Kiểm soát xe quá khổ, quá tải: Lực lượng chức năng gặp khó
Nhiều con đường giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh đang bị hư hỏng do xe chở hàng quá khổ, quá tải gây ra, trong khi đó lực lượng chức năng vẫn đang gặp khó về thực hiện việc kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm này.
Vi phạm tràn lan
Mặt đường nhiều tuyến giao thông trọng điểm lên các địa phương miền núi như quốc lộ 14E, 14D, 14G (ĐT604 cũ), ĐT616, ĐT611, ĐT609… bị “cày” nát bởi những xe tải chở trang thiết bị máy móc, nguyên vật liệu phục vụ thi công các công trình thủy điện hay vận chuyển gỗ keo lai, gỗ tận thu quá khổ quá tải. Những ngày qua, Thanh tra GTVT (Sở GTVT) đã tăng cường tuần tra và xử lý các hành vi người điều khiển phương tiện chở quá khổ, quá tải trọng cho phép lưu thông trên tuyến đường bộ do tỉnh, Trung ương ủy thác quản lý.
Những xe chở hàng như thế này sẽ khiến đường sá nhanh xuống cấp. Ảnh: C.T |
Theo chân Đội Thanh tra giao thông số 2 - Thanh tra GTVT đi kiểm tra một số tuyến giao thông trọng điểm, đến đâu chúng tôi cũng chứng kiến cảnh xe tải vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Khoảng 5 cây số từ Km 16 - 21 (quốc lộ 14E), lực lượng chức năng đã phát hiện 7 xe chở hàng hóa xếp lệch, quá chiều dài xe, hoặc quá tải trọng cho phép thiết kế của xe (6 xe vận chuyển gỗ keo lai). Đặc biệt có một phương tiện mà tài xế trước đó đã bị Công an tỉnh, Công an huyện Hiệp Đức tạm giữ giấy phép lái xe và giấy đăng ký xe, chỉ “sót” mỗi sổ kiểm định. Trên tuyến ĐT611, Thanh tra GTVT ra tín hiệu dừng lại tại Km32 một xe chở cừ sắt dùng đóng khung vây để thi công hố móng. Qua kiểm tra, phương tiện này đã vi phạm vận chuyển hàng gần gấp đôi tải trọng thiết kế. Giữa lúc Thanh tra viên đang thực thi công vụ, lại 2 xe chất gỗ keo cao ngất ngưởng nối đuôi nhau lách đi trên mặt đường nhỏ hẹp của tuyến.
Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2 - ông Trương Văn Sơn cho hay, thực trạng xe chở quá khổ, quá tải trọng cho phép lưu thông trên các tuyến giao thông qua địa bàn tỉnh diễn biến với số lượng ngày càng tăng và rất phức tạp. Vì lợi ích trước mắt, nhiều chủ DN, lái xe đã xem thường các quy định của pháp luật, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến các công trình đường, cầu nhanh xuống cấp, gây hư hỏng và giảm tuổi thọ so với mục tiêu thiết kế đề ra.
Khó xử lý
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã có công văn đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Vận tải hàng hóa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các DN xuất khẩu hàng hóa, DN vận tải, các cảng biển, cảng sông, các cơ quan thông tấn báo chí ủng hộ, đồng thuận chủ trương đúng đắn của Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý xe ô tô chở hàng hóa quá khổ, quá tải trọng lưu hành trên đường bộ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến tận các DN xuất khẩu hàng hóa, DN vận tải, các cảng biển, cảng sông, các chủ hàng, chủ xe, lái xe chấp hành pháp luật về tải trọng xe. Lựa chọn cách sắp xếp hàng hóa và loại hình vận tải phù hợp để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, không vi phạm tải trọng quy định. Có cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; xếp hàng, chở hàng đúng trọng tải quy định để góp phần giữ gìn cầu, đường khai thác được bền dài và đảm bảo an toàn giao thông. |
Trong khi chờ đợi đợt cao điểm được thực hiện, lực lượng chức năng vẫn đang gặp không ít khó khăn. Ông Trương Văn Sơn cho hay, Thanh tra GTVT không được trang bị công cụ hỗ trợ, cộng thêm việc người điều khiển phương tiện nhiều lúc trốn tránh, đóng cửa xe bỏ đi không hợp tác. Nếu một xe bị dừng lại kiểm tra, ngay lập tức, những xe đang ở phía sau đã nhận được điện thoại báo tin sẽ tấp vào một cây xăng hay bãi đất trống nào đó bên vệ đường để tránh trớ. Chưa kể, ngành chức năng mới trang bị được 1 cân chuyên dụng có dung trọng cân nhỏ hơn 10 tấn. Muốn biết được phương tiện vi phạm tải trọng hay không, các Thanh tra viên chủ yếu xử lý dựa theo hóa đơn bán hàng, theo khối lượng riêng của một số mặt hàng phổ thông, theo hồ sơ thiết bị máy thi công cơ giới…, rồi kết hợp nhiều yếu tố mới xác định trọng tải hàng hóa của xe. Nhiều loại hàng hóa chỉ có thể ước lượng tương đối, người thực thi công vụ cũng đành “bó tay” vì không có cân dung trọng lớn hơn. Còn theo ý kiến chung của các ngành chức năng, theo quy định một phương tiện vi phạm như thế thì bắt buộc phải hạ tải. Song trong thực tế rất khó triển khai vì chưa có nguồn kinh phí thuê thiết bị thực hiện hạ tải, kho bãi để hạ tải, chi phí trông coi, bảo quản hàng hóa...
Theo ông Trương Văn Cận - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, xe chở quá khổ, quá tải trọng cho phép đã và đang làm giảm hiệu quả đầu tư, gây tốn kém chi phí rất lớn cho ngành đường bộ trong việc sửa chữa, khắc phục hậu quả. Chủ trương tăng cường kiểm soát, xử lý triệt để thực trạng trên là đúng đắn, nhưng cách làm như thế nào cũng rất quan trọng. “Chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp nhằm nghe các ý kiến thảo luận, góp ý vào giải pháp thực hiện nhằm tránh gây ùn tắc giao thông, địa điểm cân tải trọng, kinh phí hạ tải và bảo quản hàng hóa; đồng thời tìm ra cách tháo gỡ nếu gặp vướng mắc xảy ra trong quá trình triển khai. Ban ATGT tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh trang bị một cân chuyên dụng với kinh phí khoảng gần 300 triệu đồng” - ông Trương Văn Cận cho biết.
CÔNG TÚ