Không gương mẫu, ai noi theo?
Trong báo cáo mà các địa phương và đơn vị soạn thảo hàng năm, nội dung đại loại như “cán bộ - viên chức cơ quan luôn nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật” chắc hẳn sẽ được đề cập. Song ở không ít nơi, nhận định này chỉ mang tính hình thức và chủ yếu cho đẹp câu chữ. Bởi qua thâm nhập thực tế, Sáu Còi nhận thấy, việc cán bộ, công nhân viên chức chưa tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông là thực trạng đang khá phổ biến.
Kiểm lâm viên thường xuyên đội mũ vải đi làm nhiệm vụ. |
Một cảnh sát giao thông ở huyện miền núi Nam Giang kể rằng, chuyện cán bộ kiểm lâm tại địa phương đi làm nhiệm vụ bằng xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm diễn ra như cơm bữa. Đầu đội mũ vải, họ cứ thản nhiên điều khiển phương tiện đi nghênh ngang trên các tuyến giao thông chính, ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” trước hàng trăm ánh mắt của người dân bản địa. Là chỗ thân quen, đội tuần tra nhiều lần nhắc nhở, khuyên nhủ nhưng những người này vẫn chứng nào tật nấy. Thực tế trên rất đáng lo ngại, “cán bộ đi trước, làng nước đi sau” mà như vậy thì người dân cứ nhìn vào đó mà “noi gương” sẽ hỏng hết. Biết bao công sức ngành chức năng bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật liên quan cho đồng bào vùng sâu vùng xa nhưng vì lý do này nên khó phát huy tác dụng.
Xuôi về đồng bằng, có chuyện rằng một cán bộ lãnh đạo làm công tác văn hóa thông tin cấp huyện “cậy” nơi ở gần công sở nên thường xuyên không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Trước nhà là trường mầm non, phụ huynh lúc đưa đón con đều nhìn thấy rõ ràng người này không gương mẫu tuân thủ quy định của pháp luật. Nói rộng hơn, nhiều cán bộ nắm giữ các cương vị khác nhau, kể cả người hàng ngày gắn bó cùng bà con địa phương như bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu phố cũng không ngần ngại “xé rào” chở ba, chở bốn vừa lái xe vừa điện đàm. Lẽ ra trên cương vị của mình, họ phải cẩn trọng từng cử chỉ, lời nói và hành động; không thể để hình ảnh phản cảm kia đi ngược lại với nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông. Một giáo viên công tác ở trường THCS Mỹ Hòa (Đại An, Đại Lộc) có lần tâm sự rằng, công tác tuyên truyền trực quan đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục trật tự an toàn giao thông. Ai có chức vụ thì càng phải gương mẫu đi đầu, người dân nhìn vào hành động đó của mình mới tin tưởng, cảm phục làm theo.
SÁU CÒI