Thúc đẩy thị trường xuất khẩu nông sản
Công tác xúc tiến thương mại hướng ra thị trường thế giới đang được ngành chức năng chú trọng. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ cũng được triển khai nhằm phát triển sản phẩm, thúc đẩy thị trường xuất khẩu.
Cơ hội cho doanh nghiệp
Ngày 24/10 vừa qua, lần đầu tiên HTX Chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội xuất sang Mỹ 32 nghìn chiếc bánh chưng, trở thành số ít doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Quảng Nam xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ.
Trước đó, cơ sở sản xuất này cũng ký kết hợp tác với Công ty CP Quốc tế LNS (LNS International Corporation) phân phối độc quyền sản phẩm cá nục rim ở thị trường nước ngoài. Kết quả, một lô hàng khoảng 10 tấn cá nục rim đã được xuất sang Mỹ.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng của năm 2023, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Trong đó, thị trường Trung Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu sang thị trường này đạt 8,71 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 22,1% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất khẩu như dịch vụ logistics, bảo quản hàng hóa theo chuỗi từ vùng sản xuất tới các kho; hình thành các trung tâm cung ứng nông sản tại khu vực cửa khẩu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, chuyển đổi số để tăng hiệu quả, giảm chi phí trong chuỗi liên kết xuất khẩu.
Những thành công từ HTX Bà Ba Hội không chỉ mở đường cho sản phẩm nông thôn Quảng Nam tiếp cận thị trường thế giới mà còn khẳng định cơ hội, tiềm năng rất lớn mà các doanh nghiệp Quảng Nam có thể khai thác, nhất là khi Quảng Nam được đánh giá là địa phương có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng với khoảng 330 sản phẩm OCOP cùng hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp.
Những năm gần đây, công tác xúc tiến thương mại hướng ra thị trường thế giới luôn được ngành công thương chú trọng. Riêng 9 tháng của năm 2023, gần 10 chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đã được tổ chức nhân các sự kiện chính trị, kinh tế như Diễn đàn hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam – Lào (tỉnh Chămpasak, tháng 4/2023), Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (Quảng Tây, tháng 9/2023), Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây (TP.Đà Nẵng, tháng 8/2023)…
Ngoài ra, các HTX, chủ thể OCOP, doanh nghiệp Quảng Nam cũng tham gia nhiều hội chợ, xúc tiến thương mại tại các địa phương trong nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh… Kết quả sau những sự kiện này, doanh nghiệp đã kết nối được đối tác, khách hàng, mở ra cơ hội đưa hàng nông sản Quảng Nam vươn ra thế giới.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng sản phẩm nông thôn Quảng Nam đủ khả năng vươn ra thế giới, nhất là những thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do.
Nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, thời gian qua bên cạnh tổ chức các lớp tập huấn về những quy tắc, quy định, xuất xứ hàng hóa, mã số vùng trồng cho doanh nghiệp, chủ thể OCOP..., Sở Công Thương cũng tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình xuất khẩu chi tiết, trong đó quy định cụ thể mặt hàng, cách thức, chiến lược xuất khẩu...
Đặc biệt, tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp, nhà phân phối với các Tham tán thương mại Việt Nam tại một số nước, khu vực trên thế giới nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thông tin, tiếp cận thị trường thuận lợi.
Cần hình thành mạng lưới phân phối
Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán tổng cộng 19 FTA, ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả đối tác kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga..., giúp mang lại nhiều lợi thế trong hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm, hàng hóa vươn ra thị trường thế giới.
Với mục tiêu đưa sản phẩm nông sản Quảng Nam hướng về thị trường xuất khẩu, nhiều cơ chế chính sách cũng đã được tỉnh ban hành. Nổi bật có thể kể đến Nghị quyết 13 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại và du lịch tỉnh Quảng Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030 hay Chương trình xuất khẩu đối với sản phẩm có khả năng cao của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025…
Qua đó đã xác định những sản phẩm chủ lực của tỉnh và đề ra giải pháp, kế hoạch đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, thị trường cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt, đáp ứng yêu cầu đối tác cũng như triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu phù hợp dựa trên năng lực cạnh tranh, nhu cầu thị trường và tận dụng các lợi thế từ các FTA mang lại.
Dù vậy, xuất khẩu nông sản, sản phẩm nông thôn Quảng Nam ra thế giới, nhất là vào các thị trường FTA tuy hưởng nhiều ưu đãi về thuế, nhưng không dễ dàng. Hàng hóa xuất khẩu của Quảng Nam không chỉ gặp thách thức từ các biện pháp kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng, xuất xứ mà còn ở sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác, trong khi phần lớn doanh nghiệp Quảng Nam quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn hẹp, năng lực cạnh tranh thấp, trình độ kỹ thuật, quản trị, nguồn nhân lực, phát triển thương hiệu chưa cao…
Chưa kể, đa số doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược kinh doanh xuất khẩu dài hạn, chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Thậm chí, một số doanh nghiệp chưa nắm rõ về vấn đề mã số vùng trồng, xuất xứ hàng hóa hay các nguyên tắc, quy tắc về hợp đồng, thông lệ quốc tế nên khó xử lý, khắc phục khi phát sinh các trường hợp vi phạm, tranh chấp trong giao dịch quốc tế.
Theo ông Đặng Bá Dự, mặc dù Quảng Nam có nhiều sản phẩm nông sản, OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có chất lượng, mẫu mã tốt, tuy nhiên hạn chế lớn nhất khi tham gia thị trường xuất khẩu là thiếu nhà phân phối lớn; đa số chủ thể sản xuất ở Quảng Nam có quy mô nhỏ, khó thể thực hiện quảng bá, kết nối cung cầu hiệu quả.
“Xúc tiến thương mại không thể đơn lẻ hay mỗi doanh nghiệp mang một ít sản phẩm, thay vào đó các doanh nghiệp phải liên kết lại hình thành mạng lưới doanh nghiệp phân phối nhiều mặt hàng vì những nhà phân phối lớn mới đủ khả năng kết nối được cung cầu, biết được thị trường thế giới cần gì.
Sở cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam vận động doanh nghiệp phân phối để gom hàng, khi đó mới có thể nghiên cứu thị trường, giúp nông sản Quảng Nam có thể xuất khẩu thuận lợi” - ông Dự nói.