Lão nông đưa nghề chế tác tre mỹ nghệ vươn xa
Nhiều năm kiên trì bám trụ, giữ gìn nghề đan lát tre truyền thống, ông Lê Viết Tới (khối phố Câu Nhi, phường Điện An, thị xã Điện Bàn) không ngừng cải tiến sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ tre.
Phát huy nghề truyền thống
Khối phố Câu Nhi, phường Điện An (Điện Bàn) trước kia là vùng đất trũng thấp, sản xuất nông nghiệp gặp khó. Cả làng Câu Nhi đều theo nghề đan lát truyền thống vào những lúc nông nhàn. Sản phẩm chủ lực xưa kia chủ yếu là rổ, mủng, thúng cho tới bàn ghế, chõng tre...
Từ năm 1990, gia đình ông Lê Viết Tới chuyển hoàn toàn sản xuất nông nghiệp sang chuyên sản xuất các mặt hàng gia dụng, hàng thủ công - mỹ nghệ, lấy nguyên liệu từ cây tre.
Cơ hội đến với gia đình ông khi bất ngờ có một vị khách ở TP.Hồ Chí Minh tìm về quê đặt hàng các sản phẩm tre mỹ nghệ để trang trí cho nhà hàng tre lá được xây dựng ở TP.Đà Nẵng. “Họ yêu cầu chúng tôi làm mái nhà, bàn ghế và các sản phẩm trang trí cho nhà hàng. Từ đây, chúng tôi có cơ hội học hỏi và mở rộng thị trường” - ông Tới chia sẻ.
Năm 2000, Cơ sở tre mỹ nghệ Lê Viết Tới đã hình thành tại Điện An. Không chỉ sử dụng nguyên liệu tre, ông Tới còn thu mua điền trúc, nứa, tầm vông từ các nơi. Ông mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị để làm ra những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Sản phẩm của cơ sở ông bắt đầu được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và được đánh giá cao tại các hội chợ triển lãm.
Các dòng sản phẩm xích đu, xe đạp nước của cơ sở ông từng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Sản phẩm của Cơ sở tre mỹ nghệ Lê Viết Tới còn được công nhận là sản phẩm OCOP làng nghề ở địa phương vào năm 2022.
Cải tiến sản xuất
Ngày trước, các công đoạn đan lát, chế tác sản phẩm tre chỉ sử dụng rựa, mác, dùi đục, bào tay... thì bây giờ, các khâu đều do máy móc đảm nhận nên sản phẩm được tạo ra nhanh hơn, nhiều hơn.
“Khoảng 6 năm trở lại đây, tôi chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị cần thiết để đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm làm ra nhanh, sức cạnh tranh tốt, giảm giá thành sản phẩm” - ông Tới nói.
Tín hiệu đáng mừng là thị trường của sản phẩm tre mỹ nghệ ngày càng rộng mở. Sản phẩm của cơ sở ông Lê Viết Tới đi Đà Nẵng, vào TP.Hồ Chí Minh, ra cả Hà Nội với hàng trăm loại, có giá bán đa dạng, từ vài trăm nghìn đồng/sản phẩm cho tới hàng chục triệu đồng đối với dòng sản phẩm cao cấp.
Ông Tới hiện đã đào tạo được một số lao động có tay nghề cao và đã có nhiều thợ giỏi. Cơ sở của ông tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 người với mức lương từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông có 2 lao động kỹ thuật chính, 1 nghệ nhân cấp tỉnh...
“Có được thành công ngày hôm nay là nhờ chúng tôi luôn đặt uy tín, thương hiệu lên hàng đầu, chú trọng đổi mới, nghiên cứu nhu cầu thị trường, sở thích của khách hàng” - ông Tới chia sẻ.
Suốt 25 năm duy trì và phát triển, có được kết quả ngày nay là cả một hành trình, nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Lê Viết Tới và gia đình. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình ông còn góp phần bảo tồn, phát triển nghề đan tre truyền thống ở xã Điện An và đưa sản phẩm vươn xa ra thị trường cả nước.