Ngành giao thông vận tải ứng phó bão lụt
Ngành giao thông vận tải (GTVT) tỉnh đã đề ra nhiều phương án khả thi nhằm ứng phó với bão lụt năm nay.
Đi trước mùa mưa
Mùa mưa năm 2013 đã gây ngập lụt không ít tuyến đường bộ. Một số tuyến giao thông bị sạt lở mái taluy với khối lượng lớn gây xói lở nền và mặt đường, cầu cống. Nhiều đoạn tuyến bị cây cối ngã đổ vắt ngang, đất tràn lấp dày bề mặt khiến lưu thông ách tắc. Khu vực Cửa Đại thuộc cửa sông Thu Bồn bị bồi lấp ước tính 100.000m3. Thiệt hại mà bão lụt gây ra cho hạ tầng GTVT gần 100 tỷ đồng, cao hơn so với những năm gần đây. Công tác dự báo, thông tin nguy cơ trượt lở đất đá, lũ bùn, lũ quét còn hạn chế và chưa kịp thời; chưa có thiết bị đồng bộ về cảnh báo, nhất là khu vực liên tục xảy ra tình trạng trên. Phần lớn tuyến đường nằm ở khu vực hạ lưu của một số hồ thủy điện thường xuyên bị ngập do xả lũ, gây ách tắc nhiều giờ liền khiến việc đi lại rất khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
Công nhân Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam khắc phục sạt lở trên đoạn tuyến ĐT611. Ảnh: C.TÚ |
Chủ động ứng phó với thiên tai trong năm nay, Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Văn Nhân cho biết, ngành đã triển khai nhiệm vụ trên cơ sở quán triệt phương châm: lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, thiết bị dự phòng, máy móc tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Yêu cầu các đơn vị liên quan có giải pháp đồng bộ để chủ động phòng ngừa, tích cực ứng phó, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa định kỳ, gia cố các công trình đường bộ nằm trong kế hoạch, hoàn thành dứt điểm trước ngày 15.10 năm nay. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam hiện đã tiến hành xong việc kiểm tra, xác định vị trí neo đậu tàu thuyền, tập kết vật tư tài sản, tổ chức thu hồi và quản lý báo hiệu. Cùng Tổ công tác liên ngành đường thủy nội địa tỉnh duy trì kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), nhất là ở các bến đò. Đơn vị còn liên hệ với chính quyền địa phương ven các sông tiếp nhận phương án phối hợp phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, tham gia tổ chức di dời dân khi cần thiết.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam khẳng định, doanh nghiệp lên phương án và đã chủ động tập kết sẵn nhân công, thiết bị xe máy, vật tư tại các vị trí xung yếu, sẵn sàng khắc phục khi xảy ra sự cố, đảm bảo sớm thông xe bước một các tuyến quốc lộ (QL) 14D, 14E, 14B, 40B và nhiều tuyến tỉnh lộ (ĐT) khác. Công ty cũng bố trí tại trụ sở chính 3 tổ phản ứng nhanh, 72m dàn bailey, dụng cụ hỗ trợ sẵn sàng “tiếp sức” cho các xí nghiệp trực thuộc khi cần thiết. Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT đang chỉ đạo các đội trực thuộc tổng kiểm tra các bến đò ngang sông về điều kiện hoạt động của phương tiện, người lái và thủ tục pháp lý liên quan để kiên quyết xử lý hành vi vi phạm. Phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Công an tỉnh đảm bảo ATGT tại vị trí nguy hiểm, ngăn ngừa tai nạn có thể xảy ra trong khi mưa bão.
Còn ách tắc
Sở GTVT cũng đã đề nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh, Tổng cục đường bộ Việt Nam, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh hỗ trợ kinh phí để ngành triển khai dự phòng vật tư, thiết bị tại những điểm, tuyến đường trọng yếu có khả năng gây ách tắc giao thông mùa mưa bão. Bổ sung và phân bổ thêm nguồn vốn khắc phục hạng mục đường bộ, đường thủy nội địa bị hư hỏng do ảnh hưởng của thiên tai, nhằm đảm bảo an toàn công trình và ATGT. Giám đốc Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam - ông Phạm Văn Sơn thì bày tỏ, cấp trên cần sớm có chủ trương, cơ chế đầu tư, quy trình tạm ứng và nghiệm thu, thanh toán vốn cho đơn vị cơ sở về chuyện dự phòng, mua sắm và chi cho công tác ứng phó với bão lụt.
Lo ngại “sức khỏe” của hạ tầng và người tham gia giao thông, Chánh Thanh tra Sở GTVT - ông Võ Quang Lâm đề nghị lãnh đạo ngành kiểm tra các công trình trọng điểm đang “nóng” ATGT, tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu khẩn cấp chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo ATGT mùa mưa bão. Đi về các tuyến đường do địa phương quản lý, người có trách nhiệm phải đặc biệt quan tâm kiểm tra, khắc phục những hư hỏng đối với hệ thống cầu cống, nhất là cầu treo. Xoay quanh câu chuyện an toàn hạ tầng giao thông, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông - ông Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, các cấp, các ban ngành liên quan cần phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để chấn chỉnh hành vi san lấp mặt bằng, mở đường ngang trái phép đấu nối vào các tuyến đường chính tại các vị trí thoát nước gây tình trạng ngập.
CÔNG TÚ