Thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô: Khó hoàn thành đúng thời hạn

CÔNG TÚ 30/09/2014 08:16

Thu phí sử dụng đường bộ (SDĐB) năm 2014 đối với xe mô tô không thể hoàn thành đúng thời hạn mà UBND tỉnh đã quy định (trước ngày 30.9) do còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.     

Việc làm cần thiết

Thống kê năm 2013 cho thấy, trên địa bàn tỉnh có gần 600 nghìn mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy (gọi chung là xe mô tô) đang sử dụng miễn phí đường bộ để lưu thông. Trong khi đó, kinh phí hằng năm từ ngân sách tỉnh mới chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu bảo trì các tuyến đường tỉnh (ĐT); đường huyện (ĐH) và đường đô thị, đường xã (ĐX) thì còn bỏ ngỏ... Mặt đường nhiều tuyến xuống cấp trầm trọng, “nắng bụi, mưa lầy” khiến việc đi lại của người và phương tiện gặp trở ngại, mất an toàn giao thông. Hạ tầng giao thông chưa “đi trước một bước” đã kìm hãm sự phát triển về kinh tế - xã hội. Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ bảo trì đường bộ Quảng Nam - ông Nguyễn Văn Nhân cho rằng thu phí SDĐB sẽ dùng vào mục đích duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường nói trên nhằm đảm bảo nhân dân lưu thông được thuận tiện, an toàn, đồng thời còn mang ý nghĩa sâu sắc khi góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm từ cộng đồng cùng chung tay góp sức với Nhà nước “chăm sóc” đường sá mà chính mình hằng ngày vẫn sử dụng.   

Nộp phí sử dụng đường bộ còn để nâng cấp các tuyến đường hư hỏng, mất an toàn giao thông. Ảnh: C.TÚ
Nộp phí sử dụng đường bộ còn để nâng cấp các tuyến đường hư hỏng, mất an toàn giao thông. Ảnh: C.TÚ

Xuất phát từ thực tế thu nhập của người dân còn thấp, đời sống khó khăn, UBND tỉnh đề ra mức thu bằng mức tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, tạo điều kiện cho nhân dân nộp phí đúng và phù hợp khả năng. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 72/2013/NQ-HĐND có liên quan. Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định, xe mô tô có dung tích xi lanh đến 100cm3 phải nộp phí SDĐB 50 nghìn đồng/năm, dung tích xi lanh trên 100cm3 nộp 100 nghìn đồng/năm, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xi lanh nộp 2,16 triệu đồng/năm. Số phí thu còn lại (sau khi trừ khoản phí trích lại để phục vụ thu) cùng với nguồn quỹ trung ương cấp theo quy định và ngân sách địa phương phân bổ hàng năm để bảo trì, sửa chữa lớn, nâng cấp các tuyến ĐT, ĐH, ĐX. Có thể nói, việc triển khai thu phí SDĐB đối với xe mô tô là phù hợp thực tế, đúng với quy định. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người đang sử dụng xe mô tô bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương của Nhà nước và cho rằng, công dân phải có trách nhiệm đóng góp đầu tư tu bổ các tuyến đường vì lợi ích dân sinh, lợi ích cộng đồng.  

Người dân cần có trách nhiệm góp phần bảo trì đường sá mà mình sử dụng hằng ngày.
Người dân cần có trách nhiệm góp phần bảo trì đường sá mà mình sử dụng hằng ngày.

Khó hoàn thành

Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND chỉ định UBND cấp xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí đối với xe mô tô của chủ phương tiện trên địa bàn. Chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn) hướng dẫn kê khai phí SDĐB theo mẫu; tổ chức thu, nộp phí đúng quy định. UBND các xã được trích để lại 20% và UBND các phường, thị trấn được trích 10% trên tổng số phí thu được nhằm phục vụ khâu thu, nộp phí. Báo cáo của Quỹ bảo trì đường bộ Quảng Nam cho biết, năm 2014, các địa phương được giao thu 17,718 tỷ đồng, nhưng tính đến ngày 10.9, có 17/18 huyện, thành phố triển khai (Nam Trà My chưa thu) và thu mới được 4,562 tỷ đồng (đạt khoảng 25,75%), kết quả quá thấp so với kế hoạch. Do vậy, ngày 17.9 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện thu phí SDĐB đối với xe mô tô trên địa bàn Quảng Nam. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thu hoàn thành dứt điểm trước ngày 30.9 năm nay. Tuy nhiên, một cán bộ thuộc Quỹ bảo trì đường bộ Quảng Nam cho hay, con số thu được mà các huyện, thành phố mới báo cáo chưa có chuyển biến là bao.

Tính đến đầu tháng 9, Đại Lộc là 1 trong 4 địa phương trên địa bàn tỉnh đạt kết quả thu khá cao (hơn 50%) cho cả năm 2013 và 2014. Phó trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện, ông Lê Phan Minh cho biết, riêng tháng 9 này, ngành tham mưu UBND huyện ban hành 2 công văn và 1 chỉ thị nhằm chỉ đạo các xã, thị trấn đôn đốc đẩy nhanh quá trình thực hiện. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng Tài chính - kế hoạch huyện Đại Lộc thừa nhận công tác thu không thể hoàn thành trong quý III bởi nhiều nguyên nhân. “Năm đầu triển khai thu phí SDĐB từ xe mô tô, các văn bản hướng dẫn còn chậm nên quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa đồng bộ. Có xã gặp nhiều lúng túng nên kết quả thu phí năm 2013 đạt thấp. Trước ngày 17.9, chúng ta lại chưa có quy định chế tài xử lý vi phạm, mà chỉ dùng biện pháp vận động thu là chính đã dẫn đến một số trường hợp chưa hợp tác” - ông Minh nói. Tại Điện Bàn, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Điện - ông Trần Hải Vân bày tỏ, người dân phàn nàn biên lai sử dụng để thu phí quá mỏng, rất dễ bị hỏng không đảm bảo để họ mang theo bên mình khi lưu hành.

Nhằm bổ sung chế tài, Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 17.9 của UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không nộp phí SDĐB theo quy định tại khoản 2, Điều 24 và khoản 1, Điều 43 của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó có một số nội dung đáng lưu ý sau: phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí. Phạt tiền từ 1 - 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tối đa là 50 triệu đồng. Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5 triệu đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25 triệu đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Một số vướng mắc khác cũng gây trở ngại cho các địa phương. Theo ông Phan Đình Phùng - Bí thư Đảng ủy xã Tam Mỹ Đông (Núi Thành), mọi khâu triển khai đến tháng 11.2013 mới vào guồng, vì thế chuyện truy thu của năm này không dễ. Năm 2014, xã được giao kế hoạch hơn 123 triệu đồng, hiện thu hơn 118 triệu đồng (đạt 96%). Con số 4% “nợ” là do có một số trường hợp người dân địa phương mưu sinh ở xa và mang phương tiện đi luôn nên rất khó thu. Ở Tiên Phước, huyện chưa tìm ra lời giải đối với xe đã hư hỏng không còn lưu thông, hộ khẩu chuyển đi nơi khác, xe bán nhưng chưa sang tên đổi chủ, xe đi làm ăn xa ngoài địa phương lâu năm không về, một số hộ đứng tên đăng ký cho người khác…

Riêng đối với các huyện miền núi, địa bàn dân cư không tập trung nên thu trực tiếp tại các hộ gia đình mất nhiều thời gian, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì lẽ trên, khoản phí thu được là quá nhỏ, phần trăm trích lại không đảm bảo để phục vụ cán bộ đến thu từng hộ dân. Không ít xã trên địa bàn Nam Giang cho rằng, cái lo nhất vẫn là trách nhiệm của nhiều trưởng các thôn, bản, cạnh đó kiến thức về thu phí SDĐB còn khá mơ hồ. Bà con mà thắc mắc thì chưa biết giải thích cặn kẽ, dẫn đến thực trạng chây ỳ của một số hộ gia đình. Quy định miễn thu đối với chủ phương tiện thuộc hộ nghèo gây ra sự so bì giữa các hộ, dẫn đến công tác huy động và thu không đơn giản. Rõ ràng, ngoài bổ sung chế tài, thu phí SDĐB có đạt kết quả khả quan còn phụ thuộc những vướng mắc phát sinh vừa nêu có được tháo gỡ kịp thời hay không.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ