Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt gắn với thương mại điện tử

VĨNH LỘC 30/10/2023 16:06

(QNO) - Được xem là xu thế của thời đại, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được nhiều người dân Quảng Nam sử dụng trong các hoạt động mua bán, giao dịch, qua đó giúp tạo lập thói quen, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Thanh toán không dùng tiền mắt gắn liền với quá trình chuyển đổi số. Ảnh: V.L
Thanh toán không dùng tiền mặt gắn liền với quá trình chuyển đổi số. Ảnh: V.L

Tạo lập thói quen

Bà Nguyễn Thị Hà - tiểu thương bán thịt tại chợ Vĩnh Điện mở túi xách đựng tiền lấy tờ giấy có ghi dãy chữ số đưa cô gái trẻ khi nghe yêu cầu muốn chuyển khoản. Sau khi kiểm tra tin nhắn ngân hàng báo về điện thoại, bà Hà gật đầu xác nhận đã có tiền.

“Trước đây tôi không biết chuyển khoản là chi cả, ai có tiền mặt mới bán, do đó thỉnh thoảng mất khách, nhất là khách hàng trẻ, nên tôi đã nhờ con đăng ký cài đặt chuyển khoản trong điện thoại dùm, bây giờ rất thuận tiện” - bà Hà nói. Hơn 30 năm bán buôn ngoài chợ, chủ yếu sử dụng tiền mặt nên khi nghe nói mua hàng không cần mang tiền bà Hà thấy lạ lẫm, cảnh giác, thậm chí nghĩ… lừa đảo.

Mới đây, Hội LHPN phường Vĩnh Điện đã tổ chức ra mắt Tổ phụ nữ thanh toán không dùng tiền mặt với 20 thành viên, hầu hết là hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn phường có tài khoản ngân hàng và biết sử dụng công nghệ thông tin. Đây là mô hình đầu tiên của hội viên phụ nữ Điện Bàn, qua đó tạo sự lan tỏa ra toàn thị xã.

Kể từ sau đại dịch COVID-19, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phố biến trong hoạt động thương mại, lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả những người buôn bán nhỏ. Thông qua cách thức sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ thông tin như ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, QR Code, Viettel Money… đã giúp người mua hàng chuyển tiền dễ dàng, an toàn chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn.

Từ sau đại dịch COVID-19, thương mại điện tử phát triển cũng tác động lớn đến các hoạt động thanh toán thương mại. Ảnh: V.L
Từ sau đại dịch COVID-19, thương mại điện tử phát triển đã tác động lớn đến các hoạt động giao dịch hàng hóa thông thường: Ảnh: V.L

Bà Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (xã Duy Sơn, Duy Xuyên) cho biết, những năm gần đây hầu hết giao dịch với đối tác, khách hàng tại HTX chủ yếu bằng hình thức chuyển khoản, bởi đa số hoạt động mua bán được thực hiện trên các nền tảng mạng. “Khách tôi ở nhiều nơi trong cả nước nên việc thanh toán không dùng tiền mặt rất cần thiết vì thuận lợi” -  bà Mỹ chia sẻ. HTX Duy Oanh là số ít doanh nghiệp Quảng Nam có sản phẩm nông sản chế biến đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Khảo sát sơ bộ các hệ thống siêu thị, cơ sở ăn uống, cộng đồng khởi nghiệp, các chủ thể OCOP… trên địa bàn tỉnh cho thấy, tất cả giao dịch hiện được triển khai song song giữa thanh toán tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt. Thậm chí, tại một số cơ sở doanh nghiệp, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm từ 70-80% trong cơ cấu thanh toán thương mại của đơn vị, nhất là khi hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển.  

Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt

Dễ dàng nhận thấy, thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế xã hội gắn liền với quá trình chuyển đổi số nhằm tạo sự minh bạch, hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian trong quá trình mua bán giao dịch hàng hóa.

Thời gian qua, rất nhiều văn bản, chính sách đã được nhà nước ban hành nhằm khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp, người dân gắn với quá trình chuyển đổi số, thương mại số, kinh tế số. Nhiều hoạt động thanh toán trong mua bán hàng hóa, ăn uống, mua sắm, chi trả các dịch vụ thông thường đã và đang dần chuyển sang hình thức thanh toán chuyển khoản nhanh chóng, tiện lợi.

m
Thanh toán không dùng tiền mặt không thể tách rời thương mại điện tử và chuyển đổi số. Ảnh: V.L

Theo Kế hoạch 7501 của UBND tỉnh về “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, đến năm 2030, phấn đấu có 75% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%. Đến năm 2045 có 90% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 85%.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt dựa trên nền tảng số là hoạt động không thể tách rời với phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số đã và đang diễn ra tại Quảng Nam. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự đồng bộ, quyết tâm của nhiều bên liên quan.

Cụ thể, bên cạnh việc tuyên truyền những lợi ích về thanh toán không dùng tiền mặt trong các tầng lớp nhân dân, nhà nước cũng cần bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng hiệu quả mô hình quản lý các sàn giao dịch, các website bán hàng, kể cả những ứng dụng công nghệ về bản đồ số, vận chuyển, giao nhận hàng hóa, logistics…

Sự đồng
Sự đồng hành của các bên liên quan sẽ giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiển mặt phát triển. Ảnh: V.L
Đáng chú ý, triển khai các chương trình thương mại điện tử hóa nông thôn, đào tạo kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử cho người dân, phối hợp với các nền tảng công nghệ tạo các gian hàng điện tử, hỗ trợ người dân nông thôn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại... từ đó tạo lập thói quen cho người dân, doanh nghiệp về tính tiện ích, hiệu quả mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại.

VĨNH LỘC