Tìm thị trường cho sản phẩm nông thôn
Tổ chức hội chợ bán hàng, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… là những giải pháp mà ngành Công Thương và các chủ thể OCOP đã và đang triển khai nhằm đa dạng kênh cung ứng sản phẩm Quảng Nam đến tay người tiêu dùng.
Hướng tới xuất khẩu
Từ ngày 26 - 29/7, lần đầu tiên đoàn công tác xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu làm trưởng đoàn cùng 11 doanh nghiệp, HTX sản xuất của tỉnh và các sở ngành liên quan đã tiến hành khảo sát thị trường hàng hóa tại tỉnh Quảng Ninh.
Đây được xem là hoạt động tiếp theo sau những đợt xúc tiến, quảng bá thương mại tại một số tỉnh, thành trong cả nước nhằm giúp doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh có cơ hội nắm bắt, tìm hiểu thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đối tác nước ngoài, nhất là những khu vực vùng cửa khẩu biên giới.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, chuyến đi không chỉ là hoạt động xúc tiến thông thường mà còn hiện thực hóa mục tiêu cao hơn là tiếp cận thị trường, khách hàng Trung Quốc thông qua hoạt động thương mại vùng biên giới cửa khẩu Móng Cái, từ đó mang đến cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp Quảng Nam kết nối thị trường, xuất khẩu hàng hóa.
Toàn tỉnh hiện có 333 sản phẩm được công nhận OCOP cùng hàng trăm sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm khởi nghiệp, làng nghề…, hầu hết đạt chất lượng mẫu mã tốt.
Gần đây thông qua các hoạt động thương mại điện tử và truyền thông, thị trường sản phẩm Quảng Nam không ngừng mở rộng, được khách hàng khắp nơi biết đến, tin dùng. Không ít sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn đã xâm nhập vào nhiều hệ thống siêu thị, kể cả các gian hàng tại khu vực chờ sân bay, giúp sản phẩm Quảng Nam lan tỏa.
Sức hút sản phẩm OCOP Quảng Nam còn được minh chứng qua những con số hàng hóa tiêu thụ nhanh chóng tại các hội chợ thương mại tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, kể cả trong tỉnh bởi thương hiệu ngày càng được củng cố, khẳng định.
Một số sản phẩm OCOP Quảng Nam bước đầu cũng xâm nhập vào thị trường nước ngoài. Mới đây, HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (Duy Xuyên) đã ký được đơn hàng với đối tác Lào để đưa sản phẩm gạo lứt hạt và rong biển cùng một số sản phẩm đặc trưng của HTX sang tiêu thụ, tuy mới chỉ là bước đầu, số lượng đơn hàng chưa cao nhưng đây được xem là tiền đề tốt để sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn Quảng Nam đi xa hơn trong tương lai.
Dựa vào du lịch
Có thể khẳng định, tìm đầu ra cho sản phẩm nông thôn, OCOP được xác định là vấn đề quan trọng. Những năm qua, bên cạnh tham gia các sự kiện, hội chợ, việc dựa vào du lịch được các chủ thể OCOP Quảng Nam đánh giá là kênh bán hàng hiệu quả. Khảo sát một số chủ thể trên địa bàn cho thấy, tỷ lệ đơn hàng từ thị trường khách du lịch chiếm từ 30 - 50% tổng doanh số bán hàng của đơn vị.
Bà Trần Thị Hồng Vâng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm dinh dưỡng MT NUTS (Hội An) cho biết, gần 40% đơn hàng của đơn vị bán cho du khách quốc tế và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Hội An đặt mua, chủ yếu các sản phẩm chế biến như hạt điều, hạt mắc ca, xoài dẻo…
Ngoài ra, một số thị trường du lịch lớn như Quảng Bình, Đà Nẵng cũng nhận làm đại lý phân phối cho MT NUTS. Từ đầu năm đến nay, cùng với quá trình du lịch phục hồi, doanh số bán hàng của doanh nghiệp cũng tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ.
Trong số 333 sản phẩm OCOP Quảng Nam đã được công nhận, nhóm sản phẩm thực phẩm, thức uống chiếm số lượng tương đối lớn, đây cũng là lợi thế để phục vụ thị trường du lịch.
Thực tế cho thấy, gắn thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP với du lịch sẽ là hướng đi hiệu quả và phù hợp hiện nay. Đây cũng là chủ trương mà ngành Công Thương đang hướng đến trong chiến lược quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm nông thôn.
Ông Lê Trung Phong (chủ hộ kinh doanh bánh khô mè “Bà Ly”) khẳng định, nếu không có du lịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị sẽ trì trệ. Điều này đã từng xảy ra khi du lịch chưa phục hồi sau dịch.
Tính đến hết tháng 6/2023, doanh thu bán hàng của cơ sở dựa vào thị trường du lịch chiếm khoảng 70% tổng doanh thu của đơn vị. Khác với nhiều sản phẩm tiêu dùng thông thường, kênh bán hàng bánh khô mè “Bà Ly” chủ yếu dựa vào hệ thống cửa hàng đặc sản Đà Nẵng, nơi chuyên phục vụ khách du lịch. Vì vậy, mùa hè cũng là thời điểm tăng trưởng khá cao của cơ sở bởi lượng khách nội địa đến Đà Nẵng đông.