Dự án mở rộng đường ĐT610B qua xã Điện Trung: Cần tiếng nói chung

PHƯƠNG GIANG 12/11/2013 08:41

Dự án mở rộng tỉnh lộ ĐT610B đoạn qua trung tâm xã Điện Trung (huyện Điện Bàn) đang gặp vướng mắc khi chính quyền xã và 3 hộ dân không tìm được tiếng nói chung trong việc giải phóng mặt bằng.

Việc thi công mở rộng tuyến đường đang gặp khó khăn do 3 hộ dân không đồng ý giải tỏa. Ảnh: Phương Giang
Việc thi công mở rộng tuyến đường đang gặp khó khăn do 3 hộ dân không đồng ý giải tỏa. Ảnh: Phương Giang

Vướng giải tỏa

Theo phê duyệt ban đầu, tỉnh lộ ĐT610B qua các xã Điện Trung, Điện Phong, Điện Quang (Điện Bàn) có chiều rộng mặt đường là 7m. Riêng đoạn đường qua trung tâm xã Điện Trung dài khoảng 800m, được UBND xã Điện Trung, UBND huyện Điện Bàn kiến nghị mở rộng thành đường hai chiều, chiều rộng mặt đường tính cả dải phân cách là 19m. Được xem là một trong những công trình nhằm hướng tới xây dựng xã nông thôn mới, chủ trương này được người dân đồng tình ủng hộ. Qua khảo sát lấy ý kiến, tổng cộng 37 hộ dân hai thôn Đông Lãnh và Nam Hà 2 đã đồng ý ký vào bản cam kết tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc trên đất để giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường, được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 3 hộ dân của thôn Đông Lãnh lại có đơn kiến nghị không đồng ý giải tỏa để thi công tuyến đường vì cho rằng đại diện UBND xã Điện Trung, UBND huyện Điện Bàn không thực hiện đúng thỏa thuận ban đầu với các hộ dân này.

Ông Đoàn Thảo, một trong 3 hộ dân không đồng ý giải tỏa cho rằng, khi thỏa thuận hiến đất, hiến vật kiến trúc trên đất, gia đình ông yêu cầu di dời đường dây điện hạ thế đi ngang qua nhà đang ở, hoặc thi công âm dưới mặt đường để đảm bảo an toàn mới đồng ý giải tỏa mặt bằng. Hai hộ dân liền kề là gia đình ông Huỳnh Hảo và gia đình ông Trần Văn Đáo kiến nghị UBND xã phải hỗ trợ hoặc cấp một lô đất mới với giá ưu đãi do phải giải tỏa trắng hai căn nhà đang làm nơi buôn bán của mình. Cho rằng UBND xã không đồng ý với thỏa thuận ban đầu khi vận động hiến đất, nhà và tài sản trên đất, 3 hộ dân này đã có đơn kiến nghị, trong đó ông Đoàn Thảo mặc dù đã đồng ý ký vào biên bản cam kết hiến đất nhưng vẫn tiếp tục ngăn cản không cho đơn vị thi công tiến hành giải tỏa như đã cam kết. Khi vụ việc chưa được giải quyết, mới đây, ngày 20.10, đơn vị thi công đã cho múc một đoạn rãnh sâu hơn 1,2m, dài gần 50m ngay trước căn nhà của 3 gia đình đang ở, gây cản trở, nguy hiểm cho 3 hộ dân này. Không đồng ý với cách giải quyết của UBND xã Điện Trung, 3 gia đình đã làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền yêu cầu giải quyết.

Tiếp tục vận động

Trao đổi với P.V Báo Quảng Nam, ông Phạm Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung cho biết, xã đã có 27 lần làm việc với 3 gia đình trong các cuộc họp chung, cũng như làm việc riêng để vận động 3 gia đình hiến đất, tài sản trên đất theo chủ trương tự nguyện, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đối với kiến nghị của gia đình ông Đoàn Thảo, UBND xã đã yêu cầu điện lực bọc dây dẫn kín thay vì chạy dây trần, thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho gia đình ông như cam kết. Việc thi công âm đường dây điện dưới mặt đường là không thể thực hiện do các yếu tố kỹ thuật không đảm bảo như yêu cầu của gia đình ông. Đối với 2 hộ còn lại, UBND xã cũng thống nhất chủ trương tạo điều kiện cấp đổi lại lô đất với giá ưu đãi, tuy nhiên các hộ dân này phải đóng thuế và thực hiện các thủ tục cấp đổi đất theo quy định. Xã cũng đã đề xuất hướng giải quyết vận động nhân dân, các đoàn thể đóng góp ngày công tháo dỡ, xây dựng lại mặt bằng cho các hộ dân này buôn bán kinh doanh nhưng đến nay 3 hộ dân vẫn chưa thống nhất với cách giải quyết của xã. “Để đảm bảo công bằng, tôn trọng lợi ích của các hộ dân khác đã tự nguyện hiến đất, tài sản và bàn giao mặt bằng thi công, chúng tôi đã nhiều lần làm việc, vận động 3 hộ dân này chấp hành. Xã không có nguồn và cũng không thể tiến hành đền bù cho 3 hộ dân này vì sẽ đi ngược lại với tinh thần tự nguyện của hàng chục hộ dân khác” - ông Sơn nói.

Riêng việc thi công đào rãnh trước nhà 3 hộ dân này, ông Sơn cho biết có thể do đơn vị thi công tranh thủ thực hiện gói thầu để đẩy nhanh tiến độ. “Trước mắt chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với bên nhà thầu, ban nhân dân thôn và các cơ quan chức năng tiếp tục vận động. Về việc đường rãnh có thể gây nguy hiểm cho các hộ dân, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công đổ đất và xem xét tiến hành tạm thời san lấp để đảm bảo an toàn nếu vẫn chưa thỏa thuận được với 3 hộ này. Quần chúng nhân dân trong thôn cũng kiến nghị xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhưng đến nay giữa chính quyền và các hộ dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung” - ông Sơn cho biết.

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG