Trồng nấm sinh kế mới ở Nam Giang
Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình trồng nấm trong nhà đã giúp nhiều nhóm hộ dân ở Nam Giang có thêm nguồn thu nhập ổn định, trở thành mô hình kinh tế mới đang được nhân rộng trong cộng đồng.
Mô hình mới
Hơn 3 năm triển khai, mô hình trồng nấm trong nhà trở thành sinh kế mới cho người dân Nam Giang. Không chỉ liên kết kinh tế theo nhóm hộ, mô hình này được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới, giúp tạo việc làm tại chỗ ổn định và lâu dài cho lao động địa phương sau này.
Theo bà Zơrâm Ben - Trưởng nhóm trồng nấm tại thôn Mực (thị trấn Thạnh Mỹ), tại địa phương, mô hình trồng nấm được triển khai từ năm 2020, thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn thế giới, với quy mô đầu tiên gồm 20 thành viên của thôn tham gia liên kết.
Từ nguồn hỗ trợ gần 200 triệu đồng của Tổ chức Tầm nhìn thế giới, nhóm đầu tư mua sắm các dụng cụ để trồng nấm như kệ, bột cưa, tấm bạt, phôi, lò hấp..., tạo điều kiện giúp các thành viên sớm hình thành mô hình.
“Trước đây, đa số chị em trong thôn không có việc làm ổn định nên thu nhập khá bấp bênh. Từ khi hình thành mô hình trồng nấm này, chị em không chỉ có công việc để làm, mà còn có thêm nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống.
Quá trình triển khai, công đoạn nào khó khăn, mọi người cùng nhau chia sẻ để tháo gỡ. Bằng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chỉ sau 3 năm trồng thử nghiệm, chúng tôi đã thành công bước đầu và đang tiếp tục mở rộng mô hình tại các hộ khó khăn khác” - chị Ben chia sẻ.
Từ hiệu quả của mô hình trồng nấm tại thôn Mực, đầu năm nay, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân huyện Nam Giang mở rộng mô hình liên kết trồng nấm tại thôn Pà Dá, Cà Lai (xã Cà Dy) và Đồng Râm (thị trấn Thạnh Mỹ). Đây được xem là hướng đi mới, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của người dân địa phương.
Góp sức cho mục tiêu giảm nghèo
Không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, công sức chăm sóc, mô hình trồng nấm tại Nam Giang chủ yếu bằng hệ thống tưới nước phun sương. Nhờ không sử dụng chất bảo quản, cũng như phân bón hóa học nên sản phẩm rất được thị trường ưa chuộng.
Ông Doãn Phải - Trưởng nhóm trồng nấm thôn Pà Dá cho hay, nhóm chủ yếu trồng 3 loại nấm, gồm nấm sò tím, nấm linh chi và nấm mộc nhĩ. Trong đó, nấm sò tím được trồng nhiều nhất với hơn 3.000 nghìn bịch, nấm linh chi và nấm mộc nhĩ mỗi loại khoảng 1 nghìn bịch.
“Vừa qua, chúng tôi thu hoạch đợt đầu được 1,2 tạ. Trung bình một tháng thu hoạch 2 lần, chủ yếu trước thời điểm Rằm, mồng Một. Nếu cố gắng chăm sóc tốt, các thành viên trong nhóm sẽ có nguồn thu nhập khá ổn định từ nấm, giúp trang trải cuộc sống gia đình” - ông Phải cho biết.
Theo ông Kaphu Hứ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cà Dy, sau thời gian trồng thử nghiệm, mô hình trồng nấm trong nhà đang cho thấy hiệu quả bước đầu rất khả quan.
Nhiều nhóm hộ liên kết tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng, xem đó là hướng đi mới, tạo sinh kế trong cộng động. Mang nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế, với giá trị thị trường cao, mô hình trồng nấm được kỳ vọng sẽ góp phần giúp nông dân địa phương giảm nghèo bền vững.
“Hiện mỗi ký nấm tươi được bán với giá 40 - 60 nghìn đồng. Với nhu cầu của thị trường, cộng với quy mô phát triển mở rộng của người dân, chúng tôi tin tưởng mô hình này sẽ tạo động lực giúp người dân thoát nghèo trong tương lai” - ông Hứ nói.
Ông Pơloong Diệu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Giang đánh giá, với hiệu quả bước đầu sau các đợt thu hoạch, mô hình trồng nấm tại cộng đồng đang mở ra hướng sản xuất mới cho nhiều hộ nông dân địa phương.
“Mới đây, các nhóm hộ đã thu hoạch gần 1 tấn nấm bán ra thị trường. Thời gian tới, bên cạnh nhân rộng mô hình tại các thôn, xã vùng cao, chúng tôi sẽ triển khai tập huấn cho các thành viên nhóm hộ, giúp nâng cao kỹ năng chăm sóc, nuôi trồng. Theo kế hoạch, tới đây mô hình này sẽ được triển khai tại xã Zuôih, giúp người dân tiếp cận hướng sinh kế mới” - ông Diệu nhấn mạnh.