Giăng bẫy tín dụng
Thông tin cách đây một tuần Công an Quảng Nam bắt một nhóm người Trung Quốc thông qua ứng dụng “Great Vay” cho hơn 1 triệu người trên toàn quốc vay 20.000 tỷ đồng với lãi suất rất cao, thu lợi bất chính hơn 8.000 tỷ đồng rồi thông qua hàng chục công ty “ma” để rửa tiền chuyển ra nước ngoài hơn 5.000 tỷ đồng, khiến người ta rùng mình. Không chỉ người trên địa bàn Quảng Nam “há miệng mắc quai”, mà rất nhiều người tại các tỉnh thành trong nước cũng sập bẫy.
Dễ thấy, đời sống càng khó khăn, thì kiểu giăng bẫy tín dụng như trên càng nổi lên. Tại các thành phố lớn, khi thất nghiệp hiện lên với cảnh báo đỏ, thì đồng nghĩa vay nóng xuất hiện ào ạt. Tất nhiên sau đó là tệ nạn đi kèm, với đội quân đòi nợ là xã hội đen xuất hiện.
Khi đã túng, thì vay để gỡ thành đương nhiên, nhưng vay với lãi suất cao, dẫu biết rằng đã xuống tay vay là bước một bước vào miệng cọp, nhưng cứ vay. Vay để giải quyết tình thế. Càng vay càng lún. Cả những người không túng thiếu, cũng vay để đầu tư chuyện khác, bởi ham quá, thấy dễ ăn quá.
Vay lãi suất cao. Tín dụng đen. Biêu hụi. Sao cứ thấy những kiểu làm ăn đi ngang về tắt trên giống lời rao “việc nhẹ lương cao” quá, nghe rao vậy không ít người ở độ tuổi thanh thiếu niên đã đưa đầu vào bẫy buôn người?
Năm ngoái ở Nam Phước (Duy Xuyên) đã vỡ hụi, từ bà bán chè vài trăm ngàn đồng đến người mất cả hơn tỷ bạc, gom sơ sơ lại mấy chục tỷ đồng. Chủ hụi biến mất, để lại những rên la nức nở.
Nghĩ cho cùng, bất luận hình thức nào kiếm tiền thông qua các kiểu đánh bạc, đều như nhau, dù có mang sắc màu chi đi nữa, thì tên gọi sau cùng của nó vẫn là cờ gian bạc lận, hay nói gọn hơn là lừa đảo. Chẳng có chiếu bạc nào là tử tế lương thiện. Chính quyền đau đầu xử những chuyện thế này.
Hầu hết là giao dịch dân sự, tự nguyện, chẳng có giá trị pháp lý gì hết. Lúc bể ra mới nhờ tới công an. Được vạ thì má đã sưng. Hỏi: “Sao lúc vay, hốt hụi, sướng rân, không cho công an biết, chừ ôm đầu máu mới la làng nhờ cậy?”. Đáp: “Thì ai biết được, biết tìm mô, phải nhờ chứ”. Quá đơn giản.
Đâu chỉ vay ngoài đường ngoài chợ hay trên mạng, mà ngay cả công sở cơ quan đơn vị, cũng lắm chỗ biêu hụi. Những chỗ đó, xem ra đáng tin hơn, bởi người cầm cái là dân công chức, có địa chỉ rõ ràng.
Nhưng ở đời, cái chữ đáng ngờ nhất là đâu ngờ! Biết đâu được, sáng mai dậy, ta bần thần khi người mà ta tin lâu nay là đàng hoàng giàu có đậm đặc chữ tín, giờ như chim nhạn mất dấu, ôm theo đống bạc tổ chảng, để lại những cái nhìn thất thần ngơ ngác rồi kêu trời la đất nước mắt tuôn rơi...
Đây là một thứ vấn nạn xã hội không thể xem thường, bởi khi đã tanh bành ra rồi, là tan cửa nát nhà. Càng ngày, Nhà nước càng phát đi nhiều thông tin cảnh báo các trò lừa đảo qua mạng, điện thoại. Nói miết, nhưng chẳng giảm bớt được số nạn nhân bị lừa. Hình như xã hội thông tin tràn ngập này, có thể khiến người ta thông minh hơn, hiểu biết nhiều hơn, nhưng nó cũng dễ làm con người mắc bệnh hoang tưởng lớn hơn.
Giới cho vay nặng lãi hay nói câu nghe… tình lắm: “Tụi này sẽ hỗ trợ cho, dễ mà, giúp nhau lúc ngặt chứ ai giúp lúc nghèo”. Thôi, xin đừng núp bóng sự giúp đỡ nữa!