Giá gạo tăng, nguồn cung vẫn đảm bảo

KHÁNH LINH 15/08/2023 06:22

Hơn nửa tháng nay, thị trường gạo trong nước xuất hiện những biến động do nhu cầu thế giới gia tăng. Trên địa bàn tỉnh giá một số loại gạo tăng nhẹ nhưng nguồn cung vẫn ổn định.

Dù gạo tăng giá nhưng nguồn cung vẫn đảm bảo. Ảnh: K.L
Dù gạo tăng giá nhưng nguồn cung vẫn đảm bảo. Ảnh: K.L

Giá tăng

Bà Nguyễn Thị Phương, chủ cửa hàng bán gạo tại chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn) cho biết, hơn 1 tuần nay giá gạo đã tăng từ khoảng 2 – 5 nghìn đồng/kg do ảnh hưởng chung của giá gạo trên thị trường. Đơn cử, gạo quê (gạo xiệc) từ khoảng 12 nghìn đồng/kg tăng lên 14 nghìn đồng/ký, gạo Cỏ Mây 172 nghìn đồng/bao 10kg, gạo Mai (bao đỏ) 175 nghìn đồng/bao 10kg…

“Việc gạo tăng giá dường như không tác động đến sức mua trên thị trường, cũng không diễn ra tình trang khan hiếm hoặc thiếu hàng” - bà Phương nói.

Khảo sát một số siêu thị, đại lý gạo trên địa bàn tỉnh nhận thấy nguồn cung dồi dào. Theo chủ một đại lý gạo trên đường 33 (phường Điện Thắng Trung, Điện Bàn), giá gạo tăng mạnh chủ yếu thuộc các loại gạo thơm Sài Gòn nhập về (có loại tăng 5 nghìn đồng/ký), riêng gạo quê thì giá tăng không đáng kể (từ 1.500 - 2.000 đồng), trong khi người dân chủ yếu sử dụng gạo quê để ăn hoặc nấu rượu, tráng mỳ, làm bún…

“Điện Bàn thuộc vùng nông nghiệp, lúa gạo có sẵn nên giá tăng không nhiều, trong khi nguồn cung cũng dễ dàng, không có chuyện khan hiếm như thời điểm dịch người ta mua tích trữ” - chủ đại lý gạo thông tin.

Với các loại gạo thơm Sài Gòn như Mây Tư Hoảnh, đại lý nhập vào giá 17,3 nghìn đồng/kg, bán ra 17,5 nghìn đồng/kg. Trước đây, bình quân một ngày đại lý này bán lẻ khoảng 500kg gạo, chủ yếu gạo quê, tuy vậy thời gian này lượng bán ra có xu hướng giảm.

Từ cuối tháng 7, sau khi Chính phủ Ấn Độ cùng một số nước như UEA, Nga tạm dừng xuất khẩu gạo (ước tính 40% nguồn cung xuất khẩu gạo trên toàn cầu sụt giảm) khiến các đơn hàng xuất khẩu gạo trong nước tăng vọt, kéo theo giá thu mua đầu vào tăng mạnh...

Cùng với đó, một số thị trường trong khu vực cũng tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam như Philippines (nhập thêm 1,5 triệu tấn), Indonesia (ước tính 1 triệu tấn), Trung Quốc (500 nghìn tấn)...

Ngoài ra, một số khách hàng vốn nhập khẩu gạo của Thái Lan cũng dần dịch chuyển sang tìm kiếm nguồn cung từ Việt Nam. Các phân tích cho thấy, xu hướng giá gạo tăng sẽ còn tiếp tục thời gian tới, nhất là tình trạng thời tiết phức tạp như hiện nay khiến nguồn cung bị ảnh hưởng.

Giữ ổn định thị trường

Vụ hè thu 2023 toàn tỉnh sản xuất 41.535ha lúa, chủ yếu cơ cấu những loại giống trung - ngắn ngày và dự kiến tổng sản lượng đạt khoảng 207 nghìn tấn. Hầu hết lúa thu hoạch phục phụ thị trường tiêu thụ nội tỉnh hoặc nội địa, hầu như không xuất khẩu.

Dù vậy, giá gạo gia tăng cũng đang dần tác động đến mặt hàng gạo. Trong khoảng nửa tháng trở lại đây, giá gạo tăng khá rõ tại các cửa hàng bán lẻ, đại lý. Thống kê cho thấy, gạo phân khúc 12 – 18 nghìn đồng/kg tăng từ 15 - 30%.

Tại các siêu thị, cửa hàng nông sản, nguồn cung vẫn thông suốt. Bà Trần Như Lai – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tam Kỳ khẳng định, nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại siêu thị vẫn đảm bảo.

“Việc ổn định giá và nguồn cung khá tốt vì Co.opmart có kinh nghiệm nhiều năm bình ổn, có nguồn dự trữ tốt và đặc biệt đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo. Do đó, giá gạo bán trong Co.opmart hiện vẫn chưa điều chỉnh, nguồn hàng đảm bảo bình thường” - bà Lai chia sẻ.

Ông Trương Minh Vương - chủ cơ sở sản xuất rượu sạch “Bảy Vương” (xã Bình Đào, Thăng Bình) khẳng định, tuy giá tăng nhưng lượng gạo mua vào vẫn dồi dào, một phần vì cơ sở thu mua lúa của người dân về dự trữ từ trước để máy dần, mặt khác lượng lúa gạo trong dân vẫn còn, nhất là vụ hè thu sắp thu hoạch nên nỗi lo về nguồn nguyên liệu không lớn. Bình quân, mỗi ngày cơ sở nấu rượu từ 75 - 100kg gạo nếp.

“Ở mình lúa gạo nhiều, chủ yếu mua bán nhỏ lẻ trong dân nên đủ nguồn cung, kể cả với gạo nếp dù tăng khoảng 5 nghìn đồng/kg nhưng thị trường không thiếu gạo” - ông Vương chia sẻ.

Theo bà Đỗ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), đến nay sở vẫn chưa ghi nhận tình trạng khan hiếm gạo trên địa bàn. Sở chưa nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương về bình ổn mặt hàng gạo tại các địa phương.

“Nhu cầu thị trường gạo thế giới tăng cao dẫn đến gạo lên giá chứ không phải do thiên tai mất mùa thiếu hụt nguồn cung mà gạo khan hiếm tăng giá nên cũng chưa đến mức lo ngại” - bà Hiền phân tích.

KHÁNH LINH