Định hình không gian đô thị Điện Bàn
Đặt ra nhiều giải pháp, Điện Bàn đang thực hiện định hình không gian đô thị đến năm 2030 với chức năng là trung tâm kinh tế tổng hợp công nghiệp - thương mại - dịch vụ - văn hóa và du lịch (CN-TM-DV-VH&DL) của vùng bắc Quảng Nam.
Đoạn từ ngã ba đường tránh quốc lộ 1A (Điện An) đến cầu Vĩnh Điện chuẩn bị cải tạo, nâng cấp. Ảnh: C.T |
Đô thị đặc thù
Đến năm 2030, không gian đô thị Điện Bàn được quy hoạch với chức năng là trung tâm kinh tế tổng hợp (CN - TM - DV - VH&DL) của vùng bắc Quảng Nam với đô thị đặc thù ven biển, phát triển hài hòa dựa trên nền tảng cấu trúc cảnh quan sông nước, sản xuất nông nghiệp. Xây dựng hệ thống đô thị động lực, phát triển kết nối trực tiếp với hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và TP.Hội An bằng hệ thống giao thông hiện đại. Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn - ông Trần Úc cho biết, định hướng phát triển không gian đô thị Điện Bàn được chia thành 2 khu vực. Trước tiên, khu vực phát triển đô thị sẽ bao gồm toàn bộ phía đông đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bắc sông Thu Bồn ra đến biển. Trong đó, hành lang phía đông đường sắt các xã Điện Hòa, Điện Phước, Điện Thọ là vùng dự trữ mở rộng đô thị. Khu vực phát triển nông nghiệp bao gồm phía tây đường cao tốc và toàn bộ phía nam sông Thu Bồn với hệ thống trung tâm cụm xã, trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn, vùng sản xuất và chế biến nông sản, lương thực và dự trữ phát triển xanh.
“Việc chú trọng đầu tư, hoàn thành hệ thống giao thông vận tải không chỉ đảm bảo nhu cầu kết nối giao thông, tiếp cận nhanh chóng với các đầu mối giao thông đối nội, đối ngoại quan trọng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp lại dân cư, cải thiện bộ mặt nông thôn, đẩy nhanh tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định công tác giải phóng mặt bằng vẫn là mũi nhọn trong việc cải thiện và nâng cao sức hấp dẫn môi trường đầu tư, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do vậy, huyện đang tiếp tục hoàn thiện bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động xây dựng khu dân cư đô thị đồng bộ, kịp thời, đảm bảo cho các hộ bị giải tỏa trắng sớm ổn định cuộc sống…”. (Ông Trần Úc - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn) |
Qua khảo sát đánh giá hiện trạng 49 tiêu chí chuẩn đô thị loại IV (mức 2), Điện Bàn đạt được 61,5 điểm (yêu cầu cần đạt là 70/100 điểm). Trong đó, huyện có 25 tiêu chí đạt điểm tối đa, 5 tiêu chí đạt điểm trung bình, 5 tiêu chí đạt điểm tối thiểu. Theo ông Trần Úc, trong bối cảnh suy giảm kinh tế, nguồn thu ngân sách thiếu hụt, thị trường bất động sản trầm lắng, tiến trình xây dựng đô thị gặp nhiều thử thách. Cơ sở hạ tầng của đô thị chưa đồng bộ, quy mô dân số khu vực nội thị và tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, môi trường đầu tư kém hấp dẫn gây nhiều trở ngại về thu hút đầu tư từ bên ngoài cũng như phát triển nội lực. Cho nên, Điện Bàn phải có lộ trình và những giải pháp hữu hiệu trong phát triển đô thị. Dự kiến, tổng mức đầu tư của chương trình phát triển đô thị Điện Bàn là 20.677 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tập trung của huyện là 621 tỷ đồng. Vì vậy, huyện cần có các biện pháp huy động vốn một cách tích cực, trọng tâm từ quỹ đất, từ các doanh nghiệp (hình thức kinh doanh bất động sản), vốn vay ưu đãi ODA, quỹ tồn ngân…
Giải pháp trọng tâm
Điện Bàn đã kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt đô thị loại V cho 5 xã vùng đông, qua đó góp phần mở rộng quy mô dân số khu vực nội thị, gia tăng tỷ lệ đô thị hóa, tạo bước chuyển tiếp nâng cấp đô thị loại IV. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2015, Điện Bàn tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu vực nội thị, bao gồm đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (12 dự án đã, đang triển khai), các khu dân cư thị trấn Vĩnh Điện, các khu tái định cư dự án du lịch ven biển và đường cao tốc, các khu dân cư mới từ Điện Phương đến Điện Thắng Bắc. Kết nối với các trục “giao thông đối ngoại” như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 1, ĐT603, ĐT607A. Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Điện Bàn - ông Lê Phỉ Minh cho biết, riêng ngân sách huyện sẽ ưu tiên phát triển các tuyến “giao thông đối nội” trọng điểm như ĐH7, ĐH8, nâng cấp và mở rộng đoạn ngã 3 đường tránh quốc lộ 1 từ Điện An đến cầu Vĩnh Điện, công viên Điện Bàn, trung tâm thể dục thể thao… Hạ tầng khu vực ngoại thị cũng được tăng cường bằng nguồn lực từ chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Nho Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Điện cho biết, địa phương ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng những tuyến đường nội thị chưa được triển khai, trên cơ sở nhân dân hiến đất mở đường, Nhà nước hỗ trợ đền bù vật kiến trúc, nhà cửa bị ảnh hưởng. Trong năm nay, thị trấn khởi công thực hiện tuyến đường Trần Thị Lý, đường Lê Hữu Trác. Đồng thời, thí điểm và nhân rộng phong trào toàn dân xây dựng đô thị văn minh.
CÔNG TÚ