Thi công mở rộng quốc lộ 1: Công trường vẫn ngổn ngang
Việc thi công mở rộng quốc lộ (QL) 1 qua địa bàn tỉnh được dự báo sẽ chậm tiến độ do ảnh hưởng thời tiết và nhiều yếu tố khác.
Vượt kế hoạch
Đầu năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhà đầu tư đôn đốc các doanh nghiệp tận dụng thời tiết thuận lợi tập trung tối đa nhân lực, nguyên vật liệu và trang thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Giám đốc Cienco 5 BOT - chủ đầu tư gói thầu số 2 - ông Trương Văn Mạnh cho biết, tính đến đầu tháng 8, các gói thầu và hạng mục di dời đã triển khai đạt 56% tổng khối lượng. Chủ đầu tư đang chỉ đạo các nhà thầu nỗ lực hoàn thành cơ bản giá trị hợp đồng ký kết ngay trong tháng 9; gói thầu số 5 còn vướng mặt bằng nên phải đến tháng 2 năm sau mới đảm bảo đưa vào sử dụng. Riêng gói thầu số 1 do Công ty CP Xây dựng công trình 501 đảm nhận hiện đã đạt hơn 95% công việc. Kỹ sư Lê Duy Phàn (Công ty CP Xây dựng công trình 501) - Chỉ huy trưởng gói thầu số 1 nói: “Đơn vị nỗ lực thi công xong phần mặt đường đảm bảo lưu thông trong tháng 8 này. Những hạng mục phụ còn lại như kè mái taluy hay vệ sinh công trường để hoàn trả mặt bằng sẽ được hoàn tất vào tháng 9 năm nay”.
Công trường thi công mở rộng QL 1 vẫn ngổn ngang. Ảnh: CÔNG TÚ |
Khởi công ngày 13.1.2014, dự án thành phần 1 có chiều dài nâng cấp, mở rộng thực tế khoảng 29,96km do Công ty CP Xây dựng công trình 545 làm chủ đầu tư BOT. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.486 tỷ đồng; trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ 228,12 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng 3 cầu trên tuyến. Thời gian thi công và hoàn thành dự án cũng được ấn định trong vòng 24 tháng. Vì khối lượng công việc lớn, chủ đầu tư chia làm 7 gói thầu để ký kết hợp đồng với các đơn vị thi công. Theo ông Hồ Anh Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 545, giờ cao điểm nhà thầu huy động 225 kỹ sư và công nhân kỹ thuật, tập trung 100 xe máy trên công trường thực thi công việc. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 20,7% giá trị thực hiện. So với yêu cầu chung, tiến độ triển khai vượt hơn 5% kế hoạch được giao.
Sẽ bị ảnh hưởng
Chiều dài các đoạn trong đô thị của dự án thành phần 1 có mặt cắt rộng 20,5m là 4,1km, ngoài đô thị rộng 16,5m là 25,2km. Công trình đi qua địa bàn 4 huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh với 2.660 hộ dân bị ảnh hưởng. Ở dự án thành phần 2, chiều dài các đoạn trong đô thị sau khi điều chỉnh có mặt cắt rộng 20,5m và 20,7m là 13,7km, ngoài đô thị rộng 20,5m là 14km. Riêng đoạn km989+432 - km990+200 thuộc địa bàn TP.Tam Kỳ dài 0,768km được Bộ Giao thông vận tải thống nhất cho Quảng Nam đầu tư mở rộng 52m theo mặt cắt quy hoạch. Dự án đi qua 2 huyện Phú Ninh, Núi Thành và TP.Tam Kỳ với khoảng 3.310 hộ bị ảnh hưởng. |
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhà đầu tư của 2 dự án mở rộng QL 1 đều đặt mục tiêu đưa công trình về đích trước thời hạn cam kết. Muốn vậy, họ cần phải vượt qua nhiều trở ngại. Thực tế thời gian qua, nhà thầu thi công trong điều kiện thời tiết thuận lợi nên đạt khối lượng khả quan. Song khi mùa mưa bão đến, nhiệm vụ thực hiện sẽ gặp khó khăn. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến QL huyết mạch vừa khai thác vừa xây dựng lại cần phải được coi trọng. Cạnh đó, tiến độ xây dựng có nhanh hay không còn phụ thuộc lớn vào việc GPMB một số hộ còn lại và cách tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Theo phản ánh từ phía nhà đầu tư, dự án thành phần 1 hiện còn 293 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Một số vị trí bàn giao bị đứt khoảng, vì vậy không đủ chiều dài để triển khai.
Tại dự án thành phần 2, huyện Núi Thành còn 132 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, địa phương có 282 gia đình đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng lại cản trở không cho làm với nhiều lý do khác nhau. Đáng lưu ý, nhiều hộ cản trở vì không hài lòng với mức giá bồi thường mà đơn vị bảo hiểm áp dụng đối với trường hợp bị nứt nhà do trong quá trình thi công gây nên. Mới thống kê từ đợt 1 đến đợt 5, Núi Thành có 117 nhà bị ảnh hưởng bởi rung chấn, song khi chi trả chỉ 13 chủ gia đình nhận tiền. Theo ông Trương Văn Mạnh, tiến độ sẽ còn bị đình trệ nếu đơn vị quản lý điện lực, cáp quang, nước sạch không nhanh chóng di dời hết phần bị ảnh hưởng ra khỏi phạm vi GPMB… Tại cuộc họp với các bên liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các huyện còn vướng mặt bằng tiếp tục tăng cường công tác vận động nhân dân chấp hành chủ trương, việc thực hiện cưỡng chế chỉ là phương án cuối cùng được tính đến. Chủ đầu tư lưu ý đưa ra giá bồi thường nhà cửa bị nứt, sụt lún cho thỏa đáng, đồng mức để tránh so bì giữa các hộ. Đẩy nhanh tiến độ, song nhà thầu phải đáp ứng chất lượng, đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
CÔNG TÚ