Khơi dậy tiềm năng địa phương từ sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo điều kiện, cú hích mạnh mẽ chắp cánh cho nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của huyện Nông Sơn đến với người tiêu dùng.
Phát huy lợi thế
Nằm dưới chân núi Chúa, vùng thung lũng Sơn Viên có những cánh đồng sen thơm ngát, mênh mông. Nhận thấy giá trị tiềm năng của cây sen, năm 2019, ông Hà Văn Chinh (xã Sơn Viên) đầu tư gần 50 triệu đồng mua 10 sào đất bỏ hoang, múc ao trồng sen. Năm 2021, ông Chinh thành lập Cơ sở kinh doanh sen Bình An, đầu tư máy sấy và đóng gói hạt sen để cung cấp ra thị trường với nhãn hiệu “hạt sen Tây Viên”.
Ông Chinh cho biết, hiện nay người dân Sơn Viên cải tạo diện tích bỏ hoang, đất kém hiệu quả để trồng sen với diện tích khoảng 5ha. Cơ sở của ông Chinh hợp đồng thu mua hạt sen tươi của các hộ dân trong vùng với giá 40 - 45 nghìn đồng/kg, thuê người lột vỏ sen với tiền công 30 nghìn đồng/kg.
Theo ông Chinh, hạt sen Tây Viên có chất lượng, được kiểm định an toàn. Sen được trồng trên ruộng dọc triền núi với nguồn nước sạch, không bị ao tù, ít bị tác động bởi môi trường sinh hoạt của con người. Đồng thời, cây sen ưa thích thổ nhưỡng, khí hậu ở đây nên hạt sen no tròn, chắc mẩy, thơm bùi với hương vị đặc biệt.
“Hạt sen khô Tây Viên trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, kỹ càng để đảm bảo an toàn, nguyên vẹn hương vị đặc trưng và thành phần dinh dưỡng của hạt. Với tiêu chí sản phẩm xanh, sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, năm 2021, “hạt sen Tây Viên” được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao” – ông Chinh nói.
Trong xây dựng phát triển, các chủ thể OCOP ở Nông Sơn chú trọng yếu tố chất lượng sản phẩm gắn với phát huy tiềm năng lợi thế và nét văn hóa, phong tục tập quán sản xuất ở địa phương.
Được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2022, rượu nếp cẩm Sơn Viên của gia đình ông Nguyễn Mai Nam (xã Sơn Viên) có hương vị êm dịu đặc trưng, được sản xuất hoàn toàn thủ công và hạ thổ theo phương pháp gia truyền.
Ông Nam cho biết, nếp cẩm được trồng trên cánh đồng Sơn Viên, qua quá trình lên men từ 7 - 10 ngày, ủ rượu trong chum sành chôn dưới đất từ 3 tháng trở lên sẽ cho hương vị thơm ngon, an toàn và không gây đau đầu. Rượu nếp cẩm có màu tím nhạt, vị ngọt và chua, càng ủ lâu thì độ ngọt càng tăng.
Hiện nay, hầm rượu của ông Nam có 30 chum sành, trung bình mỗi năm sản xuất 3.000 - 4.000 lít, bán với giá 100 nghìn đồng/lít. Theo ông Nam, nếp cẩm có lợi cho sức khỏe, hơn nữa rượu nếp cẩm được ủ từ hạt nếp sản xuất hữu cơ, an toàn nên người tiêu dùng có thể tin tưởng sử dụng.
Thúc đẩy kết nối thị trường
Từ các loại hạt đậu, hạt ngũ cốc giàu dinh dưỡng, Cơ sở kinh doanh Đoàn Thị Thương (xã Phước Ninh) đã kết hợp hài hòa và cho ra đời bột ngũ cốc “Hạt Thương”, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Cơ sở tiếp tục cho ra đời sản phẩm trà đậu và được thị trường ưa chuộng.
Năm 2022, trà đậu “Hạt Thương” được chấm chọn là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện. Hiện, cơ sở đang làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm trà đậu này. Những năm qua, bộ đôi sản phẩm ngũ cốc và trà đậu “Hạt Thương” được nhiều cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện chọn làm quà biếu trong các hội nghị, đại hội…
Bên cạnh đa dạng, nâng cao giá trị sản phẩm, cơ sở Đoàn Thị Thương chú trọng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ bằng các hình thức bán hàng qua mạng xã hội, cơ sở tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của mình tại hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm…
Mong muốn nâng cao giá trị nguồn nông sản sạch của địa phương, mang thương hiệu nông sản Nông Sơn đi xa hơn nữa, ông Hà Văn Chinh cho biết, thời gian tới cơ sở sẽ mở rộng tiếp cận thị trường.
“Bên cạnh hạt sen Tây Viên, bột sen, trà tim sen, chúng tôi đang thử nghiệm làm rượu sen để phát triển chuỗi sản phẩm OCOP. Đây không chỉ là sản phẩm giảm nghèo, giúp cơ sở có thu nhập, tạo thêm việc làm cho người lao động mà còn góp phần xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng của địa phương, tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả” – ông Chinh nói.
Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, từ năm 2018 đến nay, mỗi năm huyện chi từ 400 - 600 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP.
Nông Sơn hiện có 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Năm 2023, huyện lựa chọn 5 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCCOP. Các chủ thể OCOP ở Nông Sơn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, đồng thời thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm...