Chấn chỉnh kinh doanh vận tải bằng ô tô: Biện pháp chưa đủ mạnh!

CÔNG TÚ 24/09/2013 13:31

Cạnh tranh không lành mạnh, khoán trắng cho lái xe, buông lỏng quản lý… là những bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô mà các ngành chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh.

Bát nháo

Trước tình trạng dịch vụ xe khách phát triển nhan nhản, nhiều chủ xe cạnh tranh bằng cách “rải” người dọc tuyến quốc lộ 1 để kịp thời theo dõi, nắm bắt thông tin di chuyển của các xe khác; địa điểm có người đang đứng chờ đón xe; khu vực nào có cảnh sát giao thông đang bắn tốc độ… rồi báo qua điện thoại cho người khai thác cùng tuyến biết để kịp thời đối phó. Trao đổi với chúng tôi, một thanh niên (giấu tên) làm cho hãng xe Xuân Tùng chạy tuyến Đà Nẵng - TP.Hồ Chí Minh, xe Kim Liên khai thác tuyến Quy Nhơn (Bình Định) - Đà Nẵng và một số nhà xe khác cho biết, mỗi sáng, anh ta ra bến xe Đà Nẵng sẽ có người của chủ phương tiện cho tiền, bình quân khoảng 200.000 đồng/ngày. “Nếu đứng điểm mà gặp khách đang chờ đón xe của hãng khác song chưa mua vé, tôi sẽ có cách mời mọc, thuyết phục họ thay đổi ý định. Nếu mời được khách, nhà xe trích lại cho tôi tiền phần trăm kha khá”, người thanh niên cho biết thêm. Câu chuyện trên cho thấy, hoạt động KDVT khách đang diễn ra xô bồ, cạnh tranh không lành mạnh. Chủ xe, lái xe còn theo dõi hoạt động từ phía lực lượng chức năng nhằm tìm cách đối phó dẫn đến tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành giữa các phương tiện, gây mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Xe chở hàng gây tai nạn trên quốc lộ 1. Ảnh: C.T
Xe chở hàng gây tai nạn trên quốc lộ 1. Ảnh: C.T
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23.6.2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; Chỉ thị số 16/CT-BGTVT ngày 28.8.2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động KDVT bằng ô tô, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3557/KH-UBND nhằm kiểm tra, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động KDVT bằng ô tô trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải, chủ xe trong việc quản lý lái xe, quản lý phương tiện, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về điều kiện KDVT bằng ô tô. Chú trọng công tác đảm bảo TTATGT, góp phần giảm thiểu xảy ra tai nạn giao thông. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của các ngành liên quan. UBND tỉnh giao cho Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra toàn diện hoạt động của các đơn vị KDVT bằng ô tô bắt đầu trong tháng 9 năm nay.

Chưa kể tình trạng xe dù, chở khách dưới dạng xe hợp đồng để trốn thuế, hiện tượng chủ doanh nghiệp giao khoán trắng cho lái xe toàn bộ quá trình KDVT, kể cả vận tải hàng hóa hiện nay đã ở trên mức báo động. Một tài xế điều khiển xe tải tên Phú cho hay, chủ DN mình nhận đơn đặt hàng vận chuyển nguyên, vật liệu thi công công trình quy định lái xe chạy bao nhiêu chuyến/ngày mới đủ chỉ tiêu. Điều đó khiến anh không còn cách nào khác phải chạy nhanh nhằm đảm bảo ngày công. Anh Phú thông tin, ăn “trong” chưa đủ, có lái xe còn “tranh thủ” tìm đối tác bên ngoài để chở vật liệu ra bán riêng cho họ đặng kiếm thêm chút đỉnh, gây thất thoát của công. Những tài xế điều khiển xe vận chuyển công-ten-nơ đoạn nào có công an đứng chốt hoặc phát hiện lực lượng chức năng đang bắn tốc độ thì cho xe đi chậm lại. Nếu ngoài “vùng phủ sóng”, tài xế sẽ chạy với tốc độ nhanh nhằm bù lại thời gian…
Chưa có lời giải hữu hiệu

Thực trạng trên diễn ra trước hết do công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Nhiều trường hợp vi phạm không được xử lý nghiêm, đặc biệt là vi phạm các quy định về đảm bảo TTATGT, hợp đồng lao động và quản lý thời gian lái xe. Thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện một số đơn vị KDVT không thực hiện đúng phương án kinh doanh đã đăng ký, khoán trắng cho lái xe, bán thương hiệu, không có bộ phận phụ trách an toàn giao thông song chỉ mới dừng lại ở việc nhắc nhở, xử phạt mức độ nhẹ. Quy định bắt buộc đơn vị KDVT phải gắn thiết bị giám sát hành trình đã có hiệu lực, nhưng cơ quan liên quan chưa thực hiện việc tích hợp các dữ liệu từ thiết bị để tiến hành giám sát, phân tích, đánh giá xử lý vi phạm quản lý chất lượng dịch vụ và công tác đảm bảo an toàn giao thông về tốc độ, hành trình và thời gian lái xe liên tục. Xe lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định không đảm bảo vẫn được cấp phù hiệu hoạt động.

Ngoài ra, các đơn vị, cá nhân KDVT còn lơ là việc kiểm tra sức khỏe cũng như chấp hành tổ chức tập huấn, giáo dục đạo đức cho người lái xe và nhân viên phục vụ trên xe chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT. Cạnh đó, các bến xe chủ yếu làm dịch vụ, ký sổ nhật trình. Ở một số nơi, những người có trách nhiệm còn tỏ ra dễ dãi trong kiểm tra trước khi cho xe xuất bến. Ông Trần Thanh An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam cho biết: “Lĩnh vực vận tải hiện nay có nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động. Trong khi lượng khách cũng như lưu thông hàng hóa giảm, phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh ít được đầu tư mới vì thiếu vốn, dẫn đến không đủ mạnh để cạnh tranh với địa phương bạn. Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam hoạt động chưa mạnh, chưa đi vào chiều sâu và tạo sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp hội viên. Vì vậy, làm thế nào để thu hút họ tham gia đông đủ, quy về một mối nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vai trò quản lý về giao thông vận tải đường bộ vẫn chưa tìm ra lời giải thỏa đáng”.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ