Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Tháo "điểm nghẽn" giải phóng mặt bằng
Giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh muốn đẩy nhanh tiến độ phải linh hoạt nhiều giải pháp tháo “điểm nghẽn”.
|
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng kiểm tra dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: CÔNG TÚ |
Nhiều “điểm nghẽn”
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh ảnh hưởng đến 7.961 hộ dân. Hiện tại, các huyện, thành phố phê duyệt được phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) cho 7.185 hộ (đạt 91%) và chi trả cho 6.719 hộ với tổng số tiền 767,224 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 3, toàn tỉnh đã giải phóng 74,82/91,235km (82%) chiều dài mặt bằng. Trong đó, TP.Tam Kỳ và huyện Quế Sơn bàn giao xong mặt bằng toàn tuyến cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Để ổn định chỗ ở mới cho người dân, một số nơi xây dựng hoàn thành 8 khu TĐC. Các phương án di dời đường điện hạ thế hầu hết đã duyệt thiết kế nhưng mới có 18/77 vị trí được chuyển, còn lại chưa thể triển khai do chưa xử lý xong mặt bằng.
Phần còn lại chưa thể GPMB được do gặp khó khăn, đơn cử như chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC theo luật đất đai. Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định có liên quan của Chính phủ, quy định mới về bồi thường của UBND tỉnh đã có hiệu lực thi hành dẫn đến phát sinh vướng mắc. Ví dụ: khung chính sách dự án quy định trường hợp thu hồi đất ở, gắn với nhà ở phải di chuyển chỗ ở được đền bù bằng tiền mặt theo giá thay thế cho toàn bộ diện tích đất cộng với hỗ trợ tự TĐC tương đương suất đầu tư cho 1 hộ tại khu TĐC. Trước đây, Quyết định số 23/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định suất đầu tư hạ tầng (ĐTHT) đối với khu vực 1 là 1,1 triệu đồng/m2 (lô đầu tiên 150m2, tức 165 triệu đồng). Tuy nhiên, Quyết định số 43/QĐ-UBND tỉnh bây giờ không còn quy định suất ĐTHT nữa; mà quy định hỗ trợ tự TĐC có giá trị khá thấp: hộ bị thu hồi ít hơn 200m2 đối với khu vực 1 là 58,25 triệu đồng, từ 200 đến dưới 400m2 là 116,5 triệu đồng. Điều đó gây lúng túng cho địa phương khi vận động nhân dân nhận tiền vì họ so sánh thiệt hơn.
Kiểm tra thực địa trên công trường dự án đường cao tốc, đoạn qua Quảng Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng tỏ ra nghi ngờ khả năng về đích trong tháng 6 của Quảng Nam. Ông cũng cho rằng nguồn vốn GPMB cấp cho dự án được giải quyết không chậm trễ lắm. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, cột mốc 30.6 đặt ra nhằm thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị Quảng Nam, nhưng nó có hoàn thành hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có sự quan tâm tháo gỡ vướng mắc kịp thời từ phía Bộ Giao thông vận tải và VEC. Ông Thu đơn cử, trong quá trình triển khai, có khoảng thời gian hơn 1 năm thiếu vốn GPMB của dự án. TP.Tam Kỳ đã bàn giao mặt bằng 3 năm nay nhưng chưa thấy nhà thầu động tĩnh gì. |
Ở từng huyện, một số vướng mắc chưa được tháo gỡ nhanh. Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành - ông Trương Văn Trung kiến nghị, UBND tỉnh sớm làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tham mưu cấp thẩm quyền thống nhất giao phần diện tích đất quốc phòng nằm trong phạm vi dự án đường cao tốc cho Quảng Nam. Trên cơ sở đó, huyện mới tham mưu hồ sơ trình tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định. Tương tự như vậy, huyện Duy Xuyên chưa thể GPMB tại khu vực trường bắn xã Duy Trung do chưa có quyết định thu hồi đất (vì còn chờ ý kiến của Quân khu 5). Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - ông Phan Xuân Cảnh cho biết thêm, để làm cơ sở cho việc áp dụng, lập phương án bồi thường di dời nhà máy chế biến đá ở Duy Trung, VEC sớm thống nhất đơn giá thay thế. Chủ đầu tư cần tiếp tục bổ sung vốn cho địa phương thực hiện GPMB, vì nguồn kinh phí cấp hiện đã tiêu xong.
Tìm giải pháp
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu xác định, ưu tiên đầu tiên để tháo “điểm nghẽn” phải tiến hành nhanh các khâu để triển khai xây dựng các khu TĐC. Có như thế, người dân bị giải tỏa trắng mới yên tâm về chỗ an cư. Chỉ đạo thêm về công tác GPMB, Phó Chủ tịch Thường trực Đinh Văn Thu yêu cầu phải xác định ưu tiên 1 là vận động bà con nhận suất ĐTHT, tự lo chỗ ở; sau đó mới tính đến phương án 2 là đưa người dân vào ở khu TĐC tập trung. Tỉnh và VEC thống nhất sẽ áp dụng thực hiện theo giá thay thế đã ban hành trước đây. Phó Tổng giám đốc VEC - ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các địa phương sớm di dời các hộ dân vào khu TĐC đã làm xong. Các hộ dân không vào khu TĐC tập trung và đã nhận suất ĐTHT (phần lớn thuộc Núi Thành, Thăng Bình), nên vận động bà con khẩn trương bàn giao mặt bằng. Đồng thời chính quyền địa phương giải quyết cho xong 110 trường hợp đất 5% tranh chấp giữa xã và các hộ dân.
Thể hiện quyết tâm của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành tập trung nhân lực cao nhất cho GPMB; quan tâm cuộc sống người dân sau khi “nhường” chỗ. Ngành công thương Quảng Nam phải lo giám sát, chỉ đạo di dời công trình điện còn đứng nguyên. Tỉnh phấn đấu cơ bản xong công tác này trong tháng 6 năm nay.
CÔNG TÚ