Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP. Tam Kỳ: Khẳng định chỗ đứng

CÔNG TÚ 25/04/2014 09:48

Hôm nay (25.4), tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Bắc Trà My do Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp (VT&KDTH) TP.Tam Kỳ tổ chức khai thác chính thức khai trương. Đây là bước ngoặt mới trong quá trình phát triển của một đơn vị vận tải tập thể.

Bước ngoặt

Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ được thành lập tháng 8.1984 với tên gọi Hợp tác xã Cơ giới thủy bộ thị xã Tam Kỳ. Đến tháng 11.1997, đơn vị vận tải kinh tế tập thể này tổ chức Đại hội đại biểu xã viên và chuyển đổi tên thành Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ. Thực hiện đúng theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đơn vị đã tổ chức Đại hội thành viên hợp tác xã nhiệm kỳ VII (2013 - 2018) vào tháng 7.2013 và bầu ra Hội đồng quản trị cùng Ban kiểm soát. “Nhớ lại buổi ban đầu, chúng tôi chỉ vỏn vẹn 20 xã viên tham gia vận tải khách loại nhỏ (10 - 16 chỗ ngồi) với bao khó khăn chồng chất, vốn ít, phương tiện kém chất lượng. Nay trải qua gần 30 năm tồn tại, hợp tác xã không ngừng phát triển và trở thành đơn vị vững mạnh của khu vực kinh tế tập thể tỉnh Quảng Nam” - ông Hồ Tấn Ba, Giám đốc Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ phấn khởi nói.

Xe buýt phục vụ trên tuyến được hợp tác xã sắm mới với chất lượng cao.
Xe buýt phục vụ trên tuyến được hợp tác xã sắm mới với chất lượng cao.

Hợp tác xã thời gian qua đã phục vụ tương đối tốt nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của nhân dân. Hoạt động theo mô hình dịch vụ hỗ trợ, có tài sản đa sở hữu, tài chính của đơn vị luôn ổn định, có hướng phát triển. Riêng nhiệm kỳ VI (2008 - 2012), Ban quản trị cùng toàn thể xã viên đã đầu tư mua sắm mới phương tiện đưa vào hoạt động trên các tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng, Tam Kỳ - Núi Thành. Mở thêm các tuyến xe khách mới từ Tam Kỳ đi đến các địa phương: Nam Trà My, Nông Sơn, Nam Giang, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Kon Tum, Đắc Nông. Vào thời điểm này, hợp tác xã đang quản lý 80 xe khách loại 12 - 50 ghế ngồi, 7 xe tải từ 1 đến 15 tấn. Tổng số thành viên hiện có 105 người, giải quyết việc làm cho 230 lao động.

Theo thống kê, sản lượng vận tải năm 2009 đạt hơn 1 triệu lượt người, 120 nghìn tấn hàng hóa, doanh thu gần 9,4 tỷ đồng. Năm 2013, đơn vị vận chuyển hành khách đạt gần 2 triệu lượt người, 185 nghìn tấn hàng hóa và đạt tổng doanh thu hơn 18,3 tỷ đồng. Hợp tác xã nghiêm túc đi đầu về thực hiện nghĩa vụ thuế tại địa phương, nộp ngân sách hơn 2,3 tỷ đồng trong 5 năm.   

Khai trương tuyến mới

Việc khai trương tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Bắc Trà My hôm nay chính là một trong những mục tiêu quan trọng mà hợp tác xã đạt được trong nhiệm kỳ 2013 - 2018. Trước đó, đơn vị đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng bãi đỗ xe khách và xe tải tại số 954 Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ). “Trong thời gian đến, kế hoạch mở tuyến mới Quảng Nam - Hà Nội, đầu tư mua mới 5 - 10 xe buýt, hỗ trợ thành viên vay vốn mua phương tiện chạy tuyến nội tỉnh cùng nhiều mục tiêu khác sẽ được ban giám đốc xúc tiến thực hiện” - ông Ba cho biết.

Tuyến xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My và ngược lại là tuyến nội tỉnh thứ tư không trợ giá (Tam Kỳ - Núi Thành, Tam Kỳ - Hiệp Đức, Tam Kỳ - Đại Lộc) đưa vào khai thác. Lộ trình tuyến như sau: bến xe Quảng Nam - đường Phan Bội Châu - đường Nguyễn Du - đường Lê Lợi - đường Hùng Vương - đường Huỳnh Thúc Kháng - đường Phan Châu Trinh - đường Trần Cao Vân (TP.Tam Kỳ) - quốc lộ 40B - ngã ba Trà Đốc (huyện Bắc Trà My) và ngược lại. Một ngày có 32 chuyến xuất bến, tần suất trung bình 45 phút/chuyến. Ở mỗi đầu bến, xe bắt đầu khởi hành lúc 5 giờ sáng, chuyến cuối cùng xuất phát lúc 17 giờ chiều. Giá vé suốt chặng dài 63km là 40 nghìn đồng/lượt hành khách.

Ban giám đốc hợp tác xã tâm sự, đơn vị khẳng định được chỗ đứng như ngày hôm nay là nhờ có sự lãnh đạo kịp thời cộng sự quan tâm hỗ trợ thiết thực của các cấp, các ngành liên quan từ phường, thành phố và tỉnh. Cạnh đó, tập thể xã viên và người lao động luôn thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó, hăng say cống hiến và nỗ lực khắc phục khó khăn để vươn đến thành công chung. Thêm nữa, hợp tác xã rất quan tâm phổ biến các chủ trương, chính sách về công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) qua các buổi sinh hoạt, hội họp. Ban quản trị thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra chặt chẽ giấy tờ xe, giấy phép lái xe trước khi cấp giấy đi đường cho xe phục vụ vận tải. Phương tiện của hợp tác xã đều đã gắn thiết bị giám sát hành trình, tạo thuận lợi cho người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của tài xế, qua đó kiềm chế xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ, góp phần đảm bảo trật tự ATGT.       

Để tự vận hành khai trương tuyến xe mới mà không liên kết, đơn vị đầu tư sắm mới 10 xe buýt hiện đại với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng. Mỗi ngày có 8 chiếc xe loại B40 phục vụ trên tuyến, 2 xe còn lại dự phòng. Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh - ông Trương Văn Cận cho hay, tuyến xe buýt này đã cho thấy được sự chuẩn bị chu đáo về nhiều mặt, công tác phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các bên liên quan. Tuyến đi vào hoạt động sẽ thay thế xe chở khách cũ kỹ, thiếu ATGT; qua đó hạn chế được phương tiện cá nhân, phục vụ nhu cầu đi lại của cán bộ và nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My… “Ban ATGT tỉnh trước mắt đã hỗ trợ kinh phí để triển khai làm các điểm dừng đón, trả khách. Qua quá trình khảo sát thực tế hoạt động, chúng tôi sẽ bổ sung lắp đặt nhà chờ ở địa điểm nào mà nhân dân thường đứng chờ xe” - ông Cận nói.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ