Cơ hội cho xuất khẩu nông sản: Xác định sản phẩm chủ lực

VĨNH LỘC 29/10/2023 10:01

Trong chiến lược xuất khẩu hàng nông sản Quảng Nam, việc xác định sản phẩm chủ lực và phát triển vùng nguyên liệu được xem là khâu then chốt nhằm tạo nguồn hàng hóa ổn định cho doanh nghiệp cung ứng thị trường.

Sâm Ngọc Linh được xác định là sản phẩm chủ lực để xuất khẩu. Ảnh: V.L
Sâm Ngọc Linh được xác định là sản phẩm chủ lực để xuất khẩu. Ảnh: V.L

Cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định 795 về Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có khả năng cao của Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, có 4 loại cây trái gồm sâm Ngọc Linh, măng cụt, dưa hấu, chuối sẽ được quy hoạch, phát triển thành các sản phẩm có khả năng cao phục vụ xuất khẩu. Đây được xem là cơ sở quan trọng giúp triển khai, tổ chức hiệu quả công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Dễ nhận thấy, trong 4 loại cây trái trên, ngoài sâm Ngọc Linh thì măng cụt được xác định có giá trị kinh tế rất cao, có tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, việc xác định sản phẩm chủ lực sẽ giúp đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến xuất khẩu phù hợp với năng lực cạnh tranh, nhu cầu thị trường và tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.

Thực tế cho thấy, mặc dù một số nông sản chủ lực Quảng Nam được đánh giá có tiềm năng và giá trị thương phẩm cao nhưng những năm qua công tác quảng bá, xúc tiến thương mại kết nối thị trường thế giới vẫn chưa tương xứng, hầu hết nông sản được tiêu thụ nhỏ lẻ hoặc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.

Năm ngoái, trong khuôn khổ hội thảo “Khai thác các thị trường tiềm năng và thị trường ngách tại EU” do Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh tổ chức, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ba Lan kiêm nhiệm Litva, Phần Lan, Estonia lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thành Hải chia sẻ, sâm Ngọc Linh hiện chưa có thương hiệu tại Đông Âu, người tiêu dùng gần như không biết về tiềm năng, giá trị của loại cây này vì họ chưa có nhiều thông tin cũng như chưa có thói quen sử dụng sâm. Do vậy, việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hướng đến những thị trường trọng tâm cần được chú trọng.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm chủ lực hiện vẫn chưa xây dựng cơ chế cụ thể, thời gian qua chủ yếu triển khai lồng ghép theo các cơ chế, chương trình liên quan như kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng nông thôn mới…

Để hàng nông sản Quảng Nam có thể thâm nhập thị trường thế giới, ngoài đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, còn tuân thủ những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ vùng trồng…

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, sự phối hợp giữa các sở ngành liên quan về vùng nguyên liệu, vùng trồng hiện khá rời rạc nên cần phải đặt dưới sự chỉ đạo, kiểm soát của Nhà nước (nhạc trưởng), bởi để có một sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, bên cạnh các tiêu chuẩn chung còn phải hướng đến các quy định bắt buộc về vùng trồng, do đó UBND tỉnh phải chỉ đạo mạnh hơn nữa.

VĨNH LỘC