Thách thức ODA

TRỊNH DŨNG 19/06/2013 09:01

Huy động nguồn vốn ODA là một trong những kênh đầu tư phát triển Quảng Nam. Tuy nhiên, để tiếp cận và tranh thủ khả năng giải ngân cao của nguồn vốn này là điều không dễ.

Ứng phó biến đổi khí hậu, đê biển, phát triển giao thông, đô thị… là mối quan tâm của các nhà tài trợ ODA.Ảnh: T.D
Ứng phó biến đổi khí hậu, đê biển, phát triển giao thông, đô thị… là mối quan tâm của các nhà tài trợ ODA.Ảnh: T.D

Kích thích gia tăng đầu tư

Theo thống kê của Sở KH&ĐT, từ năm 2000 đến nay, Quảng Nam triển khai thực hiện gần 67 dự án ODA với tổng vốn khoảng 377,6 triệu USD từ các nhà tài trợ như WB, ADB, JICA, Ngân hàng Tái thiết Đức, Chính phủ Hàn Quốc, Italia, Na Uy, Đan Mạch, Cơ quan phát triển Pháp... Trong 10 năm qua GDP của Quảng Nam tăng bình quân 10,6%/năm; công nghiệp dịch vụ trong cơ cấu GDP từ 52%/năm 1997 lên 79,8%/năm 2012 với giá trị công nghiệp tăng bình quân 23,3%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 15 lần sau 15 năm tái lập tỉnh và hộ nghèo chỉ còn 17,93%... Kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ nguồn ODA. Theo ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH&ĐT, nguồn vốn ODA đã tạo ra những dự án ”động lực” về giao thông, thủy lợi, môi trường..., kích thích sự gia tăng đầu tư của các khu vực kinh tế khác. Hiệu quả thấy rõ nhất là thông qua các dự án ODA, năng lực quản lý của cán bộ và người dân tham gia, hưởng lợi từ dự án ngày càng được nâng cao. Các dự án này đã hỗ trợ khá lớn cho địa phương tiếp nhận, quản lý và thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn cho các dự án đầu tư phát triển khác từ nguồn vốn Nhà nước lẫn khu vực tư nhân.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các biện pháp thu hút vốn ODA sau khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình đã bắt đầu thay đổi, từ điều kiện vay, mức độ vay và cách sử dụng đồng vốn vay. Khi sự bó hẹp của nguồn vốn ngày càng gia tăng thì việc trân trọng từng đồng vốn này là điều cần thiết. Trọng tâm các chương trình viện trợ là làm thế nào nâng cao cuộc sống người nghèo. Vì vậy, lắng nghe xem quan điểm của người nghèo, làm gì để giúp người nghèo thoát nghèo và rót vốn đầu tư đúng yêu cầu là điều cần thiết.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các cơ quan quản lý và của cả các nhà tài trợ ODA, vẫn còn nhiều vướng mắc khi tiến hành thực hiện các dự án này. Đó là sự chồng chéo thủ tục chuẩn bị và triển khai đầu tư. Nhiều dự án phải thực hiện cùng một lúc 2 hệ thống thủ tục. Khó khăn lớn nhất vẫn là việc giải ngân thấp, tiêu chí đầu tư không phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu Quảng Nam và cũng không loại trừ cả việc địa phương chưa đủ nguồn lực để cung cấp nguồn vốn đối ứng nên hiệu ứng dự án chưa đạt đến kết quả tốt nhất. Đôi khi vì luôn phải “sống” trong sự thiếu hụt nguồn lực nên chính quyền địa phương đã không đủ nguồn tài chính để có thể phát huy hiệu quả tối đa dự án khi thời hạn cam kết tài trợ từ nước ngoài kết thúc. Theo nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và doanh nghiệp (Bộ Tài chính), mấu chốt sự chậm trễ của các dự án đều có nguyên nhân rất giống nhau. Đó là sự phức tạp trong quy trình, thủ tục hành chính khi thông qua dự án hoặc tổ chức đấu thầu. Ngoài ra, sự thiếu hụt vốn đối ứng để đền bù, giải tỏa, thiếu dịch vụ hậu cần, ngân sách cho dự án tăng cao do lạm phát...  “Cải tiến hệ thống pháp lý và thủ tục hành chính theo hướng nhất quán, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế không đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn, nhưng đòi hỏi quyết tâm của Chính phủ, chính quyền địa phương… Giải quyết được điều này sẽ góp phần tăng vốn giải ngân, nâng cao hiệu quả dự án và làm yên lòng người dân các nước đang cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam” - ông Hòa nói

Thách thức giải ngân

Theo dự báo của UBND tỉnh, với mục đích nâng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm đến 88% giai đoạn 2012-2015, nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội Quảng Nam khoảng trên 9.0000 tỷ đồng, nhưng ngân sách nhà nước cũng chỉ chiếm khoảng 25%. Vì vậy, rất cần nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế khác và ODA. Sở KH&ĐT công bố khả năng huy động vốn ODA trong vòng vài năm tới khoảng 250 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng, bao gồm Chính phủ vay cấp phát và doanh nghiệp vay đầu tư. Hiện Quảng Nam tiếp tục đề xuất 10 danh mục dự án với các bộ, ngành Trung ương trên 150 triệu USD. Ông Trần Văn Tri cho rằng, để huy động được nguồn vốn này, trước hết phải bám theo mục tiêu của các nhà tài trợ và các định chế tài chính. Biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, cung cấp nước sạch và bảo vệ môi trường... là những vấn đề các nhà tài trợ quan tâm.

Không ai nghi ngờ về tính hiệu quả, khả thi của những dự án khơi thông và nạo vét sông Trường Giang, các dự án giảm nghèo, phát triển hạ tầng vùng bãi ngang, thoát nước cho các thị trấn dọc quốc lộ 1, đê chắn sóng, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá... được Quảng Nam đề xuất huy động vốn ODA. Hy vọng càng gia tăng tìm được nguồn vốn này khi bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục dành nguồn vốn hỗ trợ cho Quảng Nam phát triển. Tỷ lệ nghèo đói hơn 17,39% của Quảng Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội để thu hút ODA. Phải thừa nhận rằng, nợ vay nước ngoài sẽ là một trong những nguồn lực tài chính chủ yếu để cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, giúp nâng cao quản trị doanh nghiệp cạnh tranh để thay đổi cách thức quản lý và tiếp cận của dân chúng về đầu tư công. Tuy nhiên, việc thúc đẩy giải ngân các dự án ODA là một trong những vấn đề cần giải quyết thấu đáo vì tốc độ giải ngân hàng năm rất thấp, chủ yếu ở các dự án ngành điện, nước. Trên thực tế, phần lớn các dự án ODA đều phuc vụ dân sinh và phát triển đô thị. Việc chậm giải ngân sẽ làm xáo trộn trong một thời gian dài môi trường sống của dân cư (nhất là các dự án cải tạo cơ sở hạ tầng, nâng cấp đô thị) và làm chậm sự thụ hưởng những thành quả mà nguồn vốn ODA mang lại.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG