Đường và thủy điện

SÁU CÒI 08/10/2013 14:24

Quảng Nam có địa bàn rộng, hạ tầng giao thông (HTGT) còn nhiều khó khăn. Vì thế, nơi nào đường đi lại thuận tiện, công trình mới hoàn thành, người dân rất phấn khởi. Vậy nhưng, các dự án nhà máy thủy điện xuất hiện cũng là lúc thêm nhiều nguy cơ cho HTGT. Trong thời gian thi công, chủ đầu tư và nhà thầu cho xe siêu trường, siêu trọng chở nguyên vật liệu, máy móc thiết bị đến chân công trường với tải trọng gấp hơn nhiều lần cho phép khiến mặt đường sụt lún, hư hỏng; người dân và chính quyền địa phương gặp khó khăn. Nhiều đoạn trên tuyến vốn nền ổn định, song khi thủy điện tích nước đã không còn giá trị sử dụng vì ngập. Chủ đầu tư phải chỉnh tuyến, nhưng đoạn đường mới được đưa vào sử dụng liền bị sạt lở, xuống cấp trầm trọng. “Trả lại đường” cho nhân dân lưu thông an toàn, “gỡ” nút thắt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương phải “đòi” phí bảo trì từ chủ đầu tư, song không hề dễ dàng như cam kết.

Nhiều đoạn trên tuyến ĐT609 thường xuyên bị ngập nước do lũ lụt. Ảnh: S.C
Nhiều đoạn trên tuyến ĐT609 thường xuyên bị ngập nước do lũ lụt. Ảnh: S.C

Mấy ngày qua, thủy điện tiếp tục “gây khó” người dân và lãnh đạo các địa phương. Mực nước sông Vu Gia đo được tại Ái Nghĩa dâng cao do nhiều thủy điện xả lũ khiến người dân Đại Lộc lại tất tả di dời ngay trong đêm khuya. Một số tuyến đường huyết mạch vùng hạ du chỉ cần nước dâng ở mức báo động 2 đã bị ngập sâu. Lớp bùn non trên bề mặt chưa khô, con đường lại hứng chịu một đợt lũ mới chính. Liên tục ngập chìm trong nước, nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện và nội thị càng nhanh xuống cấp. Người dân đặt ra câu hỏi: Tại sao các nhà máy không xả tràn từ từ trước đó, mà lại tập trung cùng một ngày với lưu lượng xả lớn khiến cho lũ chồng lũ. Có lẽ, câu trả lời chắc chắn không dành cho chính quyền các địa phương, bởi vì họ cũng bày tỏ thắc mắc như vậy!

SÁU CÒI

SÁU CÒI