Hàng trăm mét kè biển Tam Thanh bị sạt lở
Bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2006 nhưng đến nay gần 3km kè bảo vệ bờ biển qua 4 thôn Hạ Thanh 1, Hạ Thanh 2, Trung Thanh và Thượng Thanh (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) xuất hiện nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng.
Những đoạn kè dài bị sóng đánh rời rạc. Ảnh: V.A |
Có mặt tại kè bảo vệ bờ biển xã Tam Thanh, chúng tôi ghi nhận có nhiều đoạn kè dài hàng chục mét với những tấm bê tông bị bung, nứt nẻ và bị dịch chuyển mạnh. Những người dân sống tại đây cho biết, còn rất nhiều đoạn kè khác bị sạt lở, chạy dọc theo các thôn nhưng do bị cát vùi lấp nên không thể nhìn thấy. Những lúc có sóng mạnh đập vào bờ sẽ thấy lộ ra nhiều đoạn kè bị hư hại. Đặc biệt, tại thôn Hạ Thanh 1, một đoạn kè dài hơn 100m bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Hàng chục khối bê tông dày, kết dính với nhau bị sóng đánh rời rạc, lộ cả phần móng của bờ kè.
Bờ biển xã Tam Thanh có vai trò như một đê biển tự nhiên bảo vệ cho khu vực dân cư rộng lớn bao gồm nhiều công trình trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng của Quảng Nam. Xuất phát từ thực trạng biển xâm thực sâu vào đất liền, UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư kè bảo vệ bờ biển. Ngày 5.4.2004, dự án kè bảo vệ bờ biển Tam Thanh đã được khởi công với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương. Dự án bao gồm đoạn kè bờ biển Tam Thanh có chiều dài 2.947m và đoạn kè bờ sông Trường Giang dài 953m nhằm chống sạt lở, triều cường, bảo vệ đường quốc phòng ven biển, các khu dân cư và du lịch phía đông TP.Tam Kỳ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, kè bảo vệ bờ biển bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2006 nhưng năm 2008 đã xuất hiện sạt lở, và tình trạng càng ngày càng tồi tệ. Mỗi năm lại xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới, đặc biệt vào những mùa sóng đánh mạnh. Ông Lâm cũng cho biết, lo sợ về tuổi thọ của toàn bộ chiều dài bờ kè, xã đã nhiều lần báo cáo UBND thành phố nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin về việc xử lý, sửa chữa bờ kè.
ĐÔNG ANH