Nỗ lực xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

MAI NHI – NGÔ PHI 29/09/2023 10:26

Cùng với việc tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao, huyện Duy Xuyên tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối tiêu thụ, góp phần đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Chính quyền huyện Duy Xuyên luôn tạo điều kiện cho chủ thể OCOP tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm. Ảnh: N.P
Chính quyền huyện Duy Xuyên luôn tạo điều kiện cho chủ thể OCOP tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm. Ảnh: N.P

Đa dạng sản phẩm

Từ nhiều năm nay, cơ sở điêu khắc gỗ của anh Nguyễn Tấn Quý (thôn Hòa Bình, xã Duy Phước) không còn xa lạ với người dân xứ Quảng. Những khối gỗ vô tri khi vào tay anh đều trở thành tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời. Anh Quý cho hay, trung bình mỗi tháng cơ sở xuất xưởng khoảng 10 tác phẩm có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng, tùy theo yêu cầu của khách.

Theo anh Quý, trong các công đoạn để hoàn thiện một sản phẩm, khâu ra phôi là quan trọng nhất. “Từ khối gỗ, tôi dùng các dụng cụ như máy cưa, máy tiện để cắt, gọt ra hình dáng đã tưởng tượng và sáng tạo những tác phẩm dựa trên hình dạng, màu sắc, hoa văn, vết nứt gãy của phôi gỗ. Từ đó, tạo những chi tiết sống động trên mỗi tác phẩm, rồi chạm khắc tỉ mỉ và sơn xịt bảo quản” - anh Quý chia sẻ.

Bên cạnh các sản phẩm thông thường như bàn, ghế, tủ, tranh gỗ, phù điêu…, anh Quý tâm đắc nhất là các bức tượng chân dung Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng hồ 12 con giáp. Đặc biệt, năm 2022, anh quyết định tham gia chương trình OCOP với sản phẩm đĩa khu đền tháp Mỹ Sơn và được tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

“Năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, tôi cung cấp ra thị trường hơn 550 sản phẩm đĩa khu đền tháp Mỹ Sơn, doanh thu 270 triệu đồng cùng rất nhiều sản phẩm khác. Nhờ đó, tạo việc làm ổn định cho 4 thợ lành nghề với mức lương trung bình 9 triệu đồng/ người/tháng” – anh Quý nói.

Thời gian qua, Duy Xuyên tăng cường công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Ảnh: N.P
Thời gian qua, Duy Xuyên tăng cường công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Ảnh: N.P

Từ năm 2018 - 2022, Duy Xuyên xây dựng 17 sản phẩm đạt chuẩn OCOP với đa dạng chủng loại, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao và 13 sản phẩm 3 sao. Năm 2023, huyện tiếp tục có 5 sản phẩm mới tham gia chương trình.

Ông Nguyễn Chí Công – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, xác định phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, huyện tăng cường công tác quảng bá bằng nhiều hình thức đối với các sản phẩm có tiềm năng gắn với du lịch địa phương như nước mắm Duy Trinh, khăn lụa Mã Châu, sen sấy khô Trà Lý, gạo tím than lò gạch cũ... Ngoài ra, Ban Quản lý di sản Mỹ Sơn xây dựng một điểm bán sản phẩm OCOP, bước đầu thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, để nâng tầm sản phẩm OCOP và phát triển thêm sản phẩm đặc trưng, thế mạnh…, những năm qua địa phương chú trọng sàng lọc sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa, đặc biệt là sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.

Đồng thời, quan tâm phát triển sản phẩm OCOP theo hướng canh tác hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

Theo ông Phúc, ngành chức năng của huyện thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP, qua đó đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và kỹ năng quản trị. Tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn.

Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Huyện quan tâm tổ chức và tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia nhiều hội chợ, triển lãm nhằm thúc đẩy kết nối cung cầu giữa các địa phương, mang lại cơ hội cho các sản phẩm OCOP của Duy Xuyên có mặt tại các thị trường nhiều tiềm năng, tiếp cận đông đảo người tiêu dùng. Mặt khác, các chủ thể cũng chú trọng phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các kênh bán hàng online, bán hàng tương tác trực tiếp livestream…

Thời gian tới Duy Xuyên sẽ tiếp tục xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả các sản phẩm OCOP; tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm trên thị trường. Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp - nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP gắn với giám sát, chứng thực của cơ quan quản lý nhà nước.

“Huyện cũng tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP. Ngoài ra, phát triển các điểm quảng bá, giới thiệu và trung tâm OCOP cấp huyện.

Nâng cấp các sản phẩm đạt 3 - 4 sao, hỗ trợ quản lý nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu…” – ông Phúc nói.

MAI NHI – NGÔ PHI