Khát vọng đưa sâm Ngọc Linh vươn xa

SONG LINH 31/07/2023 08:17

Cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) hiện diện tại vùng núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My) là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị cao. Khát vọng đưa sâm Ngọc Linh vươn xa đang dần định hình hướng đi.

Sâm Ngọc Linh đang mang lại giá trị đích thực cho người trồng sâm. Ảnh: Q.L
Sâm Ngọc Linh đang mang lại giá trị đích thực cho người trồng sâm. Ảnh: Q.L

Bảo tồn và phát triển

Các phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản, dược liệu đặc trưng của địa phương được tổ chức hằng tháng cùng các lễ hội sâm Ngọc Linh đã trở thành địa chỉ giao dịch hàng nông sản đặc trưng của huyện Nam Trà My.

Các phiên chợ góp phần rất lớn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh, dược liệu khác và hàng nông sản. Qua đó tạo thêm nguồn tăng thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Phiên chợ cũng là nơi để gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác của người dân; tạo sự kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, giao thương; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng để thoát nghèo.

Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với khoảng hơn 3 triệu cây trên tổng diện tích gần 810ha dưới tán rừng. Giá trị thương mại của cây sâm Ngọc Linh dần ổn định nhờ các phiên chợ với sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Người dân đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng”.

Nam Trà My có 7 xã được quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, gồm Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng và Trà Don, với tổng diện tích quy hoạch 15.568ha. Đến nay đã bảo tồn được 100ha cây sâm Ngọc Linh, tương đương 2 triệu cây.

Diện tích và số hộ trồng sâm tăng đáng kể, vào năm 2014 số hộ trồng sâm chỉ vào khoảng 110 hộ, với 65ha trồng sâm thì đến nay đã hình thành 93 chốt trồng sâm, với hơn 1.500 hộ dân và hơn 1.650ha đã đăng ký trồng sâm Ngọc Linh.

Nhờ có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay đã thu hút được 19 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm và dược liệu dưới tán rừng, với diện tích đăng ký 364ha.

Đưa sâm Ngọc Linh vươn xa

Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu xây dựng và phát triển cây sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây là những điều kiện quan trọng để thực hiện khát vọng đưa sâm Ngọc Linh vươn xa tới thị trường trong và ngoài nước.

Những chỉ số dược liệu quý từ sâm Ngọc Linh đã đưa giá trị kinh tế các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh tăng lên rất cao. Mỗi héc ta trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 - 50 tỷ đồng. Cây sâm Ngọc Linh đã trở thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại vùng trồng sâm.

Với tiềm năng phát triển to lớn trong tương lai, vùng Ngọc Linh đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư thuê môi trường rừng trồng sâm, xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm, góp phần phát triển ngành dược sâm và kinh tế - xã hội của huyện Nam Trà My.

Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, sau khi có Chương trình phát triển sâm Việt Nam, để đưa sâm Ngọc Linh vươn xa đến các thị trường trên thế giới, cần các chính sách từ Trung ương đến tỉnh.

Đặc biệt, việc xúc tiến, kêu gọi và thu hút doanh nghiệp, HTX trong xây dựng cơ sở sản xuất giống, gắn việc sản xuất, cung ứng giống với tiêu thụ, chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh có vai trò quan trọng, làm cầu nối đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh tiếp cận các thị trường trên thế giới.

Sự chung tay của Nhà nước và doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhân dân sẽ giúp phát triển bền vững vùng trồng sâm, bảo vệ môi trường rừng, cải thiện sinh kế cho người dân, phát huy bản sắc văn hóa bản địa.

SONG LINH