Khởi sắc làng hương Bàn Tân

HOÀNG LIÊN 21/07/2023 08:39

Ngoài việc kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, nhiều cơ sở sản xuất hương trầm, hương quế ở làng hương Bàn Tân (xã Đại Đồng, Đại Lộc) còn nỗ lực cải tiến sản xuất, áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ làm hương, nhiều hộ sản xuất dần khấm khá.

Cơ sở sản xuất hương trầm Phú An, làng Bàn Tân, xã Đại Đồng nỗ lực cải tiến sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm. Ảnh: H.LIÊN
Cơ sở sản xuất hương trầm Phú An, làng Bàn Tân, xã Đại Đồng nỗ lực cải tiến sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm. Ảnh: H.LIÊN

Giữ nghề truyền thống

Nghề làm hương Bàn Tân có từ lâu đời. Trước đây, nhiều hộ chỉ làm nhỏ lẻ để bán, sản phẩm hương Bàn Tân chưa đi Hội An, Tam Kỳ và Đà Nẵng tiêu thụ với số lượng lớn như hiện nay.

Nếu trước, các công đoạn sản xuất ở làng nghề rặt thủ công thì nay, nhờ có máy móc, công nghệ, quy trình sản xuất được rút ngắn, giúp chủ cơ sở nâng cao năng suất, sản lượng, gia tăng lợi nhuận, sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều cơ sở còn mở rộng quy mô sản xuất, thuê thêm nhân công, đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của thị trường.

Tranh thủ những tháng nắng nóng, các cơ sở làm hương Bàn Tân tăng cường nhân công sản xuất. Với người làm hương, đây là “thời điểm vàng” để sản xuất, còn các tháng mưa lũ, chỉ tập trung đóng gói, bao bì, dán nhãn mác để phục vụ tết.

Dù sản xuất quanh năm, nhưng mùa thu nhập chính của làng nghề vẫn là vụ tết. Từ vài cơ sở nhỏ, đến nay, làng hương Bàn Tân có hàng chục cơ sở, giải quyết việc làm cho gần 50 lao động nhàn rỗi.

Hộ gia đình làm hương ở Bàn Tân hầu hết có kinh tế ổn định. Là con dâu Bàn Tân, chị Võ Thị Diệu - chủ cơ sở sản xuất hương Phú An cho biết, gia đình chồng có truyền thống làm hương, cả nhà có 9 anh chị em thì hết 7 người theo nghề. Nhiều cơ sở sản xuất hương lớn như Phước Sơn, Phú Lộc, Phú An, Kỳ Nam… cũng đi ra từ gia đình này.

Riêng vợ chồng chị Diệu có 2 xưởng sản xuất hương cây (trầm, quế) và hương nụ, hương vòng. Sản xuất ổn định, đầu ra đảm bảo, không chỉ đầu tư máy móc, chị Diệu còn sắm ô tô để vận chuyển sản phẩm cho khách hàng.

Là một trong 6 công nhân lao động thường xuyên của cơ sở Phú An, chị Lê Thị Mỵ (quê xã Đại Quang) chia sẻ, chị đã gắn bó với cơ sở của chị Diệu gần 10 năm nay. Gần đây, nhờ có máy nhào bột, máy phóng hương, máy in nụ, máy làm hương vòng nên vất vả, nhọc nhằn của người lao động giảm đi nhiều.

“Nghề này tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ ở nông thôn, nắng mưa cũng có việc nên ai nấy gắn bó với nghề” - chị Mỵ nói.

Phát triển thương hiệu

Chị Võ Thị Diệu cho biết, chỉ mặt hàng hương cây đã có hàng chục loại sản phẩm, từ loại hương có giá thành mỗi ký 50 nghìn đồng, 500 nghìn đồng, cho tới vài triệu đồng, tùy theo yêu cầu và sở thích người dùng.

Hương nụ có số lượng 1.000 viên/ký, rẻ nhất 500 nghìn đồng, đắt thì 2 - 3 triệu đồng, tùy theo lượng trầm trong sản phẩm. Những sản phẩm cao cấp nguyên liệu tốt hơn, lượng tinh dầu trầm nhiều hơn nên chi phí, giá thành đắt đỏ hơn.

“Những cơ sở sản xuất lớn nhập nguyên liệu từ các nơi khác với số lượng lớn nên giá cả và chất lượng ổn định. Mỗi năm, cơ sở sản xuất 40 tấn hương các loại. Nhờ uy tín, chú trọng xây dựng và giữ thương hiệu nên cơ sở tôi đã có mạng lưới tiêu thụ rộng rãi tại Quảng Nam và Đà Nẵng” - chị Diệu cho hay.

Tại Bàn Tân, cơ sở sản xuất hương trầm Kỳ Nam được xem là lớn nhất với 3 xưởng hoạt động liên tục, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động. Cơ sở này chuyên sản xuất nhiều dòng sản phẩm như: trầm nụ, hương cây, hương vòng, giác xông, nhang trầm cao cấp không tăm.

Bột hương trầm được làm từ trầm hương miếng hoặc từ gỗ trầm hương được xay mịn, trộn cùng bột cây bời lời có chất keo tự nhiên, giúp kết dính nguyên liệu với nhau. Mỗi ký nhang trầm cao cấp không tăm, tùy theo hàm lượng giác trầm, bời lời trong sản phẩm mà loại rẻ nhất có giá thành hơn 1 triệu đồng, đắt nhất lên tới hàng chục triệu đồng...

Sản phẩm “Hương trầm Kỳ Nam” của cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2019. Anh Nguyễn Đình Kỳ Nam, chủ cơ sở cho biết, đang nỗ lực tìm đường đưa sản phẩm nhang trầm không tăm cao cấp Đại Lộc xuất ngoại, đến với thị trường rộng lớn.

HOÀNG LIÊN