Giảm giá vé xe buýt: Các đơn vị còn đang "cân nhắc"
Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đang “cân nhắc” giảm hay không giảm giá vé bởi cho rằng việc điều chỉnh cần tính toán hợp lý nhằm hài hòa lợi ích doanh nghiệp và quyền lợi khách hàng.
Tuyến giảm, tuyến không
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, giá cước vận tải nói chung bao gồm nhiều chi phí, như xăng dầu, khấu hao, sửa chữa phương tiện, chi phí cầu đường, giá nhân công, quản lý… Trong đó, phương tiện vận tải hành khách đang hoạt động trên địa bàn Quảng Nam, đặc biệt là xe buýt chủ yếu chạy bằng dầu. Nhiên liệu này chiếm khoảng 35% chi phí vận tải, tức là chiếm 35% chi phí cấu thành giá vé. Sau khi giá dầu liên tục sụt giảm, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã tính toán để có thể giảm giá vé. Đến ngày 15.12 vừa qua, xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng là tuyến vận tải công cộng duy nhất giảm giá vé từ 32 nghìn đồng/lượt người xuống còn 30 nghìn đồng/lượt người, ở những tuyến xe buýt còn lại, chưa có đơn vị nào hạ giá thành vận chuyển.
Cần mở rộng phạm vi kiểm tra giá vé ở các đơn vị kinh doanh vận tải. Ảnh: CÔNG TÚ |
Ông Văn Dũng - Giám đốc Xí nghiệp giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam cho biết, đơn vị hợp tác cùng vận chuyển trên các tuyến xe buýt 2 chiều, gồm liên tỉnh liền kề có Tam Kỳ - Đà Nẵng, Phú Đa (Duy Xuyên) - Đà Nẵng, Quế Sơn - Đà Nẵng và nội tỉnh là Tam Kỳ - Hiệp Đức, Tam Kỳ - Đại Lộc. Đối với liên tỉnh liền kề, vừa qua lãnh đạo 2 Sở GTVT Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã họp các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) tham gia trên tuyến để bàn phương án giảm giá vé. Các đơn vị đã trình bày nhiều lý do xác đáng và cuối cùng thống nhất chỉ giảm giá vé Tam Kỳ - Đà Nẵng và ngược lại. Ông Dũng giải thích, từ năm 2012 đến ngày 1.4.2014, giá vé trên tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng vẫn giữ nguyên 28 nghìn đồng/lượt hành khách dù có thời điểm giá dầu tăng tới 23.410 đồng/lít (ngày 18.12.2013). “Ngày 1.4. 2014, các đơn vị mới tăng lên 32 nghìn đồng/lượt hành khách. Nhưng giá dầu giảm liên tục suốt từ ngày 28.7 đến nay, chúng tôi đi đến thống nhất giảm giá vé còn 30 nghìn đồng/lượt hành khách. Tuyến Quế Sơn - Đà Nẵng mới đi vào hoạt động mấy tháng và chưa tăng giá vé, giai đoạn đầu DN đang bù lỗ nên không thể hạ được” - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, tuyến Phú Đa - Đà Nẵng mới tăng giá vé từ 24 nghìn đồng lên 28 nghìn đồng/lượt hành khách kể từ ngày 15.4 vừa qua. Các DN, HTX đề nghị ngành chức năng cho giữ nguyên giá vé vì suốt mấy tháng liền phương tiện không thể đi thẳng đường Điện Biên Phủ - Tôn Đức Thắng vào bến xe trung tâm mà phải chạy vòng ra đường Nguyễn Tất Thành xa hơn 6 - 7km do nút giao thông ngã ba Huế (Đà Nẵng) đang thi công. Khi nút này hoàn thành, các đơn vị sẽ tính toán hạ giá vé cho hợp lý. Xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức mấy năm rồi chưa thay đổi cước vận chuyển, vì vậy không điều chỉnh. Ngày 1.8. 2014, giá vé buýt Tam Kỳ - Đại Lộc tăng từ 30 nghìn đồng lên 35 nghìn đồng/lượt hành khách. Sau đó chưa lâu, các đơn vị nối tuyến từ cuối đường Lý Thường Kiệt (Tam Kỳ) tới Cụm công nghiệp Trường Xuân xa thêm khoảng 3km. Vì thế, DN xin giữ nguyên mức giá trên. Còn theo ông Hồ Tấn Ba - Giám đốc HTX Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ, xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My khi xây dựng giá đã nằm ở mức vừa phải nhằm thu hút người dân tham gia vận tải công cộng và chưa tăng đợt nào. Riêng tuyến cố định Tam Kỳ - Đà Nẵng, HTX đã giảm 40 nghìn đồng xuống còn 35 nghìn đồng/lượt hành khách.
Ngành chức năng can thiệp
Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định thành lập đoàn liên ngành để tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; việc thực hiện kê khai, thu giá cước vận tải theo quy định của các đơn vị kinh doanh vận tải. Đồng thời kiểm tra tác động của giá xăng dầu đến giá thành vận tải; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý giá. Các thành viên sẽ nghe HTX, DN tham gia kinh doanh vận tải hành khách trình bày lý do vì sao không giảm, hoặc giảm giá vé thế nào là hợp lý để có sự can thiệp cần thiết nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích DN và quyền lợi khách hàng. Thành viên đoàn kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thúy Lan - chuyên viên Phòng Quản lý vận tải và công nghiệp (Sở GTVT) cho hay, đoàn đã làm việc với HTX Vận tải cơ giới đường bộ Núi Thành và đề nghị giải thích lý do không giảm giá vé tuyến xe buýt Núi Thành - Tam Kỳ. Nhận thấy “lập luận” đưa ra chưa thuyết phục, đoàn yêu cầu đơn vị này họp bàn với các bên tham gia trên tuyến thống nhất giảm 18 nghìn đồng xuống 17 nghìn đồng/lượt hành khách.
Trao đổi với PV. Báo Quảng Nam vào sáng qua (21.12), ông Nguyễn Văn Thế - Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ vận tải và kinh doanh tổng hợp Duy Xuyên cho biết, ngày 19.12 đoàn liên ngành cũng đã làm việc với đơn vị. Đoàn yêu cầu HTX bàn với các DN vận tải hành khách trên tuyến Phú Đa - Đà Nẵng thống nhất giảm 5% giá vé hiện hành, và đầu năm 2015, việc niêm yết giá cước mới phải được tiến hành xong. Ông Thế cho hay, đơn vị sẽ sớm họp bàn cùng các DN để có sự thống nhất chung trước khuyến cáo của các ngành chức năng. Trước đó một ngày, đoàn liên ngành kiểm tra tác động của giá xăng dầu đến giá thành vận tải tại HTX Vận tải cơ giới đường bộ Quế Sơn. Lãnh đạo HTX đã báo cáo với các thành viên về việc điều chỉnh giá cước. Theo đó, đơn vị thực hiện giảm 5 nghìn đồng/lượt hành khách trên tuyến vận tải cố định Quế Sơn - Đà Nẵng, Nông Sơn - Tam Kỳ…
Có thể thấy, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hiện nay đã có ý thức hơn về việc lên phương án kê khai giá, giảm giá cước. Tuy vậy, một số DN, HTX vẫn còn “trông chờ” vào sự khuyến cáo của ngành chức năng mới điều chỉnh giảm theo giá xăng dầu. Vì lẽ đó, đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập và đi vào hoạt động là rất cần thiết và kịp thời. Nhưng hiện lượng DN và HTX mà đoàn dự kiến kiểm tra như trong kế hoạch là… khá khiêm tốn, trong khi đó không ít đơn vị chưa thật sự tự giác giảm giá vé. Hơn nữa, việc kiểm tra nhiều nơi sẽ tạo được sự công bằng giữa các cơ sở kinh doanh vận tải.
CÔNG TÚ