[Emagazine] - Chế biến sâu để nâng tầm sản phẩm đặc trưng
(QNO) - Nhiều chủ thể OCOP, dự án khởi nghiệp trong tỉnh đã chọn hướng sản xuất theo hướng chế biến sâu thay vì bán nông sản, nguyên liệu thô. Điều này đã giúp tăng giá trị sản phẩm và đáp ứng được yêu cầu khắc khe của nhiều thị trường, nhiều nhóm khách hàng.
Trăn trở nhiều về câu chuyện nông sản “được mùa mất giá” nên Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Công ty TNHH Thực phẩm chay Long Hoa, phường Cẩm Nam, TP.Hội An) ấp ủ một dự án khởi nghiệp vừa có thể tạo ra sản phẩm có giá trị cao vừa giải được bài toán đầu ra cho nông sản Quảng Nam. Vốn có kinh nghiệm trong ngành thực phẩm, chị nhận thấy tiềm năng lớn của ngành sản xuất gia vị vì thế đã mạnh dạn chọn đây làm hướng đi.
Ngay sau đó, hệ thống nhà xưởng, máy sản xuất hạt nêm, đóng gói sản phẩm hiện đại trị giá gần 2 tỷ đồng đã được cơ sở này đầu tư. Thành phần làm hạt nêm đều từ rau củ sạch do nông dân xứ Quảng tự tay trồng như khoai, bắp, bí đỏ... Nguyên liệu này đã giúp hạt nêm thương hiệu Long Hoa có hương vị ngọt, đậm đà và đặc biệt là không chứa các chất tạo mùi hương nên hoàn toàn tốt cho sức khỏe.
Tương tự, HTX Quế Trà My - Minh Phúc (xã Trà Giang, Bắc Trà My) xác định để tạo nên sản phẩm chất lượng cao thì bên cạnh đầu tư hệ thống chiết xuất hiện đại phải nắm vững quy trình chiết lọc để dầu quế hoàn thiện không lẫn tạp chất, hàm lượng tinh dầu cao. Vì vậy, cơ sở này đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho hệ thống chiết tách tinh dầu mới, đầu tư xây dựng nhà xưởng, trong đó chính quyền hỗ trợ 400 triệu đồng.
Nhờ đó, việc sản xuất tinh dầu đảm bảo chất lượng hơn trước bởi tinh dầu thô sẽ được tách bỏ cặn, tinh lọc và cho vào hệ thống chiết rót, đóng chai. Hệ thống này giúp đảm bảo quy trình khép kín, tuân thủ theo quy trình chất lượng ISO 9001:2015. Cùng với các chứng nhận ISO, OCOP, khi đưa sản phẩm ra các thị trường lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh khiến khách hàng yên tâm về chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lê - CEO HTX Quế Trà My - Minh Phúc: “Hiện nay, chúng tôi đã có hơn 15 dòng sản phẩm tinh chế, đóng chai như bình xịt quế, xà phòng quế, sát khuẩn quế… được người tiêu dùng đón nhận. Đồng thời, nhờ Viện Dược liệu (Bộ Y tế) hỗ trợ chuyển giao công nghệ nên HTX vừa sản xuất thành công 2 sản phẩm mới là nước rửa chén và nước lau sàn. Hai sản phẩm này khi đưa ra thị trường được khách hàng phản hồi khá tốt”.
[VIDEO] – HTX Quế Trà My - Minh Phúc thành công khi chọn hướng đi chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao:
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nga, cái khó đối với doanh nghiệp nhỏ là người tiêu dùng vốn quen sử dụng các sản phẩm của các tập đoàn lớn, có tên tuổi. Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ dùng nguyên liệu rau củ hoàn toàn nên giá thành cao, sản phẩm khó tiêu thụ hơn.
“Quyết tâm giúp khách hàng hiểu cặn kẽ nguồn gốc và yên tâm sử dụng gia vị, tôi cùng các cộng sự đã đến từng quầy tạp hóa và cửa hàng ở Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng… giới thiệu sản phẩm, thuyết phục để họ tin vào chất lượng của hạt nêm rau củ Long Hoa” - Nguyễn Thị Quỳnh Nga.
Sau đó, qua nghiên cứu thị hiếu của thị trường, chị Nga đã cho ra dòng sản phẩm đáp ứng được nhiều nhóm khách hàng khác nhau như nhóm khách hàng ăn thực dưỡng, ăn chay hoặc khách hàng thích sử dụng sản phẩm nông nghiệp xanh. Từ đó, cơ sở này đã định hình 2 dòng sản phẩm là hạt nêm rau củ và bột nêm cải kale đang được rất ưa chuộng tại thị trường Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng.
“Tới đây, chúng tôi sẽ tiến mạnh vào thị trường miền Nam - nơi có lượng người ăn chay đông đảo. Vì vậy, ngoài các sản phẩm hiện có Công ty TNHH Thực phẩm chay Long Hoa sẽ tiếp tục nghiên cứu công thức chế biến, đa dạng các loại gia vị phù hợp với văn hóa và thói quen ẩm thực của từng vùng miền” - bà Nga nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc HTX Hoàng Hải nhìn nhận, việc chế biến sâu sản phẩm chính là cách tạo ra nhiều sản phẩm hơn và giá trị cũng tăng lên. Theo hướng chế biến sâu, sau khoảng 2 năm cung cấp nấm tươi HTX này đã hợp tác với nhiều đối tác lớn trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm để cho ra các dòng sản phẩm tinh chế và đóng gói như trà linh chi, bột nấm mộc nhĩ, trà gừng - linh chi hòa tan.
“Hiện nay ở Quảng Nam có rất nhiều tổ hợp tác, cá nhân trồng nấm vì vậy việc bán nấm tươi sẽ khó hơn. Để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào và đa dạng dòng sản phẩm thì HTX Hoàng Hải đang nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đầu tư máy móc hiện đại và nhất là tìm kiếm sự hợp tác từ các doanh nghiệp chuyên về thực phẩm để tiến tới sản xuất thêm hạt nêm từ nấm” - ông Vũ cho biết.
[VIDEO] - Quảng Nam đã có nhiều sản phẩm OCOP sản xuất theo hướng hàng hóa:
Theo định hướng của Chương trình OCOP Quảng Nam năm 2023, tỉnh sẽ phát triển sản phẩm OCOP theo hướng góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Đồng thời, tập trung các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế, sản phẩm trùng lắp và quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP...
Vì vậy, 100% chủ thể phải đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất. Đồng thời các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lê cho biết sau nhiều thăng trầm, sản phẩm tinh dầu quế của HTX đã được công nhận là OCOP 3 sao và năm 2021 được nâng hạng 4 sao. Tuy nhiên, bà cho rằng quá trình làm nên những sản phẩm OCOP đặc trưng của Quảng Nam theo hướng chuỗi liên kết, có sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng, tận dụng vùng nguyên liệu sẵn có vẫn còn là quãng đường dài cần được chính quyền “hà hơi tiếp sức”.