Quy hoạch chung xây dựng đô thị Thạnh Mỹ - Bến Giằng: Nhìn về tương lai

CÔNG TÚ 06/08/2013 08:28

Theo quy hoạch (QH) chung đô thị Thạnh Mỹ - Bến Giằng, trung tâm hành chính (TTHC) huyện Nam Giang sẽ được chuyển dời từ Bến Giằng (xã Cà Dy) về thị trấn Thạnh Mỹ với nhiều yếu tố thuận lợi, tạo hướng phát triển trong tương lai.

Tốc độ đô thị hóa tại thị trấn Thạnh Mỹ diễn ra mạnh mẽ.                                                                                                                             Ảnh: Công Tú
Tốc độ đô thị hóa tại thị trấn Thạnh Mỹ diễn ra mạnh mẽ. Ảnh: Công Tú

Định hình đô thị

Tháng 8.2011, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập QH chung xây dựng đô thị Thạnh Mỹ - Bến Giằng, giai đoạn đến năm 2015 và 2025. “Trên cơ sở phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh cũng như đơn vị tư vấn, chúng tôi đã khẩn trương tiến hành các bước triển khai lập đồ án QH chung. Tại kỳ họp thứ 5, HĐND huyện khóa X, các đại biểu đã tán thành thông qua đề án QH chung xây dựng đô thị Thạnh Mỹ - Bến Giằng giai đoạn đến năm 2020 và 2030” - ông A Lăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ.

Ranh giới QH của đô thị được xác định dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 10km. Thạnh Mỹ - Bến Giằng giáp với xã Đại Sơn (Đại Lộc) về phía đông, phía tây giáp xã Ta Bhing, phía nam giáp thôn Pà Căng (xã Cà Dy) và giáp Đông Giang về phía bắc. Đô thị trung tâm cấp huyện này khi hình thành là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của Nam Giang, đóng vai trò đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14D qua địa bàn huyện. Đồng thời, đô thị này còn kết nối 2 huyện Đông Giang, Đại Lộc, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang và TP.Đà Nẵng.

Ông Bùi Công Lượng - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Nam Giang nhận định, Thạnh Mỹ - Bến Giằng có vị trí thuận lợi về nhiều mặt. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) sẽ được quy hoạch, phát triển dọc theo quốc lộ 14B (giáp Đại Lộc), trên cơ sở động lực là nhà máy xi măng Thạnh Mỹ. Nhờ quỹ đất dồi dào, cảnh quan tự nhiên đặc trưng, phía bờ tây sông Cái được kỳ vọng kết hợp với đô thị hiện hữu, từng bước hình thành đô thị 2 bên sông, xây dựng các khu dân cư mới mang bản sắc địa phương. Ngoài ra, trục giao thông xương sống đường Hồ Chí Minh cùng với đường Đông Trường Sơn sẽ tạo cơ sở hình thành một khu phát triển mới trong cấu trúc toàn đô thị Thạnh Mỹ. Quỹ đất tập trung chủ yếu tại Khe Rọm thuộc thôn Dung, thôn Mực và một phần thôn Pà Dấu 1. Giới hạn từ tuyến đường Hồ Chí Minh tiến về phía bờ sông Cái, thôn Pà Dấu 1 là khu vực được xác định có khả năng phát triển đô thị nhờ lợi thế về diện tích tự nhiên tương đối lớn, ít nguy cơ ô nhiễm, cảnh quan đẹp.

Điểm nhấn Thạnh Mỹ

Chủ trương di dời TTHC từ Bến Giằng về lại thị trấn Thạnh Mỹ là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị ở huyện bảo đảm hoạt động có hiệu quả, thiết thực. Hiện tại, TTHC Bến Giằng bộc lộ nhiều hạn chế như quỹ đất dành cho xây dựng quá nhỏ hẹp, không đủ điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng mở rộng phát triển. Hiện tượng lũ quét, xâm thực dòng chảy của sông Thanh tại Bến Giằng có thể xảy ra và ảnh hưởng đến khu hành chính trong tương lai... Ông Tơ Ngôl Với - Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Nam Giang cho biết: “Qua việc lấy ý kiến, tìm hiểu tâm tư tình cảm của cán bộ lão thành cũng như nhân dân đều đồng tình với chủ trương di dời TTHC về lại thị trấn. Phần lớn nhà cửa của cán bộ đương nhiệm của huyện đều ở Thạnh Mỹ, sáng họ phải đi trung bình 10km để đến Bến Giằng làm việc, chiều lại quay về sum họp gia đình. Thế nên, mọi người mong muốn có chỗ làm việc ổn định tại thị trấn sẽ thuận lợi hơn, tất yếu hiệu quả công việc sẽ tốt hơn”. 

 Xây dựng đô thị gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Xây dựng đô thị gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Thị trấn Thạnh Mỹ nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, đường Hồ Chí Minh, Đông Trường Sơn, quốc lộ 14B, 14D hứa hẹn thúc đẩy phát triển TM-DV, CN-TTCN. Nhà máy nước Thạnh Mỹ với công suất hiện tại đủ để cung cấp nhu cầu của các cơ quan hành chính và nhân dân. Bên cạnh đó, các dự án nhà máy xi măng, làng thanh niên lập nghiệp, hạ tầng đô thị, nhà cửa nhân dân được xây dựng khang trang hơn. Du lịch có thể phát triển theo hướng khu vực phía bờ tây sông Cái gắn với thác Grăng, làng nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu tại thôn Za Ra (Ta Bhing), vừa là điểm dừng chân tại ngã ba hành lang kinh tế Đông - Tây sang nước bạn Lào và đông bắc Thái Lan. “Trong QH chung đô thị Thạnh Mỹ - Bến Giằng, ban đầu, TTHC dự kiến chuyển về khu vực thôn Dung. Tuy nhiên, nơi đây vướng mỏ đá vôi phục vụ công nghiệp. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đang khẩn trương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan ở tỉnh, đơn vị tư vấn khảo sát lại địa điểm khác để đặt TTHC. Chúng tôi rất mong các ngành tiếp tục quan tâm phối hợp, góp ý để huyện sớm hoàn chỉnh đồ án QH chung, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định” - ông A Lăng Mai nói.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ