Tín dụng chính sách vì an sinh xã hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam triển khai hiệu quả nhiều chương trình cho vay học sinh, sinh viên; nước sạch và vệ sinh môi trường; giải quyết việc làm; cho vay nhà ở xã hội… góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Những dấu ấn
Dư nợ thực hiện chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) đến cuối tháng 7 đạt hơn 289 tỷ đồng với 12.988 HSSV còn dư nợ. Riêng 7 tháng đầu năm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã cho vay hơn 20 tỷ đồng với 755 HSSV được vay vốn. Chương trình tín dụng ưu đãi tạo điều kiện cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn đủ chi phí để theo học đại học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Ngân hàng Chính sách xã hội vừa phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”. Nhiều tham luận bày tỏ mong muốn Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng chính sách theo hướng ổn định, bền vững, ưu tiên dành nguồn lực để bổ sung đầy đủ, kịp thời vốn cho tín dụng ưa đãi đảm bảo an sinh xã hội.
Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường với mục tiêu nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn đã thật sự đi vào cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Thống kê của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đến ngày 31/7 dư nợ là hơn 833 tỷ đồng với 48.469 hộ còn dư nợ. Trong 7 tháng đầu năm đã thực hiện cho vay gần 118 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 5.917 hộ được tiếp cận vốn với 11.790 công trình được xây dựng.
Tín dụng chính sách là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Rất nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tiếp sức người dân sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn (dư nợ hơn 687 tỷ đồng với 16.502 hộ còn dư nợ), trợ lực cho hộ nghèo xây nhà ở (dư nợ hơn 55 tỷ đồng).
Nhiều chương trình cho vay hiệu quả khác như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói, cho vay thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, phù hợp với sự phát triển của từng vùng, miền. Nguồn vốn chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ gia đình ổn định sản xuất, tăng sản phẩm, tăng thu nhập, thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
“An sinh xã hội từ vốn vay chính sách thể hiện rõ ở cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Tuấn nói.
Cần ưu tiên nguồn lực
Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh thời gian qua đã quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực giúp ngân hàng chính sách nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động, chủ động hơn trong triển khai các nhiệm vụ cho vay vốn.
Tuy nhiên, nguồn lực thực hiện còn hạn chế, cơ cấu nguồn vốn tuy đã đa dạng hơn nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm bền vững. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương còn ít, chưa đủ nguồn lực cho mục tiêu an sinh xã hội.
Mức cho vay, thời hạn cho vay của một số chương trình tín dụng chính sách chậm được điều chỉnh. Một số địa phương vẫn chưa thực sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách vì an sinh xã hội nên đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng xã hội sát hợp hơn nữa với thực tiễn.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đánh giá cao vai trò của tín dụng chính sách với an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Tích cực huy động nguồn vốn, ngoài nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, cần thêm các nguồn vốn hợp pháp khác, lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
“Quảng Nam quan tâm đến nguồn lực, ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách theo hướng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn an sinh xã hội cho người dân” - đồng chí Phan Việt Cường nói.