Giải phóng mặt bằng dự án mở rộng quốc lộ 1:Chậm tiến độ (bài cuối)
Đền bù, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) chưa thỏa đáng, cộng thêm đội ngũ làm công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở địa phương chưa tâm huyết, linh hoạt là nguyên nhân chính khiến tiến độ chậm trễ, người dân chưa thể sớm ổn định đời sống.
|
Nhiều tồn tại
Ngày 13.3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu tiếp tục đi thực địa, kiểm tra tình hình GPMB thành phần 2 mở rộng quốc lộ (QL) 1 qua Núi Thành. Tiến độ nơi đây đã chuyển biến khả quan hơn, nhưng quá trình thực hiện tại địa phương còn không ít tồn tại, mốc thời gian ấn định bàn giao mặt bằng phải tiếp tục lùi lại. Theo ông Nguyễn Đăng Hưởng - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, người dân chưa chịu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ vì hầu hết cho rằng giá đền bù thấp. Phần khác, có hộ đã lập phương án nhưng còn một số thiếu sót, hoặc hộ bị ảnh hưởng chưa thống nhất với loại đất bị thu hồi, phải điều chỉnh từ đất vườn sang đất ở… Đưa lá đơn khiếu nại cho chúng tôi xem, ông Trương Ngọc Mỹ (thôn Đông Hải, xã Tam Anh Bắc) bày tỏ nghi ngờ việc áp giá đền bù của đơn vị thực hiện nhiệm vụ GPMB cho hộ mình có vấn đề khi lần đầu 169 triệu đồng, lần 2 “rơi” xuống còn 103 triệu đồng, lần 3 chỉ còn 101 triệu đồng. “Tiền hậu bất nhất” và cảm thấy một số quyền lợi khác chưa được giải quyết thỏa đáng, ông không đồng ý giao mặt bằng và làm đơn gửi đến UBND huyện Núi Thành.
Người dân thôn Bà Bầu, xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) mong sớm ổn định chỗ ở. Ảnh: C.T |
Trong 27,7km thuộc dự án thành phần 2 cần thực hiện GPMB, Núi Thành chiếm đến 24,5km; cộng thêm phải triển khai đồng thời nhiệm vụ này cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nên khối lượng công việc mà địa phương phải thực hiện khá lớn. Cũng vì “đi trước” GPMB QL1, Núi Thành không thể tránh khỏi những vướng mắc phát sinh ngoài tầm tháo gỡ. Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành - ông Nguyễn Văn Mau thừa nhận: “GPMB ở địa phương còn nhiều khiếm khuyết cần rút kinh nghiệm. Công tác này rất khó khăn, phức tạp, đụng chạm đến quyền lợi nhân dân mà huyện phải đảm nhận nhiều phần việc nên mong lãnh đạo tỉnh chia sẻ”. Tỉnh đã nhận thấy được những khó khăn vừa nêu, do đó đã bổ sung Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam vào cuộc GPMB cùng địa phương. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho rằng phương pháp tổ chức và cách làm ở Núi Thành còn lúng túng, nhiều tồn tại, vướng mắc chưa kịp thời tháo gỡ; chưa làm tốt công tác vận động nhân dân nên tiến độ chậm, chưa tập trung giải quyết TĐC.
Cần giải quyết linh hoạt
Ông Lê Văn Sinh - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT), Tổ trưởng tổ giúp việc Ban Chỉ đạo GPMB dự án mở rộng QL1 cho biết, đến thời điểm này, các địa phương đã bàn giao được 19,15/27,7km tại dự án thành phần 2, còn dự án thành phần 1 bàn giao được 14,97/28,2km. |
Đến thời điểm này, Tam Kỳ đã hoàn thành bố trí đất TĐC cho 17 hộ dân. Phú Ninh cơ bản hoàn thành khu TĐC chợ Hòa Tây và 10 hộ dân đã bốc thăm nhận đất. Ông Đặng Bá Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh chia sẻ: “Bắt đầu từ ngày 29.3, khu dân cư thương mại - dịch vụ Kỳ Lý đã được triển khai san nền để 18 hộ dân còn lại nhận đất xong trong ngày 10.4 tới. Chúng tôi sẽ kiên trì thuyết phục, linh hoạt vận động nhân dân chấp hành chủ trương chung, song với bối cảnh chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC hiện nay còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác GPMB thì mốc thời gian phấn đấu kể trên có thể thay đổi”. Ông Dự đơn cử, quy định hộ dân sở hữu 2 nhà cùng nằm trên địa bàn xã, nếu bị giải tỏa trắng 1 nhà thì không được bố trí TĐC. Trong khi đó, giá đền bù đất lại thấp hơn giá đất thị trường hoặc giá đất mua nơi khu TĐC tập trung.
Muốn GPMB đạt hiệu quả, sớm ổn định đời sống người dân thì TĐC (dự án thành phần 1 không có TĐC tập trung) cần đi trước một bước. Trong các cuộc họp liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu liên tục nhắc nhở các địa phương cần phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu được cái lợi của việc nhận suất đầu tư hạ tầng để họ tự tìm chỗ ở mới, giảm áp lực xây dựng khu TĐC tốn nhiều thời gian. Đồng thời chính quyền địa phương gặp vướng mắc phát sinh phải báo cáo ngay cho cấp trên có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ, không để “nước tới chân mới nhảy”. Thế nhưng, các khâu quan trọng này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến thực trạng TĐC “đi sau”, làm chậm tiến độ GPMB. Cạnh đó, công tác GPMB chậm còn do sự phối hợp giữa các bên liên quan chưa nhịp nhàng, đồng bộ, vai trò của các hội, đoàn thể cơ sở chưa phát huy đúng mức nên trong tháng 4 này khó bàn giao xong toàn tuyến thành phần 2 cho nhà đầu tư như Chính phủ đã chỉ đạo.
GPMB ở dự án thành phần 1 qua các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh qua khu vực đông dân cư gặp khó khăn vì liên quan đến nhà cửa, đất ở, vật kiến trúc của nhân dân. Sau thời gian đầu triển khai, các địa phương nhanh chóng bàn giao một số diện tích đất nông nghiệp, song đến thời điểm này, tiến độ GPMB qua khu vực đông dân cư bị chậm lại bởi nhiều vướng mắc phát sinh. Tại cuộc họp vào chiều 25.3, các huyện nói trên đã báo cáo với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu về một số khó khăn trong quá trình thực hiện, như việc chậm thẩm định sản phẩm đo đạc giải thửa từ phía ngành liên quan của tỉnh, cách xác định diện tích đất ở (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp hay theo thực tế đến mép đường nhựa)… Sau khi bàn các giải pháp tháo gỡ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đề nghị cần tiếp tục dựa vào các quy định của pháp luật, quy định của UBND tỉnh để giải quyết linh hoạt và vận động nhân dân ủng hộ bàn giao sớm mặt bằng cho đơn vị thi công. “Chính phủ đã chỉ đạo Quảng Nam phải bàn giao mặt bằng thành phần 1 xong trong tháng 5 này, chứ không phải tháng 6. Thời gian không còn nhiều, lãnh đạo các địa phương phải tận tâm, tận lực thực hiện nhiệm vụ được giao” - Phó Chủ tịch Đinh Văn Thu yêu cầu.
CÔNG TÚ