Kiểm soát nồng độ cồn: Xử phạt nghiêm sai phạm

CÔNG TÚ 13/01/2015 09:28

Chiến dịch kiểm soát nồng độ cồn do Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh tập trung ưu tiên 2 nhiệm vụ chính là tuyên truyền hiệu quả và xử lý nghiêm vi phạm.

“Hai trong một”    

Bắt đầu từ ngày 15.12.2014 cho đến hết ngày 28.2.2015, các cấp và các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai kế hoạch kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Theo ông Trương Khuê - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, chiến dịch lần này phải đạt mục tiêu tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Để hoàn thành nhiệm vụ, các cấp, các ngành và hội, đoàn thể liên quan cần thực hiện hiệu quả vừa tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về tác hại của việc lạm dụng “ma men”; nhưng đồng thời cũng phải tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm mới hy vọng ngăn chặn hiệu quả người say rượu, bia lái xe.

Công an huyện Núi Thành kiểm tra nồng độ cồn trên một tuyến đường nội thị.Ảnh: CÔNG TÚ
Công an huyện Núi Thành kiểm tra nồng độ cồn trên một tuyến đường nội thị.Ảnh: CÔNG TÚ

Cũng theo ông Khuê, trách nhiệm của lực lượng chức năng, chính quyền và Ban ATGT các địa phương khá nặng. Phải tìm cách, từng bước hình thành thói quen không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sau khi đã sử dụng rượu, bia. Bởi vì, người uống rượu, bia vượt quá giới hạn cho phép sẽ giảm tốc độ phản ứng từ 10 - 30% khi có tình huống xảy ra trên đường. Chất kích thích vừa đề cập còn giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực của người sử dụng nó; ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý, truyền tải hình ảnh tới não bộ, gây ước tính sai về khoảng cách. Do vậy, người say rượu, bia thường gây ra nhiều lỗi rất nguy hiểm như chạy quá tốc độ, vượt ẩu, đi sai phần đường quy định và cuối cùng để lại những hậu quả tang thương cho gia đình và xã hội. Đồng thời, người có trách nhiệm cũng phải “khơi thông” cho được tính gương mẫu đi đầu nơi thủ trưởng các cơ quan, cán bộ công chức, viên chức nhà nước; đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội. Nói thêm về công tác tuần tra, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh - Trung tá Phan Thanh Hồng cho biết, khác với mô hình kiểm soát nồng độ cồn truyền thống như trước đây (dạng ngậm thổi), lực lượng chức năng sẽ áp dụng mô hình kiểm tra “siêu nhanh” cho chiến dịch. Ngoài CSGT, có cả cảnh sát cơ động, công an các huyện cùng phối hợp thực hiện.

Các địa phương vào cuộc   

Ủy ban ATGT quốc gia khuyến khích các địa phương áp dụng đại trà phương pháp kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh”. Ưu điểm của phương pháp này là trên một tuyến đường, có thể giám sát được 100% người tham gia giao thông. Người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vẫn ngồi trên xe và thở qua một thiết bị phát hiện nồng độ cồn. Nếu không vi phạm, họ sẽ tiếp tục đi, CSGT xin lỗi vì đã làm phiền. Còn khi bị phát hiện, CSGT sẽ yêu cầu xuống xe và xe được đưa về nơi xử lý, cùng lúc đó người vi phạm sẽ được đo cụ thể vi phạm đến mức độ nào.

Ở Quảng Nam, nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra do người lái dùng nồng độ cồn quá đà. Xác định được vai trò, trách nhiệm của mình, lực lượng chức năng ở không ít địa phương thời gian qua thường xuyên tổ chức kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Đúng vào thời khắc trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Công an huyện Núi Thành vào cuộc với tần suất cao hơn gấp nhiều lần so với ngày thường. Trọng tâm tiếp cận “đệ tử lưu linh” là đoạn quốc lộ 1 đi qua nội thị thị trấn Núi Thành và các tuyến đường khác trên địa bàn huyện. Đội trưởng Đội CSGT - trật tự cơ động Công an huyện Núi Thành, Thiếu tá Phan Chu Ký cho hay, lãnh đạo đơn vị đã xây dựng và triển khai kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm các lỗi như: uống rượu, bia quá nồng độ cho phép; chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy... “Đặc biệt, chúng tôi chú trọng bố trí các tổ tuần tra kiểm soát cơ động, tập trung kiểm tra tại các nơi gần địa điểm xuất phát của quán ăn uống, karaoke...” - Thiếu tá Phan Chu Ký nói.

Tại Nam Giang, từ ngày 20.12.2014 đã triển khai chiến dịch kiểm soát hành vi vi phạm nồng độ cồn. Trong dịp này, công an huyện kết hợp tổng kiểm tra ô tô khách và mô tô vi phạm các quy định về trật tự ATGT. “Lãnh đạo đơn vị còn quán triệt mọi người chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy trình và chế độ công tác, điều lệnh Công an nhân dân; có lời nói, tư thế, tác phong chuẩn mực khi tiếp xúc với nhân dân. Khâu kiểm tra, xử lý quy định về nồng độ cồn phải được tiến hành công khai, khách quan; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền với xử lý để răn đe, giáo dục” - Thiếu tá Nguyễn Ngọc Quang, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự cơ động Công an huyện Nam Giang cho hay. Cũng theo Thiếu tá Quang, lực lượng CSGT coi trọng “tháo nút thắt” vụ việc trên tinh thần mềm dẻo nhưng kiên quyết. Nêu cao ý thức cảnh giác, chủ động phối hợp giải quyết tốt các trường hợp người vi phạm không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có lời nói, cử chỉ xúc phạm hoặc chống người thi hành công vụ. Có như thế mới không để xảy ra các tình huống phức tạp và điểm nóng về trật tự an toàn xã hội.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ