Kiểm soát "ma men"

SÁU CÒI 13/01/2015 09:26

Ở cơ sở, việc kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ không phải là điều dễ dàng. Áp dụng chế tài là một chuyện, điều quan trọng đối với người thực thi pháp luật là phải phối hợp với các ngành chức năng, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức. Qua đây cảnh báo để mọi người thấy được nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn nói riêng gây ra. Quan trọng hơn, công tác này cần sự kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền và xử lý, làm cho nhân dân biết và tự giác chấp hành.

Thực tế quá trình triển khai kiểm soát nồng độ cồn có vấn đề đáng bàn, thậm chí khá bi hài. Không thể “đặt trạm” ngay trước mặt hàng quán người khác, lực lượng chuyên trách muốn lập chốt kiểm tra phải tổ chức nắm tình hình, khảo sát xác định các tuyến, địa bàn giao thông trọng điểm và thời gian có nhiều người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông để lựa chọn vị trí phù hợp bảo đảm thuận lợi, an toàn cho việc dừng xe. Hiện tại, ở các trục đường khu vực đô thị làm tương đối chặt chẽ. Còn ở tuyến huyện, vùng nông thôn có địa bàn rộng nên “ma men” thấy chốt kiểm tra liền cho xe chạy những tuyến giao thông khác để tránh né. Cảnh sát giao thông địa bàn này lại thiếu thiết bị kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh” đã gây nhiều khó khăn cho việc tuần tra khép kín. Một cán bộ công an cho hay, có đối tượng ngậm thổi để kiểm tra nồng độ cồn đến 5, 6 lần mà cột đo trên máy chẳng hề nhúc nhích vì hơi “phả” ra chưa đủ mạnh. Vậy là anh ta “kết luận” rằng máy ấy có vấn đề rồi!

Chưa kể hết, nỗi khổ khi kiểm tra nồng độ cồn vào đêm khuya vô cùng phức tạp. “Các anh biết rồi, người say xỉn thường hay chống đối không hợp tác. Bên cạnh “cù chì cù mài”, nhiều đối tượng còn chửi bới, đe dọa quen với ông này bà nọ, sẵn sàng xúc phạm người thực thi công vụ. Nếu thiếu kinh nghiệm ứng phó, chiến sĩ nào “nóng máu” sẽ dễ dẫn đến điều không hay” - một chiến sĩ cảnh sát giao thông bày tỏ. Quay trở lại câu chuyện máy thổi truyền thống, mỗi một lần kiểm tra xong thì các cán bộ, chiến sĩ lại phải lại thay ống thở khác nhằm đảm bảo vệ sinh. Do đó, việc trang bị thiết bị kiểm tra nồng độ cồn “siêu nhanh” cho công an cấp huyện là rất cần thiết. Thay vì ngậm, khi được lực lượng chức năng yêu cầu, lái xe có thể thổi cách xa loại máy này vài centimet và sẽ cho kết quả sau 2, 3 giây. Giá của thiết bị khoảng chưa tới 30 triệu đồng/máy.

SÁU CÒI

SÁU CÒI