏa mãn so với nhu cầu, thậm chí có gia đình đã nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ song vẫn không bàn giao mặt bằng. Giám đốc Văn phòng hiện trường Đà Nẵng (Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) - ông Lê Nhiều cho biết, khu vực trên vướng 3 trang trại chăn nuôi ở xã Điện Tiến. Đối với khu vực có ao cá, nhà thầu khi có mặt bằng sạch phải tiến hành nhiều khâu như vét bùn, bù vênh, trải vải địa kỹ thuật, đắp cát cao 0,5m, đóng giếng cát, đắp đất gia tải phải mất 3 tháng trời nếu thời tiết thuận lợi, rồi chờ lún nền cần hơn 1 năm.
“Đoạn giao nhau giữa gói thầu số 2 và 3A, một số người dân thôn Kỳ Long, xã Điện Thọ đã bàn giao mặt bằng và nhận đất khu TĐC nhưng vẫn cản trở không cho nhà thầu thi công. Họ đòi hỏi chính quyền phải sớm làm xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nơi TĐC mới chấp nhận “thỏa hiệp” - ông Lê Nhiều trăn trở.
Phú Ninh hiện còn tồn tại các điểm vướng mắc về đất đai và nhà ở trải dài 5 xã khiến gói thầu số 7 triển khai không đồng bộ. Xã Tam Thành là địa phương có nhiều hộ dân chưa chịu nhận tiền bồi thường vì chê giá thấp. Cụ thể, hộ bà Trần Thị Ái yêu cầu bồi thường ngôi nhà đang ở với mức 200 triệu đồng; trong khi kinh phí xây dựng năm 2008 là 80 triệu đồng. Theo quyết định phê duyệt bồi thường, tổng số tiền đền bù của gia đình 436 triệu đồng (ngôi nhà 120 triệu đồng), được cấp 2 lô TĐC với diện tích 400m2.
Ở các huyện Thăng Bình (gói thầu số 5, 6) hay Núi Thành (gói thầu A1, A2), người dân không đồng thuận là nguyên nhân chính khiến tiến độ bàn giao mặt bằng ì ạch. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Thăng Bình hiện còn vướng mặt bằng của 122 hộ. Trong đó, có 68 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng, 24 hộ chưa nhận tiền vì lý do đơn giá thấp, 30 hộ đang chờ chi trả và vướng đất 5%.
Vướng nhà dân là "điểm nhấn" lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng hiện nay. Ảnh: Công Tú |
Đơn cử xã Bình Quý, hộ các ông Cơ, Thắng, Thuận mới có quyết định bồi thường và TĐC. Song qua tham khảo ý kiến, họ không đồng ý vì cho rằng mức giá bồi thường có sự chênh lệch giữa năm 2014 và 2015. Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi Hoàng Việt Hưng cho biết thêm, ở huyện Núi Thành có nơi chưa “thông” do “nguồn” thuộc đất tranh chấp giữa dân và chính quyền (đất 5%, đất rừng phòng hộ, đất tập thể của thôn…).
Dân sinh chưa ổn định
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã từng nhiều lần khuyến cáo các địa phương muốn GPMB nhanh cần phải tính được số hộ, số lô TĐC. Để nắm bắt con số chính xác, cán bộ cơ sở trước mắt tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nhận suất đầu tư hạ tầng (tự lo chỗ ở) nhằm giảm áp lực phải xây dựng khu TĐC tập trung. Đến phương án cuối cùng, địa phương tập trung xây dựng khu TĐC hoàn thiện để người dân vào làm nhà và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Nằm dưới chân đồi Bồ Bồ thuộc xã Điện Tiến (Điện Bàn), gia đình ông Nguyễn Văn Phong khai hoang đất trống, đồi trọc diện tích 60.000m2 và đất không có tranh chấp. Ngày 24.5.2002, UBND tỉnh ra nghị quyết khuyến khích người nông dân làm kinh tế trang trại để phát huy hiệu quả đất trống đồi trọc… Ông về làm thủ tục xin phép các cấp làm trang trại, UBND xã Điện Tiến đã lập tờ trình đề nghị và được UBND huyện Điện Bàn (cũ) ký quyết định phê duyệt. UBND xã Điện Tiến cũng đã xác nhận đất ông sử dụng không có tranh chấp. Nay bị ảnh hưởng bởi dự án, thửa đất này bị thu hồi 6248,8m2. Trong 53.751,2m2 còn lại, trên diện tích 3.000m2 đang có nhà ở, các công trình phục vụ đời sống, chuồng trại, vườn cây ăn quả. Ông xin được cấp GCNQSDĐ cho diện tích còn lại, nhưng không được địa phương và ngành chức năng chấp thuận. Còn hộ bà Nguyễn Thị Kim ở thôn Kỳ Long (Điện Thọ) chưa chịu bàn giao mặt bằng dù đã nhận tiền đền bù gần 50 ngày. Tháng 8.2014, bà cũng đã nhận lô đất tại khu TĐC Kỳ Lam. Theo bà Kim, qua tháng 6 tới khi nhà xây xong và phải nắm trong tay “sổ đỏ” lô đất mới tin tưởng chuyển chỗ an cư. |
Thế nhưng, do “chạy” theo hướng xây dựng khu TĐC, không ít nơi coi nhẹ chuyện vận động người dân đồng thuận chủ trương nhận suất đầu tư hạ tầng. Nên bây giờ, chính quyền phải gồng gánh giải quyết thêm khối công việc “khủng”.
Theo thống kê, thị xã Điện Bàn hiện còn có 89 hộ dân cần được TĐC tập trung với 122 lô. Địa phương đang triển khai xây dựng 2 khu TĐC Phong Thử 1 và Phong Thử ĐT609 (xã Điện Thọ). Hạn định cuối tháng 6 sắp đến gần, các khu TĐC mới đang tiến hành san ủi mặt bằng thì không biết bao giờ giao đất cho các hộ.
Phú Ninh cũng đang “chạy nước rút” làm các khu TĐC và điểm TĐC nhưng tiến độ không mấy khả quan. Tại Duy Xuyên, toàn huyện có 103 hộ dân bị thu hồi đất ở, nhà ở chưa bàn giao mặt bằng nhưng phần lớn chưa được áp giá đền bù vì chưa có khu TĐC.
CÔNG TÚ - VINH ANH