Đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng
Ba năm qua (2011-2013), Quảng Nam đã huy động mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiệu quả; các cấp, các ngành đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện. Trong 3 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể, có bước đi thích hợp, tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng theo hướng ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự đột phá cho sự phát triển.
Đồng bộ và hiệu quả
Từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, ODA, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác, 3 năm qua, các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản được đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới; hình thành mạng lưới giao thông thông suốt từ quốc lộ đến tỉnh lộ, kết nối đường Hồ Chí Minh; từ trung tâm tỉnh đến các huyện, thành phố và đến trung tâm các xã vùng cao.
Triển khai thi công dự án mở rộng quốc lộ 1 Tam Kỳ - Núi Thành . Ảnh: ĐẶNG HÙNG |
Năm đầu tái lập tỉnh, ngoài hệ thống quốc lộ 1, các tuyến quốc lộ và đường tỉnh trên địa bàn mới đạt 32% đường nhựa thì đến nay đã nhựa hóa 100%; 100% các tuyến đường huyện là đường đất thì đến nay đã đạt trên 80% đường nhựa hoặc bê tông xi măng. Chương trình đầu tư phát triển giao thông nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai rộng khắp, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với cơ chế tỉnh, huyện, xã hỗ trợ một phần từ ngân sách, nhân dân đóng góp xây dựng, tự kiểm tra giám sát về chất lượng công trình. Chủ trương này được các địa phương và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ hệ thống đường liên thôn, liên xã hầu như là đường đất, đến nay cơ bản hoàn thành hơn 1.000/1.400km đường được bê tông hóa, đạt 71% kế hoạch đề án đến năm 2015 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh.
Một số công trình giao thông trọng điểm, như cầu Cửa Đại nối tuyến giao thông Hội An - Núi Thành đang tập trung nguồn vốn để cơ bản hoàn thành trước 2015; cầu Gò Nổi đã khánh thành đưa vào sử dụng, dự án 3 tuyến đường cứu nạn cứu hộ huyện Thăng Bình - Tam Kỳ - Núi Thành đang tiếp tục triển khai, đẩy nhanh tiến độ; đường Nam Quảng Nam đã chuyển thành quốc lộ 40B, cơ bản đã đầu tư xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1, tiếp tục thúc đẩy đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 2 vào những năm đến. Dự án mở rộng quốc lộ 1 (85km) và dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất đoạn qua địa bàn tỉnh đang được tích cực triển khai, đã và đang tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện dự án đảm bảo tiến độ.
Cùng với những đột phá về hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được tiếp tục tập trung đầu tư. Bằng nguồn vốn ngân sách cấp hơn 3.880 tỷ đồng, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai đã tích cực triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện để thu hút đầu tư. Bốn khu công nghiệp khác đang hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư dự án, trong đó hoàn thiện nhất là Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Các công trình hạ tầng thiết yếu tại khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang được đầu tư, như san ủi mặt bằng, đường giao thông và hệ thống thoát nước, cấp nước, điện, nhà công vụ, trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu với tổng vốn đầu tư qua các năm trên 110 tỷ đồng.
Hạ tầng du lịch những năm qua đã có bước phát triển đột phá, kết cấu hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư phát triển, hạ tầng đô thị - nông thôn được chú trọng, hàng chục công trình quốc phòng, khu vực phòng thủ, đường biên giới trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới. Nhìn chung, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có bước phát triển toàn diện, cải thiện đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh, đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn.
Trọng điểm đầu tư
Nhiều khó khăn Do khó khăn chung của nền kinh tế nên nguồn vốn đầu tư những năm qua bị hạn chế, nhiều công trình dự án phải kéo dài, chậm tiến độ. Nhiều trường học, trạm y tế, công trình công cộng tại các địa phương đã xuống cấp nhưng chưa có nguồn vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới. Một số công trình trọng điểm của tỉnh như cầu Cửa Đại, cầu Kỳ Phú 1, cầu Kỳ Phú 2, các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, Bảo tàng tỉnh, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng chưa có nguồn vốn đáp ứng theo tiến độ và khối lượng thực hiện. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tuy có tiến bộ nhưng việc kiểm soát, giám sát đầu tư, quyết định đầu tư có lúc chưa chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải vẫn còn xảy ra, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số địa phương còn ở mức cao; tình trạng chiếm dụng vốn, kéo dài thời gian thi công ở một số dự án chưa chấn chỉnh kịp thời; hiệu quả sử dụng một số dự án chưa đạt mục tiêu thiết kế. Công tác quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn chưa được rà soát thường xuyên để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với yêu cầu phát triển và ổn định lâu dài. |
Tuy đạt nhiều thành quả trong xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng so với yêu cầu phát triển thì vẫn còn quá nhiều việc phải làm trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ. Định hướng tổng quát là cần tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành các công trình trọng điểm vào năm 2015, như: cầu Cửa Đại; thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án mở rộng quốc lộ 1 và dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua địa bàn Quảng Nam) để bàn giao cho nhà đầu tư đúng kế hoạch. Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ các địa phương hoàn thành chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2012-2015, nâng cấp, sửa chữa các tuyến ĐH, xây dựng mạng lưới giao thông thông thương thuận lợi giữa các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Song song với việc huy động các nguồn lực, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị - nông thôn làm cơ sở hoạch định đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế, khai thác được tiềm năng, lợi thế sẵn có theo định hướng phát triển bền vững.
Ngoài ra, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế mở Chu Lai và các khu, cụm công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh gắn với đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư để phát huy hiệu quả, không để lãng phí về tài nguyên, đất đai. Đặc biệt, tranh thủ nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị TP.Tam Kỳ và TP.Hội An; thu hút các nguồn vốn để xây dựng huyện Điện Bàn thành thị xã và đô thị Núi Thành. Ưu tiên tăng nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi, hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, các công trình nước sạch hợp vệ sinh ở nông thôn.
Bên cạnh đó chú trọng đầu tư các công trình hạ tầng xã hội. Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên. Trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo ở trường Đại học Quảng Nam, trường Chính trị tỉnh, các trường cao đẳng, trường dạy nghề, trường THPT trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26.4.2013 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2014; tiếp tục hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo; thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, các công trình nhà trẻ, trường mẫu giáo, trạm y tế... ổn định đời sống cho người lao động tại các khu công nghiệp.
ĐINH VĂN THU
(Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)