Triển vọng Tân An

VĨNH LỘC 05/03/2014 13:41

Thị trấn Tân An (Hiệp Đức) vừa được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) giai đoạn đến năm 2015 và năm 2025, mở ra triển vọng để Tân An trở thành đô thị loại 4 trong những năm đến.

Hạ tầng giao thông sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị Tân An.
Hạ tầng giao thông sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị Tân An.

Mở rộng đô thị

Theo quy hoạch, thị trấn Tân An sẽ tăng diện tích từ 103,85ha hiện nay lên khoảng 251,70ha vào năm 2025, ranh giới phía đông giáp xã Bình Sơn; phía tây giáp xã Hiệp Thuận, xã Quế Bình; phía nam giáp xã Quế Lưu, xã Thăng Phước; phía bắc giáp xã Quế Thọ. Quy mô dân số đô thị phấn đấu tăng từ 3.308 người hiện nay lên 4.000 vào năm 2015 và 9.000 người năm 2025. Trong giai đoạn ngắn hạn, thị trấn sẽ phát triển về hướng đông - bắc và tây - nam gắn với công tác chỉnh trang, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng đô thị. Về dài hạn, phát triển mở rộng đô thị về phía bắc của Khe Cú. Cấu trúc đô thị Tân An được phát triển theo 3 trục giao thông chính, gồm tuyến quốc lộ 14E, tuyến trục trung tâm (quốc lộ 14E cũ) và tuyến theo hướng bắc - nam, kết nối khu vực đô thị hiện hữu với khu vực phía bắc Khe Cú. Các khu chức năng của đô thị được bố trí phân tán, dọc theo các trục không gian chính, trong đó khu công viên dọc khu vực Khe Cú là không gian cảnh quan tập trung, kết nối các khu chức năng của toàn đô thị. Ngoài ra, khu công cộng - dịch vụ đô thị sẽ được phát triển dọc trục giao thông trung tâm và trên trục giao thông chính đô thị theo hướng bắc - nam kết nối khu vực đô thị hiện hữu với phía bắc Khe Cú, quy mô diện tích đạt khoảng 29,5ha trong giai đoạn đến năm 2015 và đạt khoảng 37,7ha trong giai đoạn đến năm 2025. Cùng với đó, giai đoạn 2015 sẽ chỉnh trang các khu ở hiện trạng và mở rộng khu vực đông - bắc và tây - nam của khu trung tâm hiện nay, dự kiến đạt khoảng 94ha; giai đoạn đến 2025 sẽ tiếp tục phát triển các khu ở phía bắc Khe Cú, dự kiến diện tích đạt 122ha. Khu công viên cây xanh, công trình văn hóa, thể dục thể thao sẽ bố trí phân tán trong đô thị, diện tích dự kiến đạt khoảng 7,18ha vào năm 2015 và khoảng 40ha vào năm 2025; cụm công nghiệp sẽ được bố trí tại khu vực phía đông bắc của thị trấn với tổng diện tích khoảng 5,4ha vào năm 2015….

Ông Lê Viết Đinh, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hiệp Đức cho biết, dù quyết định UBND tỉnh đã ký nhưng vẫn còn một số chi tiết cần phải hoàn chỉnh trước khi công bố để người dân biết tránh vi phạm trong xây dựng. Đặc biệt, việc phê duyệt quy hoạch sẽ tạo cơ sở để Tân An hoàn thiện hạ tầng, giao thông, giúp thị trấn thật sự trở thành đô thị loại 5. “Hiển nhiên Tân An là đô thị loại 5 vì không có đô thị loại 6 nhưng theo các tiêu chí của đô thị loại 5 thì vẫn còn thiếu nhiều cần phải bổ sung hoàn chỉnh” - ông Đinh nói.

Giải pháp nguồn vốn

Theo ông Nguyễn Hoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, để triển khai các hạng mục trong đề án quy hoạch, thời gian đến huyện sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trước mắt là hạ tầng giao thông vì đây là yếu tố quan trọng nhất của đô thị. Bên cạnh tuyến đường “xương sống” cắt ngang nội thị Tân An đang được gấp rút thi công hoàn thành cuối năm 2014 thì 2 tuyến đường khác của Tân An gồm một tuyến giáp quốc lộ 14E chạy về hướng tây và nam qua các khối phố An Nam, An Trung và An Bắc và tuyến đường phía bắc kéo dài từ Trường Tiểu học Lê Văn Tám đến Trường THCS Phan Bội Châu cũng sẽ được triển khai xây dựng. Ngoài ra, việc giải tỏa di dời các công trình như bến xe, nhà máy cao su ra khỏi nội thị cũng đang trong giai đoạn thỏa thuận tìm vị trí mới…. “Khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn” - ông Hoa nói.

Thực tế, ngoài tuyến đường chạy ngang nội thị Tân An được triển khai năm 2012 từ nguồn ngân sách nhà nước là 78 tỷ đồng, các tuyến còn lại như tuyến phía bắc Tân An (chiều dài 2km, rộng 15m) có chức năng tránh lũ, kinh phí dự kiến khoảng 60 tỷ đồng; nhánh tây nam đi qua khu phố An Nam, An Trung, An Bắc, kinh phí hàng chục tỷ đồng dù đã lập hồ sơ thiết kế dự án nhưng vẫn đang chờ nguồn. “Huyện đang đề nghị tỉnh và Trung ương hỗ trợ cũng như cân đối bổ sung các nguồn vốn nằm trong chương trình mục tiêu phát triển vùng; mục tiêu kết cấu hạ tầng công nghiệp; chương trình 30C… để hỗ trợ xây dựng hạ tầng đô thị” - ông Hoa cho biết thêm.

Để đáp ứng tiêu chuẩn đô thị, ngoài việc thay đổi cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Hiệp Đức cũng đang xúc tiến thu hút dân cư phát triển cơ học từ các vùng lân cận. Đặc biệt, việc các dự án nhà máy như dăm gỗ; Nhà máy chế biến tinh bột giấy khô hay Nhà máy May Hiệp Đức (thuộc Cụm công nghiệp Nam An Sơn) đã đang từng bước đi vào hoạt động không chỉ giải quyết việc làm cho người dân thị trấn mà còn thu hút một lượng lớn công nhân từ các vùng khác đến làm việc sinh sống tại Tân An. Ông Hoa nói: “Quy hoạch thị trấn Tân An đã được huyện xây dựng từ năm 2008, việc UBND tỉnh phê duyệt sẽ tạo cơ sở pháp lý để huyện triển khai theo lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào nguồn vốn phân bổ đầu tư từ tỉnh cũng như Trung ương vì Hiệp Đức vẫn còn là huyện nghèo”.

Đề án quy hoạch phát triển đô thị Tân An đã được phê duyệt, dù còn những hạn chế khó khăn về nguồn vốn nhưng hứa hẹn sẽ tạo nên diện mạo mới cho đô thị trong tương lai; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Tân An trở thành đô thị loại 4 có hạ tầng phát triển đồng bộ, dân cư ổn định, dân số đạt chuẩn theo quy định như nghị quyết của Huyện ủy Hiệp Đức đã đề ra.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC