Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu

Công Tú 09/04/2013 09:06

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình số 21-CTr/TU của Tỉnh ủy liên quan đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT), bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ của cán bộ và nhân dân rất cần tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.

Xác định rõ trách nhiệm

Ngày 17.1.2013, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 21-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, giai đoạn 2012 - 2022”. Chương trình thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy nhằm hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) đang diễn biến phức tạp. Bởi mỗi năm, Quảng Nam có trên 200 người chết, hơn 300 người bị thương tật suốt đời do TNGT. Trong đó, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ngày càng có xu hướng gia tăng đáng báo động.   

Kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm TTATGT như thế này. Ảnh: C.T
Kiên quyết xử phạt những hành vi vi phạm TTATGT như thế này. Ảnh: C.T

Tại Chương trình số 21 nêu trên, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về công tác đảm bảo TTATGT, chống ùn tắc giao thông cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và mọi lớp tầng lớp nhân dân. Chương trình này đặc biệt nhấn mạnh cần phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo TTATGT, khắc phục ùn tắc trên mỗi địa bàn. Qua đó tạo nền tảng thúc đẩy quá trình hạn chế TNGT một cách bền vững, chủ động huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển hạ tầng giao thông hiện đang thiếu và yếu, ưu tiên phát triển giao thông vận tải (GTVT) công cộng với các giải pháp tích cực, hợp lý hơn. Đồng thời, bằng sự nghiêm túc và tính gương mẫu từ người đứng đầu góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp từ phía người thực thi công vụ, xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hằng năm phấn đấu đạt được mục tiêu kiềm chế, giảm thiểu từ 5 - 10% số vụ TNGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).  


Vào cuộc đồng bộ

Để triển khai hiệu quả Chương trình số 21-CTr/TU của Tỉnh ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, phải tiên phong thực hiện các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu TNGT. Theo ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, muốn làm được điều này, mọi người cần tự giác, gương mẫu tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông; tuyên truyền, vận động gia đình và người thân chấp hành các quy định pháp luật liên quan. Phê phán, kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi phạm, coi thường kỷ cương kỷ luật.  

“TNGT sẽ không chừa một ai nếu chủ quan coi thường các quy tắc khi tham gia giao thông. Đã đến lúc chúng ta cần phải hành động quyết liệt, không được khoanh tay, thờ ơ trước quốc nạn. Cần phải nhận thức sâu sắc về tác hại khôn lường của thảm họa này đến quá trình vươn lên, thoát khỏi tình trạng một tỉnh nghèo và đang hướng mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Đặc biệt, hạn chế TNGT còn góp phần đến sự phát triển lành mạnh của giống nòi”.  
(Ông Trương Văn Cận - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh)

TNGT gây thiệt hại to lớn về nhân mạng không thể bù đắp hay những di chứng mà nó để lại luôn kéo dài và không thể lường hết được. Chưa hết, hằng năm gia đình các nạn nhân và ngân sách phải chịu thêm gánh nặng hàng chục tỷ đồng cho việc khắc phục hậu quả. TNGT cũng là một trong các yếu tố hạn chế sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; đồng thời làm tổn thương đến hình ảnh một Quảng Nam an toàn, thân thiện trong mắt bạn bè, đối tác. Chính vì vậy, các cấp ủy đảng cần đưa công tác bảo đảm TTATGT vào nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo. Quy định rõ trách nhiệm và khẳng định tầm quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cần xác định công tác nói trên là mục tiêu hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương.    

Có thể nói, sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt với tinh thần trách nhiệm, ý thức cao về an toàn giao thông góp phần kiềm chế TNGT một cách bền vững trong thời gian đến. Các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên chỉ đạo, quán triệt, theo dõi, đôn đốc, thanh tra, giám sát việc thực hiện, chấp hành của cán bộ, đảng viên và xác định đó là cơ sở để đánh giá công tác hằng năm. Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ, tổ chức chính trị xã hội, trường học, khu dân cư, tộc họ… một cách thiết thực và linh động. Coi việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một trong các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng tổ chức và phân loại đảng viên, hội viên, xét gia đình, thôn, khu phố văn hóa, xét hạnh kiểm cuối năm của học sinh, sinh viên...

Công Tú

Công Tú