Hoàn thiện quy chuẩn hàng hóa xuất khẩu: "Tấm vé thông hành" cho nông sản
Quảng Nam được xem là vùng nguyên liệu lớn của nhiều loại nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sản phẩm địa phương thường gặp trở ngại, nhất là những vướng mắc về quy định, quy tắc xuất xứ hàng hóa…
Thiết lập mã số vùng trồng
Tính đến năm 2023, toàn tỉnh có hơn 500ha măng cụt, khoảng 388ha dưa hấu cùng hàng trăm héc ta trồng chuối trái. Đây là những loại trái cây được xếp vào sản phẩm nông sản chủ lực phục vụ kế hoạch xuất khẩu của Quảng Nam.
Dù vậy, do hạn chế hiểu biết về các quy định, quy tắc ứng xử hàng hóa xuất khẩu như thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản… khiến hiệu quả xuất khẩu chưa như kỳ vọng.
Ông Lê Kim Hoàn - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Nam) cho biết, việc thiết lập, cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu nông sản, bởi đây là thông lệ quốc tế cũng như yêu cầu bắt buộc của hầu hết thị trường nhằm đảm bảo tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
“Thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không chỉ đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, bảo đảm chất lượng sản phẩm trồng trọt, truy xuất nguồn gốc dễ dàng mà còn giúp thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, bền vững và trách nhiệm” - ông Hoàn nói.
Những năm gần đây, mặc dù công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, hầu hết mới dừng lại ở việc thiết lập, mở rộng diện tích vùng trồng được cấp mã số mà chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói mới để duy trì điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo ông Lê Kim Hoàn, nâng cao nhận thức cho nông dân về quy trình sản xuất, quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần được tập trung triển khai nhằm đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu khắt khe, nhất là những yêu cầu về nguồn gốc nông sản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, không sử dụng các hoạt chất cấm theo quy định của nước nhập khẩu).
Có biện pháp quản lý và giám sát các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản đảm bảo không vượt quá mức dư lượng tối đa cho phép. Ngoài ra, cũng cần đáp ứng các yêu cầu nhân lực, ghi chép hồ sơ theo dõi các tác động lên cây trồng trong một vụ canh tác, đảm bảo đầy đủ thông tin suốt quá trình phát triển của cây…
Tận dụng FTA
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm 16 FTA đã ký kết và thực thi, 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất khu vực ký kết hiệp định thương mại tự do với tất cả đối tác kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga...
Các FTA này cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp, mang sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam chạm đến tay người tiêu dùng cuối cùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, các FTA đã đóng góp tích cực cho kết quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên cả nước, trong đó có Quảng Nam. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt các ưu đãi trong FTA để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.
“Đối với tỉnh ta, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã được xác định để đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động xúc tiến xuất khẩu phù hợp với năng lực cạnh tranh, nhu cầu thị trường và tận dụng được lợi thế từ các FTA gồm có hàng nông sản, thủy sản (tôm sú, tôm chân trắng, hải sản chế biến), linh kiện điện tử, dệt may, da giày…
Nhưng khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA, việc các doanh nghiệp hiểu rõ vấn đề xuất xứ hàng hóa sẽ góp phần quan trọng để được hưởng ưu đãi. Đặc biệt, việc nắm vững quy tắc xuất xứ cũng sẽ giúp doanh nghiệp phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn ngừa chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp trong hoạt động xuất nhập khẩu” - ông Minh nói.
Thời gian qua nhiều loại trái cây, nông sản Quảng Nam chủ yếu bán cho thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy vậy, thị trường này cũng yêu cầu chặt chẽ đối với sản phẩm nông sản được nhập từ Việt Nam.
Luật sư Vũ Xuân Hưng - Trưởng phòng Pháp chế Trọng tài VCCI TP.Hồ Chí Minh khẳng định, đối với hàng nông sản, mã số vùng trồng hiện được xem như “tấm vé thông hành” cho nông sản được xuất khẩu chính ngạch. Đối với thị trường nội địa, sản phẩm có mã số vùng trồng cũng là lợi thế để các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi dễ dàng tiếp nhận.
Với các thị trường xuất khẩu cũng như những thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam, việc hiểu rõ vấn đề xuất xứ hàng hóa và chọn mã hàng hóa hết sức quan trọng giúp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan trong FTA.
Vì vậy, việc nắm vững những quy tắc xuất xứ và mã số vùng trồng cho hàng hóa có thế mạnh của tỉnh sẽ giúp doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tận dụng tối đa cơ hội, đồng thời hạn chế rủi ro từ các FTA để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của mình.