"Nhờn" luật

SÁU CÒI 18/03/2014 09:30

Thực tế hiện nay, nhiều người dân khi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự thường vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Biết rõ hành vi của mình là làm sai quy định của pháp luật, nhưng nhiều người cứ thản nhiên vi phạm và chỉ chấp hành nghiêm nếu thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông. Nhiều đối tượng còn sẵn sàng “nói không” với đội mũ bảo hiểm khi điều khiển, hoặc ngồi trên mô tô, xe gắn máy; thích thì chở ba, chở bốn, chạy vượt đèn đỏ, khỏi vòng qua bùng binh, đi ngược chiều đối đầu với ô tô…

Cần điều chỉnh từ những hành vi vi phạm nhỏ nhất.Ảnh minh họa
Cần điều chỉnh từ những hành vi vi phạm nhỏ nhất.Ảnh minh họa

Trong những trường hợp nêu trên,  “văn hóa xấu hổ” ở một số đối tượng đã dần dần biến mất theo mỗi lần vi phạm, thay vào đó là thực trạng “nhờn luật”. Với thành phần thích ăn chơi đua đòi hơn chăm lo đèn sách, việc bị phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng khi không đội mũ bảo hiểm; hoặc từ 200 - 400 nghìn đồng nếu vượt đèn đỏ… không còn quá quan trọng bởi nhờ có cha mẹ “trợ giúp”. Hoặc giả, lực lượng chức năng yêu cầu dừng lại, một số đối tượng ngay lập tức rút điện thoại gọi điện nhờ người thân xin giùm. Nếu cảm thấy bí quá, một số trường hợp quay ngược xe lại hoặc tuôn thẳng tới hòng chạy trốn...  

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng “nhờn luật” hiện nay không hẳn bởi  người thực thi công vụ chưa làm tròn chức trách của mình. Lỗi chính còn do các bậc cha mẹ quá nuông chiều con, vô tình khuyến khích con mình vi phạm pháp luật. Nhìn ở góc độ khác, sự quan tâm lo lắng và yêu thương, chăm sóc con theo kiểu này của phụ huynh lại hại chính bản thân chúng và cả gia đình. Nhiều mái ấm đã rơi vào cảnh tan cửa nát nhà cũng do chạy đôn chạy đáo từng bữa chạy chữa cho con bị tàn tật vì tai nạn giao thông. Đồng thời họ lại còn phải gồng gánh thêm chi phí rất lớn để đền bù cho gia đình nạn nhân. Bài học nhãn tiền ấy rất cần được các bậc cha mẹ quan tâm suy ngẫm để tìm ra hướng giáo dục con đúng cách.

SÁU CÒI

SÁU CÒI