Đầu tư xây dựng Hạ tầng giao thông năm 2012:Vượt khó về đích

Công Tú 21/12/2012 10:09

Năm 2012, tuy gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường đã hư hỏng nặng, song ngành giao thông vận tải (GTVT) vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Liệu cơm gắp mắm”

Năm 2012, ngành GTVT gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư tiếp tục bị cắt giảm, một số dự án của Trung ương trên địa bàn tỉnh cũng như các dự án do tỉnh đầu tư phải dừng triển khai hoặc giãn tiến độ. “Điều này gây trở ngại cho công tác quản lý của ngành, trong lúc không ít tuyến quốc lộ, đường tỉnh (ĐT), đường huyện cần đầu tư nâng cấp mà không đủ nguồn lực thực hiện. Kèm theo đó, chất lượng của một số tuyến đường tiếp tục xuống cấp trầm trọng gây khó khăn cho giao thông và phát triển kinh tế - xã hội” - ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT cho biết.

Năm qua, tỉnh ưu tiên nâng cấp 60km đoạn tuyến ĐT bị hư hỏng nặng. Ảnh: C.T
Năm qua, tỉnh ưu tiên nâng cấp 60km đoạn tuyến ĐT bị hư hỏng nặng. Ảnh: C.T

Trước thực tế trên, ngành GTVT đã phối hợp với các địa phương rà soát các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, xác định các công trình và dự án trọng điểm bức xúc cần đầu tư, tham mưu UBND tỉnh bố trí các nguồn vốn triển khai thực hiện. Trước tính cấp bách của việc đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông, UBND tỉnh thống nhất chủ trương nâng cấp một số đoạn hư hỏng nặng trên một số tuyến ĐT quan trọng phục vụ đi lại (tạm ứng kế hoạch năm 2013). Với tinh thần trách nhiệm, các dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư như cầu Tứ Câu, hạng mục sửa chữa mặt đường một số đoạn trên tuyến ĐT616 (Tam Kỳ - Nam Trà My), ĐT609B (Đại Lộc), ĐT608 (Hội An - Điện Bàn), ĐT609 (Điện Bàn - Đại Lộc), cầu Khe Le - ĐT 610 (Duy Xuyên - Nông Sơn), ĐT610B (Duy Xuyên - Điện Bàn)... đã được đưa vào sử dụng. Như vậy, ngành đã hoàn thành nâng cấp trên 60km đường ĐT, giải quyết một phần khó khăn trong việc đi lại của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thông thương, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Cạnh đó, dự án nâng cấp tuyến ĐT615 (Tam Kỳ - Tiên Phước) theo hình thức BT (đầu tư - chuyển giao) đã nhận bàn giao tiểu dự án 1 đoạn từ km2 - km9+534 với giá trị đầu tư trên 62 tỷ đồng.

Năm 2012, Quảng Nam đã phối chặt chẽ với Bộ GTVT, các bộ, ngành ở Trung ương để hỗ trợ xúc tiến đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành thi công dự án cầu mới Hương An và Bà Rén, triển khai dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Bước sang năm 2013, dự theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ tiếp tục phối hợp, thúc đẩy thực hiện các dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nâng cấp quốc lộ 1 từ km987 - km1027 (Tam Kỳ - Núi Thành), hoàn thành thủ tục chuyển tuyến Nam Quảng Nam thành quốc lộ. Trong nỗ lực xã hội hóa đầu tư bến xe Bắc Quảng Nam, Sở GTVT hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa bến vào hoạt động vào năm 2014, đồng thời chuyển đổi Ban Quản lý bến xe Tam Kỳ thành doanh nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả hạ tầng đã xây dựng.

Dù gặp phải khó khăn về nguồn vốn đầu tư, các tuyến đường có điều kiện thi công không thuận lợi, mật độ dân cư tập trung ít hơn nên khó huy động đóng góp của dân, nhưng ngành GTVT và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 143/2009/NQ-HĐND về phát triển giao thông nông thôn (giai đoạn 2010 - 2015) trong năm 2012 hoàn thành đảm bảo đúng kế hoạch. Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” tiếp tục đạt hiệu quả với 260km mặt đường được bê tông hóa, xây dựng 263 cống các loại. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện là 166,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 77,5 tỷ đồng, còn lại ngân sách huyện và nhân dân đóng góp.

Chú trọng hiệu quả đầu tư

Ông Trương Văn Cận khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của ngành năm 2013 là tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trước mắt, ưu tiên tập trung giải quyết các yêu cầu cấp thiết đối với hệ thống giao thông trên địa bàn bằng việc nâng cấp mặt đường những tuyến đang khai thác; hoàn thành dự án dở dang để đảm bảo cho nhân dân đi lại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nhu cầu nguồn vốn trong năm tới rất lớn (trên 1.032 tỷ đồng), song khả năng đáp ứng của ngân sách chỉ đạt 40%. Do vậy, ngành bắt buộc phải lựa chọn công trình bức xúc để triển khai, mục tiêu số một là phải xong dứt điểm đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Theo đó, đối với các dự án vốn trái phiếu chính phủ, tỉnh phấn đấu hoàn thành đường Nam Quảng Nam giai đoạn 1 và đường Trà My - Sông Trường (Bắc Trà My); xúc tiến các nguồn vốn để thi công tiếp cầu Sông Leng (tuyến Trà My - Phước Thành); tiếp tục thực hiện dự án đường ĐT607 (Điện Bàn - Hội An) theo kế hoạch vốn được giao. Từ vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, Sở GTVT sẽ đôn đốc nhà thầu thi công xong cầu Gò Nổi, xúc tiến nguồn vốn làm thêm 9,5km đường đầu cầu nhằm hoàn thành đồng bộ cầu Gò Nổi và toàn tuyến ĐT610B đưa vào sử dụng. Một thông tin đáng chú ý khác là các dự án đường cứu hộ, cứu nạn sẽ tạm dừng triển khai cho đến khi nào được bố trí vốn mới. Bằng nguồn ngân sách, tỉnh ưu tiên thanh toán nợ khối lượng dự án hoàn thành, hoàn trả kinh phí đã tạm ứng năm 2012. Sở GTVT kiến nghị UBND tỉnh cho phép tạm ứng vốn kế hoạch năm 2014 mức 30% tổng vốn đầu tư các dự án, phần 70% còn thiếu sẽ huy động trước của nhà thầu và trả chậm trong 2 năm để tiếp tục nâng cấp mặt đường tuyến ĐT bị hư hỏng nặng.

Gắn việc triển khai chương trình phát triển giao thông nông thôn với cuộc vận động xây dựng mô hình nông thôn mới, ngành GTVT tiếp tục cùng với các địa phương dự kiến bê tông hóa 224km mặt đường, kinh phí đầu tư 170,5 tỷ đồng (huyện và nhân dân đóng góp 90,5 tỷ đồng). Ngoài ra, hoàn thành quy hoạch phát triển GTVT đến 2020, tầm nhìn đến 2030 trình UBND tỉnh. Các dự án đầu tư đều hướng đến mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, góp phần hoàn thành mục tiêu Quảng Nam cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Công Tú

Công Tú